Hành trình hơn 1000 ngày truy tìm “kho báu 10 tấn vàng”

Ông khăng khăng, bên dưới nền nhà nguyện này có ít nhất 10 tấn vàng của người Nhật “bỏ quên” từ thời Thế chiến thứ hai.

Ông còn quả quyết cho rằng, trong tay có chiếc bản đồ “độc” được vẽ  rất tinh vi. Chỉ cần nhúng nó xuống nước thì ngõ ngách kho vàng sẽ hiện lên, còn bình thường thì “bảo bối” như một tờ giấy mộc. Lão ông đã thuê máy múc, máy khoan, máy rà kim loại… về “quần” nát khu đất ròng rã đến 4 năm trời. Thế rồi, “kho báu vàng thoi” chẳng thấy đâu, ông bỏ của chạy lấy người. Dân chúng lại được phen bĩu môi, lão ông kỳ công bới đất dã tràng.

“Kho báu 10 tấn vàng” của lão ông 71 tuổi

Lâu nay dư luận chỉ biết đến câu chuyện về “kho báu 4000 tấn vàng” ở núi Tàu (Bình Thuận) của cụ Trần Văn Tiệp (98 tuổi, TP.HCM), người được gán với danh cả đời đi tìm kho báu. Ít người biết trước khi ngược ra Bình Định, chính cụ Tiệp đã từng bỏ ra không ít công sức để khai mở một kho vàng dưới lòng đất khác. Đó là “kho báu 10 nghìn tấn vàng” ở núi Lớn (Bình Gĩa, Vũng Tàu). Chỉ khác một điều, nếu kho báu ở Bình Thuận đến nay cụ vẫn còn “ăn thua” thì kho báu này, cụ đã tuyên bố chính thức thất bại.

Hành trình hơn 1000 ngày truy tìm “kho báu 10 tấn vàng” - 1

Ông Thống kể lại câu chuyện truy tìm kho báu của ông Tiệp. Ảnh TG

Theo lời đồn, nếu đứng ở phía biển thuộc Bãi Trước thì kho báu ở vị trí chếch về phía Đông Bắc so với dãy núi Lớn. Kho báu này nằm dưới nền của một nhà nguyện đạo Tin Lành và được “yểm” bằng một tấm bản đồ “độc” mà cách xem giống hệt trong truyện cổ tích. Quyết tâm làm rõ câu chuyện, chúng tôi đã tìm về Vũng Tàu. Tại khu vực quanh núi Lớn, khi chúng tôi đem câu chuyện kho báu hỏi thì hầu như người dân đều lắc đầu. Tham vấn những bậc cao niên, có người đã khẳng định từng tồn tại một câu chuyện kho báu ở vùng Bình Giã nhưng chẳng ai biết cụ thể. Khi thông tin tưởng như đi vào ngõ cụt thì chúng tôi được một người dân chỉ đường đến nhà nguyện Tin Lành nằm trên đường Bình Giã. Nhà nguyện này cách núi Lớn chừng 3 km. Và, câu chuyện bi hài về kho báu khổng lồ bắt đầu được hé mở.

Ông Nguyễn Chí Thống (54 tuổi) là thư ký nhà thờ nhiệt tình tiếp chúng tôi. Khi đề cập đến “chuyện kho báu dưới nền nhà thờ”, ông Thống xác nhận: “Đúng là nơi đây từng có cuộc truy tìm kho báu của cụ Tiệp, nhưng tôi không nhớ cụ thể mốc thời gian, chỉ biết nó diễn ra suốt 4 năm trời và cuối cùng kết quả là con số không”. Trước khi vào chuyện, ông Thống dẫn chúng tôi thăm quan toàn bộ khuôn viên nhà nguyện. Ông cho biết, không gian hiện nay đã khác xưa rất nhiều. Dấu tích cuộc đào bới năm xưa cũng thay đổi. Nơi trung tâm cụ Tiệp từng đào bới để tìm kho báu là chiếc ao đã lấp, nằm phía sau của nhà thờ, nay thuộc quản lý của đơn vị khác. Ông Thống dừng lại ở một khoảnh đất, nay là nền khuôn viên nhà thờ đã được đổ bê tông. Chính vị trí đó mấy thập kỷ trước, ông Tiệp từng xác định đó là “cửa vào kho báu”.

Ông Thống kể, hồi đó toàn bộ vùng này ngoài nhà thờ cũ (đã xây lại là nhà thờ mới) chỉ toàn đất ruộng rất hoang vu, dân cư thưa thớt. Cuộc sống bình dị vẫn diễn ra cho đến ngày một cụ già tìm đến. Sau khi ngắm nghía toàn bộ khu đất trong vùng, ông ta bỏ đi. Không được bao lâu thì xuất hiện tin dưới lòng đất, khu vực này, có một hầm chứa vũ khí cần được khai thác. Lúc đó, vì lợi ích Nhà nước nên chính quyền đã làm việc với lãnh đạo nhà thờ và được đồng ý cho khai thác. Khi mọi thủ tục xong xuôi, vùng khai thác được khoanh thì ông Thống thấy người đàn ông hôm trước trở lại. Ông này giới thiệu tên là Tiệp (lúc đó 71 tuổi). Sau này, ông Thống mới biết đó là nhà săn lùng kho báu Trần Văn Tiệp.

4 năm dã tràng không  tìm được “cửa kho báu”

Nghe nhắc đến kho báu khổng lồ, ai nấy đều kinh ngạc vì xưa nay ở khu vực chưa hề tồn tại câu chuyện như thế. Ban đầu chẳng ai tin nhưng ông Tiệp khăng khăng đưa ra những cơ sở lý lẽ cũng như thực tiễn để chứng minh kho báu có thật chứ không hề viển vông. Ông Tiệp kể rằng, vào năm 1971, tình cờ quen một Trung úy thông ngôn cho quân đội Nhật tại Việt Nam là ông Năm Thuận (nay không rõ tung tích). Ông này có rỉ tai lại rằng, tại Bình Giã có một kho báu khổng lồ do Đại tá Ioshida (phụ trách Đông Dương, thuộc cấp của Đại tướng Yamashita- tướng nổi tiếng Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ II, mất năm 1946) làm chủ nhân.

Hành trình hơn 1000 ngày truy tìm “kho báu 10 tấn vàng” - 2

Nhà thờ nơi ông Tiệp nghi có kho báu 10 tấn vàng. Ảnh TG

Dõi theo thông tin đó, khoảng 2 năm sau, khi một ngôi chùa trên núi Lớn khánh thành thì có đoàn nhà sư người Nhật tới viếng, trong đó có nhà sư giới thiệu tên Losida. Sau khi rời núi Lớn, đoàn nhà sư này tìm đến nhà nguyện của đạo Tin Lành. Tại đây, đoàn người đã tiến hành đo đạc, ghi chép, quay phim rất công phu rồi lại bỏ đi. Tìm hiểu kỹ thì ông Tiệp được biết, năm 1971, khi san nền xây dựng nhà thờ cho giáo dân thì máy móc vô tình chạm một nắp hầm bê tông. Vị mục sư đã cho san lấp lại và xây dựng nhà thờ lên trên. Từ cơ sở này, ông Tiệp cho rằng, chuyện kho báu của người bạn từng làm thông ngôn cho người Nhật trước đó kể lại có lý. Đó cũng là căn cứ để ông khẳng định có kho báu dưới nền nhà thờ.

Theo ông Thống, hồi ấy Vũng Tàu hoạt động theo tổ chức hành chính đặc khu nên việc quản lý an ninh chưa chặt chẽ. Chuyện ông Tiệp đào bới hay làm gì thì chẳng mấy người quan tâm. Năm 1990, ông Tiệp chính thức bắt tay vào việc tìm kho báu. Ông Thống còn nhớ, ông Tiệp đã thuê rất nhiều máy múc, máy ủi, máy rà kim loại, máy khoan… làm việc suốt ngày đêm. Chỗ nào ông Tiệp nghi có kho báu thì chĩa mũi khoan xuống, không thấy gì ông lại đổi chỗ khác. Quần nát khu đất trước nhà, ông lại chuyển sang khu vực đất phía sau.

Phá sản vì không tìm được “cửa kho báu”

Suốt 4 năm ròng, đổ bao tiền của công sức mà vẫn không tìm ra “kho báu 10 tấn vàng”. Năm 1994, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra quyết định đình chỉ việc tìm kiếm. Ông Thống cho biết, kể từ đó “nhà săn lùng kho báu” Trần Văn Tiệp chẳng lần nào lui tới nữa. Cho đến hôm nay, người dân trong vùng vẫn truyền tai nhau câu chuyện ông Tiệp “dã tràng đào đất tìm vàng”.

Suốt mấy năm kiên trì đào bới, ông Tiệp vẫn không tìm được kho báu. Khi chính quyền không tin chuyện của ông nữa thì một thông tin khác được tung ra: Ông Tiệp đang cất giữ tấm bản đồ kho báu. “Thực tình, đó là một cuốn Kinh thánh cũ ông Tiệp nhặt được. Bên trong cuốn Kinh thánh này có vẽ hình mái nhà, bên dưới đó ông ấy chấm ngón tay, bảo kho báu chính là đây. Ông ấy còn thỏa thuận rằng, nếu đào một đường hầm sâu vào trong nền móng nhà thờ, chạm được kho báu thì sẽ ăn chia phần trăm. Ông ấy lại đào, bới rồi cuối cùng lại không có kết quả”. Ông Thống cười bảo.

Không tìm ra kho báu, ông Tiệp lại quay sang bảo, trước đây ông Nguyễn Văn Hiếu (cha ông Thống, đã mất) có biết rất rõ kho báu này. Ông Tiệp ra sức thuyết phục ông Thống hãy chỉ điểm, sau này khi tìm ra chắc chắn không để ông thiệt. Nghe vậy, ông Thống một mực khẳng định không có nhưng “nhà săn lùng kho báu” này vẫn không tin. “Ba tôi trước đây là thường dân, không làm quan chức liên quan đến người Nhật. Hơn nữa, giả như mà ba tôi biết thì sẽ chỉ cho chúng tôi đào lâu rồi, đâu đến phần ông Tiệp. Một lý do khác nữa là, nếu có kho báu thì người Nhật đã lấy từ thời chế độ Sài Gòn cũ rồi chứ không “đãng trí” để đến sau giải phóng cho ông Tiệp”.           

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tiểu Kỳ (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN