Hạn chế rút BHXH một lần: Nên thay đổi cách tính lương hưu

Sự kiện: Thời sự

Giai đoạn 2016-2022, cả nước có gần 5 triệu lượt người hưởng BHXH một lần, số người hưởng BHXH một lần năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 12,3%.

Ngày 11-8, Hội thảo "Lấy ý kiến người lao động (NLĐ) về chế độ BHXH một lần trong dự án Luật BHXH (sửa đổi)" do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức đã diễn ra tại TP HCM. Hội thảo có sự tham gia của gần 100 lao động, cán bộ Công đoàn tại các doanh nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Mai Chi

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Mai Chi

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết giai đoạn 2016-2022, cả nước có gần 5 triệu lượt người hưởng BHXH một lần. Số người hưởng BHXH một lần năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 12,3%, trong khi tốc độ tăng đối tượng tham gia là 5-6%/năm. Trong đó, 67% người nhận BHXH một lần có dưới 5 năm đóng, tuổi bình quân 31,7 tuổi; gần 10% là người có từ 10 năm đóng BHXH trở lên, tuổi bình quân khoảng 42 tuổi. Gần 91% người rút BHXH một lần làm việc tại khu vực ngoài nhà nước. 

Độ tuổi hưởng từ 20-40 chiếm gần 80% và gần 99% hưởng theo điều kiện sau 1 năm nghỉ việc và không tham gia BHXH. Sau khi hưởng BHXH một lần, có khoảng gần 1,3 triệu người quay trở lại tiếp tục tham gia đóng BHXH, chiếm khoảng 26% số người hưởng BHXH một lần giai đoạn này.

Người lao động xếp hàng chờ làm thủ tục BHXH một lần tại BHXH TP Thủ Đức, TP HCM. Ảnh: Mai Chi

Người lao động xếp hàng chờ làm thủ tục BHXH một lần tại BHXH TP Thủ Đức, TP HCM. Ảnh: Mai Chi

Ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam, chia sẻ việc hưởng BHXH một lần sớm là xu thế không nằm ngoài dự đoán bởi chính ở giai đoạn tuổi trẻ này hầu hết lao động trẻ quan tâm đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già. Một phần cũng vì áp lực tài chính (bắt đầu tự lập, tiếp tục đầu tư học tập nâng cao trình độ nghề, lập gia đình, nuôi con nhỏ…) nên số lượng người hưởng BHXH một lần ở độ tuổi lao động trẻ chiếm tỉ trọng lớn so với độ tuổi khác. Bên cạnh đó, do chính sách hưởng BHXH khá thuận lợi, mức hưởng cao, đồng thời một số thay đổi về chính sách hưu trí cũng tác động đến tâm lý muốn hưởng BHXH của người lao động.

Ông Thọ cũng cho rằng, quan điểm việc hưởng BHXH một lần là quyền của người lao động không sai, nhưng sau khi hưởng, việc đảm bảo an sinh khi về già còn rất ít, nhà nước phải đứng ra để đảm bảo an sinh. "Thực hiện quyền của người lao động nhưng xâm hại quyền của nhà nước thì phải xem xét lại" - ông Thọ nói.

Người lao động góp ý tại hội thảo. Ảnh: Mai Chi

Người lao động góp ý tại hội thảo. Ảnh: Mai Chi

Tại hội thảo, người lao động đã chia sẻ về các lý do nhận BHXH một lần. Theo đó, ngoài lý do gặp khó khăn về kinh tế, người lao động không an tâm với chính sách BHXH một lần, tuổi nghỉ hưu cao và chế độ hưu trí chưa hấp dẫn.

Ông Phạm Anh Đức, công nhân Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (quận Bình Tân, TP HCM) cũng từng hưởng BHXH một lần sau 4 năm tham gia. Hiện nay ông đã đóng BHXH được 17 năm và rất muốn tham gia lâu dài để hưởng lương hưu. Tuy nhiên, ở độ tuổi 47, sức khỏe giảm sút, ông không đoán trước được còn giữ được việc làm bao lâu. Trong khi chờ đến đủ 62 tuổi để hưởng lương hưu quá dài. Do vậy, ông mong muốn được giảm tuổi nghỉ hưu để có thể được hưởng lương hưu nhằm có thu nhập khi về già.

Chủ tịch Công đoàn một DN ở Khu công nghiệp Amata, tỉnh Đồng Nai), cho hay ở công ty hiện có 4 người được hưởng chế độ hưu trí với mức lương hưu từ 2,4 triệu đồng đến hơn 3,1 triệu đồng/người. Mức lương hưu không đủ để NLĐ nuôi sống bản thân chứ không nói đến phải chăm lo cho gia đình. Từ thực tế này, nhiều NLĐ trẻ sẽ so sánh giữa việc hưởng lương hưu và nhận BHXH một lần. Khi nhận BHXH một lần NLĐ có khoản vốn để kinh doanh nhỏ như mở quán, bán tạp hóa…. các công việc này có thể mang lại thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng, cao hơn lương hưu.

Ông Kim Vĩnh Cường, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM), cho hay trước khi có quy định về lương tối thiểu vùng, lương đóng BHXH của người lao động rất thấp nên khi tính lương hưu là bình quân mức đóng cả quá trình tham gia BHXH mức lương hưu mà người lao động nhận được không đủ sống. "Tôi đề nghị nên thay đổi cách tính lương hưu với người lao động làm việc trong khu vực ngoài nhà nước theo hướng người tham gia BHXH trước năm 2014 sẽ tính lương hưu là bình quân của 20 năm tham gia cuối cùng. Với những người tham gia BHXH từ năm 2015 sẽ tính trên cả quá trình đóng. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh tỉ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam là đóng 17 năm được hưởng 45% (hiện nay 20 năm đóng được hưởng 45%) nhằm đảm bảo sự công bằng so với cách tính của lao động nữ"- ông Cường đề xuất.

Ông Đặng Thuần Phong (đứng), Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội. Ảnh: Mai Chi

Ông Đặng Thuần Phong (đứng), Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội. Ảnh: Mai Chi

Tăng tính hấp dẫn của chế độ hưu trí

Ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho rằng muốn người lao động đóng BHXH lâu dài nhưng chính sách BHXH một lần lại tốt hơn chế độ hưu trí là bất cập. Nguyên tắc của chính sách BHXH là đóng hưởng nhưng đóng nhiều mà hưởng không tương xứng cũng sẽ không khuyến khích NLĐ gắn bó với hệ thống an sinh. Do vậy, ông Phong đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu điều chỉnh nhằm tăng tính hấp dẫn của chế độ hưu trí, đồng thời cần có chính sách hỗ trợ nhóm NLĐ khó khăn, tạo điều kiện cho họ gắn bó lâu dài với hệ thống BHXH.

Nguồn: [Link nguồn]

Những điểm mới quan trọng trong dự thảo Luật BHXH

So với Luật BHXH hiện hành, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung nhiều nội dung mới như mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, siết nhận BHXH một lần, bổ sung trợ cấp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Chi - Huỳnh Như ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN