Hà Nội: Phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022

Sự kiện: Thời sự

Sáng 28-6, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII tiến hành Hội nghị lần thứ tám, xem xét, cho ý kiến về một số nội dung quan trọng.

Quang cảnh Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII - Ảnh: Viết Thành

Quang cảnh Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII - Ảnh: Viết Thành

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.

Dự hội nghị có đại diện một số cơ quan trung ương; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy viên; thủ trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị; bí thư các quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội.

Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình hội nghị - Ảnh: Viết Thành

Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình hội nghị - Ảnh: Viết Thành

Theo chương trình, hội nghị sẽ xem xét, cho ý kiến về các tờ trình, báo cáo: Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022 và cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025; Báo cáo về việc giao kế hoạch vốn đầu tư công và kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của thành phố; Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 của thành phố; phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố; Báo cáo về tình hình triển khai và tiến độ công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố; Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2030; dự thảo Chương trình hành động của Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngoài ra, hội nghị cũng xem xét Báo cáo kết quả 1 năm triển khai thực hiện 10 chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII và Báo cáo công tác xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Thành ủy.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội nghị - Ảnh: Viết Thành

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội nghị - Ảnh: Viết Thành

Cho ý kiến thẳng thắn về những tồn tại, hạn chế

Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã nhấn mạnh và gợi ý một số nội dung để các đại biểu nghiên cứu, thảo luận, xem xét và quyết định đối với từng tờ trình, báo cáo xin ý kiến tại hội nghị.

Đáng chú ý, Bí thư Thành ủy khẳng định, với quyết tâm chính trị cao và tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, thực hiện chủ đề, kế hoạch công tác năm 2022 của thành phố, thực hiện có hiệu quả và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các cấp của thành phố và trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy, dự báo tình hình 6 tháng cuối năm có thuận lợi nhưng tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức. Với quyết tâm hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, đồng chí Đinh Tiến Dũng đề nghị các đồng chí tham dự hội nghị trên cương vị công tác của mình, tập trung phân tích, đánh giá kỹ những kết quả đạt được 6 tháng đầu năm; đồng thời cho ý kiến thẳng thắn về những tồn tại, hạn chế, những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cả ở cấp thành phố và cấp quận, huyện, thị xã; việc giải quyết những vấn đề dân sinh cấp bách...

“Trên cơ sở đó, đề nghị các đồng chí đề xuất các giải pháp, biện pháp để phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã đề ra”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Đối với dự thảo Chương trình hành động của Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ, tập trung thảo luận, cho ý kiến cụ thể về kết cấu, nội dung Chương trình hành động bảo đảm bao quát đầy đủ và cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu tại Nghị quyết, đồng thời phải gắn với các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng lớn, khâu đột phá và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, 10 Chương trình công tác của Thành ủy và tình hình thực tiễn.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng khẳng định, những nội dung trình hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến sự phát triển của Thủ đô, không chỉ trong năm 2022, trong nhiệm kỳ này mà cho nhiều năm tiếp theo. Bí thư Thành ủy yêu cầu các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung nghiên cứu, thảo luận, có nhiều ý kiến sâu sắc, xác đáng đóng góp vào thành công của hội nghị.

Nhiều “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế - xã hội của Thủ đô

Tiếp tục chương trình, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải đã thay mặt Ban Cán sự đảng UBND thành phố trình bày tóm tắt tờ trình về các nội dung: Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022 và cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 ngân sách cấp thành phố; Báo cáo về việc giao kế hoạch vốn đầu tư công và kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của thành phố; Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 của thành phố; Phân cấp quản lý nhà nước giữa các cấp chính quyền địa phương của thành phố Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Mình Hải trình bày báo cáo tại hội nghị - Ảnh: Viết Thành

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Mình Hải trình bày báo cáo tại hội nghị - Ảnh: Viết Thành

Báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND thành phố cho thấy, dưới sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp và toàn thể nhân dân Thủ đô, thành phố đã kiểm soát tốt dịch Covid-19; các hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn được mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới đã tạo đà phục hồi, phát triển kinh tế. Cân đối thu - chi ngân sách được bảo đảm; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 56,8% dự toán năm.

Kinh tế Thủ đô đã phục hồi mạnh mẽ: GRDP 6 tháng tăng 7,79% - gấp 1,29 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 8,8% - cao hơn cùng kỳ (8,4%). Công tác quy hoạch được đẩy nhanh tiến độ; nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt. Thành phố cũng đã trình Chính phủ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; triển khai đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo. Đáng chú ý, thành phố đã chuẩn bị chu đáo các điều kiện về vật chất, kỹ thuật và con người, góp phần tổ chức thành công SEA Games 31.

Về đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn, theo Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Hà Nội là địa phương tiên phong trong cả nước về thực hiện phân cấp và có hệ thống văn bản quy phạm về phân cấp tương đối bao quát trong các ngành, lĩnh vực. Bên cạnh việc thực hiện phân cấp, UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố đã thực hiện ủy quyền nhiều nhiệm vụ trên các lĩnh vực nhằm góp phần cải cách hành chính, khuyến khích sự năng động, sáng tạo, tăng cường tính chủ động và tinh thần trách nhiệm của các chủ thể được ủy quyền.

Tuy nhiên, để khắc phục những vướng mắc phát sinh trong thực tế và thực hiện các chủ trương của Đảng về khâu đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, đáp ứng những yêu cầu thực tiễn phát sinh và xu thế vận động của xã hội, Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã thực hiện rà soát tổng thể về phân cấp, ủy quyền và xây dựng Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đề án hướng tới mục tiêu: Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi cấp trong bộ máy chính quyền địa phương; bảo đảm vai trò chủ đạo, sự quản lý thống nhất của chính quyền thành phố; tăng cường quyền hạn, trách nhiệm và tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các cấp, ngành; khai thác hiệu quả và giải phóng nguồn lực của các địa phương, đặc biệt là các quận, huyện đã tự bảo đảm ngân sách và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn, phát triển Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại...

Tiếp đó, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông đã trình bày báo cáo về tình hình triển khai và tiến độ công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố. Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn trình bày Chương trình phát triển nhà ở xã hội thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030.

Xác định 132 nhiệm vụ, đề án cụ thể hóa Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị

Trình bày Tờ trình và dự thảo Chương trình hành động của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 15), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, dự thảo Chương trình có kết cấu gồm 4 phần kèm theo 4 phụ lục, nội dung bám sát các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được đề ra tại Nghị quyết của Bộ Chính trị và được cụ thể hóa bằng các chương trình, nhiệm vụ, đề án để triển khai thực hiện.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến trình bày báo cáo tại hội nghị - Ảnh: Viết Thành

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến trình bày báo cáo tại hội nghị - Ảnh: Viết Thành

Dự thảo Chương trình xác định 4 nội dung mục đích, yêu cầu, trong đó nêu rõ, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô Hà Nội, quyết tâm đưa Nghị quyết 15 đi vào cuộc sống.

Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030 và đến năm 2045 cơ bản bám sát theo các chỉ tiêu cụ thể được nêu trong Nghị quyết 15; đồng thời, có bổ sung các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đã được nêu trong Báo cáo của Thành ủy tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ.

Đối với nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, dự thảo Chương trình cơ bản bám sát 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu trong Nghị quyết 15; đồng thời, cụ thể hóa, bổ sung, làm rõ nội hàm từng nhiệm vụ, giải pháp thông qua chắt lọc các nội dung nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra trong Báo cáo của Thành ủy tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TƯ, 10 chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII và một số Nghị quyết, chủ trương mới của Thành ủy thời gian qua.

Đáng chú ý, theo 4 phụ lục kèm theo dự thảo Chương trình, có 132 nhiệm vụ, đề án trọng tâm đã được xác định cụ thể để ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Hà Nội cũng kiến nghị các cơ quan trung ương triển khai 74 nội dung nhằm thực hiện Nghị quyết 15.

Sau khi nghe các báo cáo, tờ trình, hội nghị chia thành 4 tổ tiếp tục làm việc. Theo chương trình, hội nghị dành cả buổi chiều tiến hành thảo luận tại tổ về các báo cáo, tờ trình.

Ngày mai, 29-6, hội nghị tiếp tục làm việc.

Nguồn: [Link nguồn]

Ít nhất 857 nhân viên y tế, bác sĩ Hà Nội xin nghỉ việc và xin chuyển công tác

Năm 2021, toàn ngành y tế Hà Nội có 532 người xin nghỉ việc, 82 người xin chuyển công tác và từ tháng 1-2022 đến 30-4-2022, đã có 226 người nghỉ việc, 17 người xin chuyển công...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hà Vũ - Hương Ly ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN