Hái lộc đầu năm: Cố lấy lộc to, coi chừng “chổng vó“

Nói về tục hái lộc đầu năm, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ cảnh báo: “Có người muốn hơn người nên bẻ cành thật to, ngã cành đa què đấy”.

Phong tục người Việt Nam vào đầu năm mới, ngày mùng 1 Tết Nguyên đán, các gia đình sẽ chọn giờ và hướng  xuất hành. Khi trở về, người Việt mang một cành lộc đặt lên bàn thờ, ngụ ý mọi việc trong nhà quanh năm may mắn, phát tài, phát lộc.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ (Trường ĐH KHXH & NV), chữ "lộc" (phúc lộc) đồng âm với chữ "lộc" (mầm non). Bởi vậy, vào năm mới, người ta mong có lộc nên đi tìm hái cành non về.  Khi hái, người ta cũng hái những mầm tượng trưng như đa, sung...

Ông Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng, cách hái đúng là đêm du xuân chào nhau cho vui vẻ, ngắt một cành be bé đem về nhà để chỗ trang trọng.

Hái lộc đầu năm: Cố lấy lộc to, coi chừng “chổng vó“ - 1
Tục lệ hái lộc đầu năm mang tính tượng trưng. Do vậy, không nên biến hái lộc thành bẻ cành, phá hoại cây cối. (Ảnh minh họa)

“Hái lộc đầu năm chỉ là phong tục thôi, cho vui và cho an lòng, người ta làm thì mình cũng làm. Nói là mê tín cũng đúng vì nó không bao giờ ứng hợp trong thực tế”.

“Dân Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ họ có làm vậy đâu mà thu nhập bình quân họ cao đến vậy. Còn ta thì ngàn năm hái lộc mà có giàu nổi đâu. Có người muốn hơn người nên bẻ cành thật to, ngã cành đa què đấy”,  ông Vỹ cho hay.

Nhà nghiên cứu này nhấn mạnh, tục lệ hái lộc đầu năm mang tính tượng trưng. Do vậy, không nên biến hái lộc thành bẻ cành, phá hoại cây cối, ảnh hưởng đến môi trường.

“Nếu nhà trong núi, cây nhiều rậm rạp, nhiều khi phải phát bớt đi thì bẻ cành to cũng chả ảnh hưởng bao nhiêu, theo lệ cho nó vui thôi mà”, ông Vỹ góp ý.

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Hữu Sơn (Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) nhắc lại, có thời gian người ta ồ ạt đi bẻ cành hái lộc, tàn phá cây cối. Thậm chí còn có chuyện mang cả cây cảnh của nhà người khác, nhà chùa về gọi là “lấy lộc”. Những hành động như vậy là thiếu văn hóa, hủy hoại môi trường.

Ông bày tỏ: “Những người có tư tưởng mang của thiên hạ về làm của mình như thế không làm ăn tốt được”.

Bên cạnh đó, quan niệm lấy lộc bằng cách bẻ cành cây ở trước cửa ngân hàng, kho bạc, cửa hàng bán vàng bạc, đá quý cũng là không đúng. Đây là quan niệm sai lầm tự phát mấy năm gần đây của người mê tín.

Theo ông Sơn, người dân không nên “hái lộc” theo cách như vậy. Thay vào đó, nếu ai đi lễ chùa, đến ngày đầu năm có thể mua “cành lộc vàng” thường được bán ở đền, chùa mang về.  

Các nhà văn hóa cũng cho rằng, đêm giao thừa, người dân chỉ nên xin nhánh cây nhỏ, búp non ở chùa, đền lấy may. Trường hợp không đến được chùa, đền, có thể lấy cành cây nhỏ nào đó gặp ngoài đường -– cũng gọi là “hái lộc”.

Ngày 21/1, UBND TP Hà Nội ban hành Công văn số 455, giao các cơ quan, đơn vị phối hợp thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo vệ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.

Thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức và quản lý các lễ hội truyền thống tại địa phương; bài trừ mọi hủ tục mê tín, cờ bạc, ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác; ngăn chặn mọi hành vi gây rối, làm mất trật tự trị an như: đốt pháo nổ, đua xe, bẻ cành hái lộc, phá hoại cây xanh…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Công Thọ ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN