Hà Nội sẽ "đóng cửa" với bằng tại chức?

Ngay sau những phát biểu “gây sốc” của Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội tại phiên họp (ngày 7/12) HĐND thành phố về chuyện thi tuyển công chức Thủ đô, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng cũng “tiết lộ”, Hà Nội đang có ý định đào tạo nguồn công chức tương lai, trong đó thí sinh đầu vào phải tốt nghiệp đại học chính quy.

“Chạy” để được thi và đỗ công chức

Tại phiên làm việc sáng 7/12 của HĐND TP Hà Nội với nội dung xem xét, thông qua Nghị quyết về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp của TP Hà Nội năm 2013, ông Trần Trọng Dực -Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã khiến hội trường lặng đi với những phát biểu thắng thắn về tiêu cực trong việc thi công chức Hà Nội.

Ông Dực thông tin: “Có thí sinh làm bài không sai một dấu chấm, dấu phẩy trong đáp án, điểm tối đa 100%; Ở một số đơn vị phải chạy để được thi, chạy để được đỗ, người ta nói rằng dưới 100 triệu không có chuyện thi đỗ công chức đâu. Tôi xin mách với các đồng chí là Trưởng phòng Nội vụ của các quận, huyện đang là đầu mối tiếp nhận hồ sơ và nhận tiền chạy của những người thi…”.

Đánh giá về năng lực công chức của đơn vị mình, ông Dực cho biết, có khoảng 30% công chức làm việc tốt, 35% công chức viên chức khá và trung bình; số còn lại chưa yên tâm khi giao công việc. Ông Dực cho rằng, đây là “tồn tại lịch sử” khi có đến 20 - 30% công chức đang hưởng lương nhà nước nhưng không đáp ứng được công việc nhà nước giao.

Hà Nội sẽ "đóng cửa" với bằng tại chức? - 1

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực

Công chức Thủ đô phải có bằng chính quy

Trước ý kiến của đại biểu HĐND thành phố về chất lượng, hiệu quả trong công việc của một bộ phận công chức Thủ đô hiện nay, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho rằng có nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân từ “tồn tại của lịch sử”.

Theo ông Sáng, trong những năm qua số công chức được tuyển mới là rất ít so với tổng số công chức đang làm việc tại các cơ quan ban ngành của Thủ đô. Ông Sáng thừa nhận, qua đánh giá cho thấy một bộ phận công chức chưa đáp ứng được nhu cầu công việc. Tuy nhiên, hàng năm thành phố đều có lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và chính trị để nâng cao chất lượng cán bộ công chức.

“Bên cạnh đó, ngoài việc lắp đặt camera giám sát để theo dõi toàn bộ việc thực thi nhiệm vụ của công chức tại bộ phận một cửa. Ban Tuyên giáo và Sở Nội vụ sẽ triển khai việc lấy phiếu đánh giá của nhân dân và doanh nghiệp với các sở ngành, xã phường để có thể chỉ rõ nơi nào, cán bộ nào không hoàn thành nhiệm vụ”, ông Sáng cho biết.

Giám đốc Sở Nội vụ “tiết lộ”, UBND thành phố đã có dự định sẽ tổ chức đào tạo cán bộ nguồn, trong năm 2013 sẽ mở 1 lớp với 500 học viên và năm 2014 tiếp tục đào tạo 1 lớp với số học viên tương tự. Đầu vào của các lớp đào tạo trên là các thí sinh đã tốt nghiệp đại học chính quy, tập trung, có bằng khá trở lên. Sau khi được tuyển, các học viên sẽ được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, kỹ năng xử lý tình huống trong 18 – 24 tháng, rồi đưa về các xã phường, làm việc. “Sau 5 năm, họ sẽ là nguồn bổ sung có chất lượng thay thế những công chức nghỉ hưu”, Giám đốc Sở Nội vụ nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Minh (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN