Hà Nội thay phong lá đỏ bằng bàng lá nhỏ: Chuyên gia đề xuất loại cây khác

Sự kiện: Tin nóng

Một số chuyên gia cho rằng, Hà Nội nên chọn cây bản địa thay vì chọn những cây nhập từ nước ngoài về để thay thế hàng phong lá đỏ.

 Hà Nội sẽ đánh chuyển hàng phong lá đỏ để thay thế bằng bàng Đài Loan. Ảnh minh họa.

 Hà Nội sẽ đánh chuyển hàng phong lá đỏ để thay thế bằng bàng Đài Loan. Ảnh minh họa.

Mới đây, UBND thành phố đã chấp thuận đề xuất thay thế toàn bộ gần 300 cây phong lá đỏ trên dải phân cách tuyến phố Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng. Thay vào đó, Hà Nội sẽ trồng bổ sung bằng các cây bàng lá nhỏ (hay còn gọi là bàng Đài Loan) hoặc trồng đan xen bàng lá nhỏ với các cây cọ dầu.

Những cây phong lá đỏ còn sống sẽ được đánh chuyển về vườn ươm của Công ty Công viên cây xanh Hà Nội và được trồng tại khu vực có điều kiện phù hợp. Việc thay thế cây dự kiến thực hiện trong tháng 4.

Bàng lá nhỏ đã được trồng nhiều ở Hà Nội. Ảnh minh họa internet.

Bàng lá nhỏ đã được trồng nhiều ở Hà Nội. Ảnh minh họa internet.

Một số chuyên gia cảm thấy khó hiểu khi Hà Nội lựa chọn bàng lá nhỏ, cọ dầu để thay thế hàng phong lá đỏ, trong khi ở Việt Nam có nhiều loại cây bản địa vừa đẹp, vừa dễ trồng mà chi phí lại rẻ hơn.

Về vấn đề này, chiều 6/4, trao đổi với PV, chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường - Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam chia sẻ, bàng Đài Loan chỉ nên trồng ở một khu nào đó làm cảnh thì đẹp chứ không phù hợp để trồng ở dải phân cách đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng.

“Thứ nhất, bàng Đài Loan là loại cây nhỏ, lá nhỏ không phải cây bóng mát. Thứ 2, Hà Nội đã trồng hàng vạn loại cây này rồi. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa giâm được loại cây này nên phải mua về từ nước ngoài rất đắt đỏ. Loại cây này lá bé, mùa đông rụng hết nên nhìn không đẹp.

Sau sau lá đỏ, lá có 3 thùy màu gần giống với phong lá đỏ.

Sau sau lá đỏ, lá có 3 thùy màu gần giống với phong lá đỏ.

Tôi gợi ý 2 loại cây vừa đẹp vừa là cây bản địa mà Việt Nam mà mình giâm được, đó là cây sau sau và hoa ban Tây Bắc. Các cây này đẹp, dễ sống, rễ bám chắc phù hợp trồng ở dải phân cách.

Thử tưởng tượng mỗi lần cây sau sau đến mùa lá đổ, màu vàng, màu đỏ sẽ rất đẹp hoặc cây hoa ban đến mùa nở sẽ rất đẹp, thu hút các nghệ sĩ nhiếp ảnh, giới trẻ đến chụp ảnh… nó sẽ tạo điểm nhấn cho con đường được mệnh danh là “đẹp nhất Hà Nội”. Tốt nhất đừng trồng cây ngoại lai, vừa đắt mà chưa chắc phù hợp khí hậu của mình”, ông Cường nói

Ông Cường nói thêm, cây sau sau nhìn gần giống với cây phong lá đỏ, nhưng sau sau lá có 3 thùy còn phong lá đỏ có 6 thùy. Cây sau sau là cây tự nhiên, mọc rất nhiều ở các vùng rừng Tây Bắc nước ta. Ở Hà Nội, khu Đại sứ quán Hàn Quốc có trồng nhiều cây sau sau. Khi thời tiết cuối thu đầu đông, lá cây chuyển màu vàng đỏ, rụng rất đẹp. Còn hoa ban hiện cũng trồng ở một vài tuyến phố Hà Nội như Bắc Sơn, Thanh Niên… Đến mùa ra hoa, cây nở trắng muốt điểm xuyết thêm màu hồng, tím rất đẹp.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Đặng Văn Hà, Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị (Trường Đại học Lâm nghiệp) cũng cho rằng, cây bàng lá nhỏ đã trồng nhiều ở Hà Nội. Cây sống được và phát triển tốt. Tuy nhiên, rễ của cây bàng là nhỏ có đặc tính là ăn nổi nên nếu trồng ở dải phân cách thì phải có độ rộng từ 2m trở lên.

Tuy nhiên, ông Hà cảm thấy khó hiểu vì tại sao Việt Nam có rất nhiều cây bản địa đẹp, dễ trồng tại sao không được chọn mà lại đi chọn trồng bàng Đài Loan.

 Hoa ban được trồng nhiều ở vùng Tây Bắc nhưng phát triển tốt ở Thủ đô.

 Hoa ban được trồng nhiều ở vùng Tây Bắc nhưng phát triển tốt ở Thủ đô.

“Theo tôi, ngoài những cây đã đề xuất chọn như Bàng lá nhỏ, Cọ dầu, cũng nên xem xét đến cây hoa Ban. Hoa ban là loài thân gỗ, tán vừa phải, hoa lại đẹp và nở rộ vào mùa xuân.

Cây cọ dầu cũng không phải của Việt Nam mà có nguồn gốc của châu Phi. Cây cọ dầu khi lá già, đầu lá thường bị khô, úa như ở một số khu đô thị ở phía Bắc đã trồng nhìn chưa được đẹp. Nếu trồng cọ tôi nghĩ cọ Việt Nam hoặc cây thốt nốt sẽ đẹp hơn rất nhiều”, ông Hà nêu quan điểm.

Ngoài hoa ban, ông Hà cũng gợi ý cả cây sau sau. Ông chia sẻ, bản thân đã đề nghị thành phố trồng loại cây này từ nhiều năm nay nhưng không được để ý tới. Sau sau là loại cây có sức sống tốt, khỏe….

“Cảnh quan đường phố cần có hoa, có lá sẽ đẹp hơn. Bàng Đài Loan không phải không thích hợp để trồng ở Hà Nội mà nên chọn bổ sung những cây bản địa khác hợp lý hơn. Hà Nội bây giờ chỗ nào cũng bàng Đài Loan thì không tạo điểm nhấn. Nó không phải cây bản địa”, ông Hà nói.

Trước đó, thực hiện chủ trương của TP Hà Nội về chương trình trồng 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016-2020, đầu năm 2018, các cơ quan chức năng Hà Nội đã trồng khoảng 300 cây phong lá đỏ trên tuyến đường Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh.

Các cây phong lá đỏ này do một đơn vị tặng thành phố để trồng thử nghiệm. Tuy nhiên, ngay khi trồng thử nghiệm cây phong trên phố Hà Nội đã gây nhiều ý kiến trái chiều.

Một số chuyên gia cho rằng phong lá đỏ là cây ôn đới, ưa lạnh nên khó sống trong điều kiện thời tiết oi bức ở Hà Nội và tốn công chăm sóc. Bên cạnh đó, lá cây rụng xuống đường có thể gây cản trở giao thông, ảnh hưởng mỹ quan.

Sau hơn 3 năm trồng thử nghiệm, cây phong lá đỏ cho thấy nó chưa thích nghi được với điều kiện khí hậu của Hà Nội. Khoảng 45 cây đã chết, những cây còn lại phát triển kém, lá cũng không đỏ như kỳ vọng ban đầu.

Nguồn: [Link nguồn]

Phong lá đỏ trồng 3 năm không đỏ lá, Hà Nội thay thế toàn bộ bằng loại cây mới

Sau 3 năm trồng thử nghiệm không mang lại hiệu quả, hàng phong lá đỏ trên phố Trần Duy Hưng – Nguyễn Chí Thanh sẽ được...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN