Hai kỷ vật quý Bác Hồ trao tặng Vua Mèo

Sự kiện: Thời sự

Đầu tháng 8/2019, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi lễ tiếp nhận hiện vật rất đặc biệt. Đó là chiếc áo trấn thủ, thanh gươm quý mà Bác Hồ lúc sinh thời trao tặng cho thủ lĩnh người H’Mông - Vua Mèo Vương Chí Sình.

Sau hơn nửa thập kỷ, trải qua bao biến cố của thời gian, hai kỷ vật vẫn được dòng tộc họ Vương lưu giữ như báu vật. Với mong muốn công chúng trong nước, quốc tế có cơ hội chiêm ngưỡng và hiểu hơn về mối quan hệ đặc biệt giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với ông Vương Chí Sình và toàn thể đồng bào H’Mông, cháu đích tôn dòng họ Vương – ông Vương Quỳnh Xuân đã trao tặng hai hiện vật quý cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Hai báu vật của dòng tộc

Trở về từ đất nước Canada xa xôi, ông Vương Quỳnh Xuân, cháu đích tôn của cụ Vương Chí Sình (tức Vương Chí Thành), nguyên Đại biểu Quốc hội Khóa I, II nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (người H’Mông còn gọi cụ là Vua Mèo) đã thay mặt dòng tộc họ Vương trao tặng những kỷ vật hơn 50 năm trước Bác Hồ tặng cho vua Mèo.

Ông Vương Quỳnh Xuân, cháu đích tôn của vua Mèo Vương Chí Sình, trao tặng lại kỷ vật cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Ông Vương Quỳnh Xuân, cháu đích tôn của vua Mèo Vương Chí Sình, trao tặng lại kỷ vật cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Chia sẻ với phóng viên, ông Vương Quỳnh Xuân cho biết, trước khi qua đời, bố ông đã kể rất kỹ về cuộc gặp gỡ lịch sử giữa ông nội ông với Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như về những kỷ vật mà Bác Hồ đã tặng Vua Mèo.

Khi ấy vào đầu tháng 9/1945, từ Hà Giang, nhận được tin báo quân Pháp, Nhật bị đánh bại, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu được thành lập, theo lệnh cha, ông Vương Chí Sình đã tìm mọi cách về Hà Nội để gặp Bác Hồ trong bối cảnh tỉnh Hà Giang vẫn chưa được giải phóng.  Cuộc gặp diễn ra trong bầu không khí thân tình đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Vương Chí Sình đã kết nghĩa anh em. Nằm ở nơi địa đầu Tổ quốc, Hà Giang được gọi là phên giậu quốc gia, cuộc gặp là minh chứng rõ nét mang tính bước ngoặt đánh dấu sự kiện cụ Vương Chí Sình, thủ lĩnh đồng bào H’Mông đi theo tiếng gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946, ngân khố quốc gia cạn kiệt, Vua Mèo Vương Chí Sình đã ủng hộ Chính phủ 2,2 triệu đồng bạc hoa xòe và 7 kg vàng. Năm 1956, tròn 70 tuổi, Vua Mèo đề nghị bàn giao toàn bộ vùng Mèo Đồng Văn và khu vực biên giới lân cận cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1962, Vương Chí Sình mất. Năm 2006, ông được truy tặng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc.

Sau cuộc gặp gỡ, ông Vương Chí Sình trúng Đại biểu Quốc hội khóa I (6/1/1946) và được giao trọng trách Chủ tịch huyện Đồng Văn (gồm ba huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh ngày nay). Sau đó, ông Vương Chí Sình tiếp tục trúng cử đại biểu Quốc hội khóa II kế tiếp. Với sự tin tưởng tuyệt đối của Bác Hồ, ông Vương Chí Sình đã cùng đồng bào H’Mông, cùng quân dân cả nước giữ yên vùng biên ải Mèo Vạc - Đồng Văn, đóng góp sức người, sức của trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, làm nên thắng lợi có ý nghĩa lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954.

Hai kỷ vật được Bác Hồ trao tặng cho ông Vương Chí Sình gồm chiếc áo chấn thủ và thanh gươm. Trong đó, chiếc áo chấn thủ được tặng vào mùa thu đông năm 1950. Lúc ấy, chị em phụ nữ tỉnh Hải Dương có làm một chiếc áo trấn thủ tặng Bác, trên thêu ngôi sao vàng cùng dòng chữ: “Kính tặng Hồ Chủ tịch/Hội L.H.P.N.V.N Hải Dương”. Sau khi nhận áo, Bác cho thêu thêm dòng chữ “Chuyển tặng/Vương Chí Thành/Đại biểu Quốc hội”, dưới ký tên Hồ Chí Minh và chuyển tặng ông Vương Chí Sình.

Còn với thanh gươm quý, sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, năm 1956, để biểu thị tấm lòng của mình đối với thủ lĩnh họ Vương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đích thân chỉ thị Xưởng quân khí Bộ Quốc phòng làm một thanh gươm bằng hợp kim thép. Ở hai bên của bao thanh gươm, Bác tự tay viết tám chữ Nho “Tận tâm báo quốc/Bất thụ nô lệ”.

Chiếc áo chấn thủ được Bác Hồ trao tặng cho Vua Mèo vào mùa thu đông năm 1950.

Chiếc áo chấn thủ được Bác Hồ trao tặng cho Vua Mèo vào mùa thu đông năm 1950.

Đồng chí Bùi Công Trừng, Thứ trưởng Bộ Kinh tế khi đó đã được cử làm đặc phái viên thay mặt Người mang thanh gươm lên thị xã Hà Giang trao tặng ông Vương Chí Sình trước toàn thể lãnh đạo và đại diện đồng bào dân tộc trong tỉnh.

Ông Vương Quỳnh Xuân cho hay: “Hơn nửa thế kỷ trôi qua, thanh gươm và chiếc áo chấn thủ được con cháu họ Vương gìn giữ như báu vật cho dòng họ và dân tộc".

Được biết, đến nay, chiếc áo trấn thủ mang mầu cỏ úa gần như vẫn nguyên vẹn, các dòng chữ được thêu bằng chỉ đỏ, trắng, vàng đều rõ ràng, sắc nét.  Còn thanh gươm khá sắc nhọn, có chiều dài hơn 70 cm với chuôi được làm bằng sừng mầu đen gắn nổi hình ngôi sao mầu bạc. Bao gươm là vỏ gỗ tốt, có ba đai kim loại. Quai đeo bằng da đã cũ nhưng còn tốt, tám chữ Nho Bác viết đến nay vẫn nhìn rõ.

Tình cảm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Vua Mèo

Bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết, hai kỷ vật thiêng liêng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng cho cụ Vương Chí Sình mang một thông điệp có ý nghĩa sâu sắc của Người dành cho vị thủ lĩnh đồng bào dân tộc H’Mông – đó chính là gửi gắm trách nhiệm của bà con dân tộc H’Mông đặc biệt là cụ Vương Chí Sình đối với quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. 

Đáp lại lòng tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Vương Chí Sình đã cùng đồng bào H’Mông đồng cam cộng khổ đấu tranh giữ vững vùng đất Mèo Vạc - Đồng Văn trong những thời điểm khó khăn và cam go nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Tiến sĩ Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Với việc tiếp nhận những hiện vật giá trị từ gia đình ông Vương Chí Sình hiến tặng, Bảo tàng sẽ có thêm tư liệu để giới thiệu một cách rộng rãi, giúp công chúng hiểu hơn về tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về những đóng góp của đồng bào Mông đối với đất nước cũng như tình cảm sâu nặng và lòng kính trọng đặc biệt của ông Vương Chí Sình và các thế hệ con cháu đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này càng có ý nghĩa, giá trị to lớn trong giai đoạn hiện nay, khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Chuyện hậu duệ Vua Mèo hiến kỷ vật về Bác

Trong khi ông Vương Duy Bảo (cháu nội "Vua Mèo" ở Hà Giang) và tỉnh Hà Giang chưa ngã ngũ chuyện xây dựng quy chế và...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Phong ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN