Hàng loạt chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 1/2023

Sự kiện: Tin nóng

Chính thức “khai tử” Sổ hộ khẩu giấy; Cảnh sát cơ động được mang vũ khí lên máy bay;… là những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 1/2023.

Sổ hộ khẩu giấy chính thức bị “khai tử” từ năm 2023. Ảnh minh họa

Sổ hộ khẩu giấy chính thức bị “khai tử” từ năm 2023. Ảnh minh họa

Chính thức “khai tử” Sổ hộ khẩu giấy

Tại khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú nêu rõ, Sổ hộ khẩu được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú đến hết ngày 31/12/2022.

Theo đó, từ ngày 1/1/2023, nước ta sẽ chính thức bỏ Sổ hộ khẩu giấy. Thay vào đó, cơ quan chức năng sẽ quản lý thông tin cư trú của người dân bằng phương thức điện tử hay còn gọi là sổ hộ khẩu điện tử.

Để việc triển khai thực hiện quy định của Luật cư trú thống nhất, đồng bộ, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) hướng dẫn các bộ ngành các phương thức sử dụng thông tin công dân thay việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Theo đó, các cơ quan Nhà nước có thể sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú của công dân.

Khi công dân xuất trình thẻ CCCD theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin về CCCD.

Cá nhân thực hiện 1 trong 7 phương thức sử dụng thông tin công dân thay việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự sau:

- Sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú

- Sử dụng thiết bị đọc mã QRCode trên thẻ CCCD có gắn chip

- Sử dụng thiết bị đọc chip trên thẻ CCCD

- Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư

- Sử dụng ứng dụng VneID

- Sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú

- Sử dụng Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư

Cảnh sát cơ động được mang vũ khí lên máy bay

Cảnh sát cơ động được bổ sung thêm một số quyền hạn mới. Ảnh minh họa

Cảnh sát cơ động được bổ sung thêm một số quyền hạn mới. Ảnh minh họa

Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) 2022 được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2022 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023. Luật này thay thế cho Pháp lệnh CSCĐ 2013.

Luật quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ, xác định CSCĐ sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu để chống hành vi bạo loạn, khủng bố.

Điều 10 của Luật quy định 7 quyền hạn của CSCĐ, trong đó, có một số quyền hạn mới so với pháp lệnh. Cụ thể:

CSCĐ sẽ được mang theo vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không, lên máy bay dân sự khi chống khủng bố, giải cứu con tin; trấn áp đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm có sử dụng vũ khí, vật liệu nổ; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt.

CSCĐ cũng được áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; sử dụng máy bay do cấp có thẩm quyền huy động riêng cho CSCĐ để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự.

Ngoài ra, CSCĐ được ngăn chặn, vô hiệu hóa máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của CSCĐ trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay theo quy định của Thủ tướng.

Có quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm sau 21 ngày

Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022 của Quốc hội có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.

Trong đó, tại Mục 2 Bảo hiểm nhân thọ, Bảo hiểm sức khỏe, Luật quy định rõ, về thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm, đối với các hợp đồng bảo hiểm có thời hạn trên 01 năm, trong 21 ngày kể từ ngày nhận được hợp đồng bảo hiểm, khách hàng có quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm. Khi đó, hợp đồng bị hủy bỏ và khách hàng được hoàn lại chi phí, sau khi trừ đi chi phí hợp lý nếu có.

Luật cũng quy định doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm trong trường hợp sau đây:

a) Người được bảo hiểm chết do tự tử trong thời hạn 02 năm kể từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên hoặc kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm khôi phục hiệu lực;

b) Người được bảo hiểm chết do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng, trừ trường hợp quy định tại (*) dưới đây.

c) Người được bảo hiểm bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của chính bản thân người được bảo hiểm hoặc bên mua bảo hiểm hoặc người thụ hưởng, trừ trường hợp quy định tại (*) dưới đây.

d) Người được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình;

đ) Trường hợp khác theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

(*) Trường hợp có nhiều người thụ hưởng, nếu một hoặc một số người thụ hưởng cố ý gây ra cái chết hay thương tật vĩnh viễn cho người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài vẫn phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm cho những người thụ hưởng khác theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Tăng phụ cấp ưu đãi nghề với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở

Nội dung này được đề cập tại Nghị quyết 69/2022/QH15 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.

Theo đó, từ ngày 01/01/2023, thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị.

Nguồn: [Link nguồn]

Hàng loạt chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 12/2022

Hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ điện thoại thông minh; Bộ Ngoại giao bổ sung nhiều nhiệm vụ mới… là những chính sách có hiệu lực từ tháng 12/2022.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hà Giang ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN