Hà Nội ô nhiễm ở mức nguy hại: Người dân làm gì để tự bảo vệ mình?

Hà Nội tiếp tục được ghi nhận là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với mức độ ô nhiễm vượt qua báo động đỏ, lên tới ngưỡng tím với chỉ số AQI là 272. Đây là mức nguy hại đến sức khỏe của tất cả mọi người.

TS. Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

TS. Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Trước thực trạng “báo động” trên, trao đổi với PV Dân Việt, TS. Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, chất lượng không khí ở Hà Nội đang rất ô nhiễm, người dân hạn chế ra ngoài vào giờ cao điểm ô nhiễm, hạn chế đi tập thể dục buổi sáng bởi quá trình tập thể dục, việc thở gấp sẽ khiến lượng bụi vào cơ thể nhiều hơn, gây tác động nghiêm trọng hơn.

Hà Nội đang rất ô nhiễm

Thưa TS. Hoàng Dương Tùng, ông đánh giá như thế nào về việc mới đây số liệu của AirVisual, hệ thống quan trắc không khí độc lập Pamair đánh giá Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới?

Tôi biết AirVisual đánh giá Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới, nhưng theo tôi chúng ta cũng nên thận trọng với các nguồn số liệu, vì ngay tại Hà Nội cũng có nhiều trạm quan trắc nên chúng tôi không biết AirVisual dựa trên số liệu nào. Vì thế chúng ta phải hết sức thận trọng khi xếp hạng nhất, nhì như vậy.

Đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) đoạn từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long thường xuyên chịu cảnh ô nhiễm khói bụi nặng nề và ùn tắc dài do thi công dự án mở rộng đường vành đai 3 trên cao.

Đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) đoạn từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long thường xuyên chịu cảnh ô nhiễm khói bụi nặng nề và ùn tắc dài do thi công dự án mở rộng đường vành đai 3 trên cao.

Tôi cho rằng, chúng ta không nên chú ý đến vị trí nhất hay nhì. Mấy hôm nay rõ ràng chúng ta thấy không khí Hà Nội đang rất ô nhiễm, cho nên báo chí và cơ quan chức năng của Hà Nội phải báo động chuyện này để cảnh báo đến người dân. Đồng thời, tìm cách giảm thiểu ô nhiễm. 

Ví dụ như rất nhiều người nói tình trạng đốt rơm rạ ảnh hưởng đến không khí Hà Nội thì bây giờ xem việc này có đúng không thì tìm cách giảm thiểu việc đốt rơm rạ. Hiện nay nhiều người nói đến việc nông thôn mới nhưng nếu cứ ô nhiễm như hiện nay thì tôi nghĩ rằng không mới, nên chúng ta xem xét có nên đưa việc đốt rơm rạ vào nông thôn mới hay không?

Thưa ông, nhiều người cho rằng, nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí Hà Nội hiện nay là do tình trạng đốt rơm rạ vào ngày mùa ở các khu vực ngoại thành, đặc biệt do số lượng phương tiện tham gia giao thông hiện nay quá lớn, cộng thêm hàng loạt công trình cao ốc đang được xây dựng?

Đúng vậy! Ngoài ra, ô nhiễm còn do yếu tố điều kiện khí hậu thời tiết. Hiện nay, Hà Nội đang trong khoảng thời gian giao mùa từ nóng sang lạnh nên xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt. Ban ngày có nắng, đêm lại lặng gió khiến tỉ lệ bụi vốn đã cao do các phương tiện giao thông, công trình xây dựng thải ra không khuếch tán được ra khỏi khu vực trung tâm, cứ luẩn quẩn, tích tụ và lan ra diện rộng.

Vào những ngày mùa, người dân ngoại thành Hà Nội thu hoạch lúa rồi đốt luôn rơm rạ ngay tại ruộng.

Vào những ngày mùa, người dân ngoại thành Hà Nội thu hoạch lúa rồi đốt luôn rơm rạ ngay tại ruộng.

Đồng thời, việc đốt rơm rạ, đốt rác, đã gây ra hiện tượng ô nhiễm nhiều trong thời gian qua. Đó là hiện tượng ô nhiễm nhất thời, Hà Nội sẽ còn ô nhiễm không khí cao kéo dài trong những ngày tới.

Phải đợi khi nào có gió mùa đông bắc mới làm tan được khối không khí ô nhiễm đang tích tụ ở tầng thấp hoặc khi có một trận mưa dông diện rộng mới có thể cải thiện được chất lượng không khí hiện nay.

Vậy trước thực trạng trên, ông có cảnh báo gì về sức khỏe với người dân trong những ngày ô nhiễm không khí tăng cao như hiện nay?

Hôm nay (30/9), tôi quan sát trong khoảng thời gian 4-5h sáng rất là cao, nhiều khi thấy mịt mờ khói, bụi ô nhiễm, cho nên chúng ta phải cảnh báo cho dân.

Chất lượng không khí ngày 30/9 tại Hà Nội cho chỉ số cao bất thường. Ảnh: Air Visual.

Chất lượng không khí ngày 30/9 tại Hà Nội cho chỉ số cao bất thường. Ảnh: Air Visual.

Cụ thể, để chủ động phòng tránh không khí chất lượng xấu, người dân cần thường xuyên theo dõi các kết quả về chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Tổng cục Môi trường, Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, nếu thấy cao thì cần có biện pháp tự bảo vệ mình. 

Đặc biệt, những người nhạy cảm về sức khỏe như trẻ em, người già không nên ra đường vào giờ cao điểm ô nhiễm, hạn chế đi tập thể dục buổi sáng bởi quá trình tập thể dục, việc thở gấp sẽ khiến lượng bụi vào cơ thể nhiều hơn, gây tác động nghiêm trọng hơn.

Người dân phải biết bảo vệ mình

Như ông nói, người dân phải theo dõi chỉ số AQI. Chúng tôi thấy, người dân đều hiểu chỉ số AQI ở mức độ báo động đỏ hoặc mức tím là ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Song, người dân vẫn chưa hiểu thực sự AQI là như thế nào, ông có thể giải thích rõ về chỉ số này?

Chỉ số AQI là một chỉ số được tính toán từ các nồng độ của chất ô nhiễm. Hiện nay đối với Việt Nam, ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 là chính nên AQI sẽ được tính từ nồng độ quan trắc PM 2.5, cứ 5 phút một lần, máy sẽ đo và có công thức tính toán khả năng phơi nhiễm của con người như thế nào. Sau đó vì người dân không thể hiểu chỉ số PM 2.5 là gì nên người ta chuyển chỉ số sang màu để người dân dễ nhận biết.

Kết quả đo chất lượng không khí ngày 30/9 tại Hà Nội của Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội. Ảnh chụp màn hình.

Kết quả đo chất lượng không khí ngày 30/9 tại Hà Nội của Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội. Ảnh chụp màn hình.

Qua tìm hiểu, hiện nay, có rất nhiều ứng dụng thông minh, vậy người dân nên cài đặt ứng dụng nào để theo dõi chỉ số AQI, tránh để hoang mang như xếp hạng của AirVisual về không khí Việt Nam ô nhiễm cao nhất thế giới?

Tôi thấy cũng không nhiều lắm, chỉ 3-4 ứng dụng. AirVisual tham khảo số liệu của các nước trên thế giới, thường lấy số liệu từ thiết bị viễn thám và cả thiết bị tư nhân đăng ký cung cấp, tuy nhiên nguồn của Việt Nam họ không ghi rõ là của ai, như thế nào.

Tôi nghĩ rằng hiện nay có nhiều ứng dụng rất mở nhưng chúng ta đọc các ứng dụng phải thông minh. Các ứng dụng đó cũng chỉ tham khảo và các cơ quan quản lý khi đưa ra giải pháp cũng phải tham khảo nhiều nguồn thông tin khác nữa.

Vậy ông nhận xét như thế nào về hệ thống quan trắc không khí ở Việt Nam?

Việt Nam đã có các hệ thống quan trắc tự động thiết bị cố định hoặc đo bằng tay rồi về phân tích ở phòng thí nghiệm, hoặc các trạm cảm biến. Như thế có rất nhiều thiết bị để quan trắc các thông số, tuy nhiên tôi cũng phải nói thẳng là hiện nay công nghệ chưa cho phép chúng ta quan trắc được tất cả các thông số ô nhiễm, cũng như độ chính xác chưa cao nên cần phải cải thiện nhiều.

Nhiều nước trên thế giới cũng đang gặp khó khăn để giảm ô nhiễm không khí. Vậy theo ông, ở Việt Nam, chúng ta cần phải giải "bài toán" này thế nào?

Để giảm thiểu ô nhiễm không khí thì người ta phải biết nguồn ô nhiễm không khí từ đâu, chất gì. Ở Việt Nam thì chắc chắn là từ phương tiện giao thông cá nhân, xây dựng hạ tầng nhiều nên phát sinh bụi, từ các nà máy xi măng, thép, hóa chất, than, làng nghề. Chúng ta cũng lại đốt rơm rạ, than tổ ong, đốt rác… Tất cả những cái đó đều là nguồn gây ra bụi mịn PM 2.5 sơ cấp và thứ cấp. 

Chúng ta biết nguyên nhân và xác định nguyên nhân nào là chính để ưu tiên biện pháp chứ không thể rải mành mành ra được. Nhận thức của cơ quan quản lý về ô nhiễm không khí đang không quan trọng bằng nước thải hay rác thải, để thay đổi điều đó phải từ từ. 

Nhưng ô nhiễm không khí đang cần những biện pháp tức thời, để ngày mai hạn chế được ô nhiễm, thì chúng ta phải làm ngay bây giờ.

Như vậy, trong khi cơ quan quản lý chưa có những biện pháp tức thời thì người dân phải đối phó với tình trạng này ra sao?

Người dân phải tự bảo vệ mình bằng cách tra cứu chất lượng không khí và những ngày ô nhiễm cao thì chúng ta phải làm thế nào để hạn chế hít thở bụi không khí ô nhiễm. 

Thứ hai, chúng ta phải tham gia tích cực việc bảo vệ bầu không khí. Người dân trong nội đô Hà Nội có khoảng 4-5 triệu người cần giảm phương tiện giao thông cá nhân, tăng cường đi bộ. Ở ngã tư, ngã năm dừng đèn đỏ nên tắt máy, tăng cường đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng… để góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Trân trọng cảm ơn ông!

Vào lúc 6h sáng ngày 30/9, website giám sát chất lượng không khí AirVisual ghi nhận chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội lên tới 265; chỉ số bụi mịn PM2.5 là 215,4 µg/m3, cao gấp 8 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và 20 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Hệ thống Pam Air cũng ghi nhận chỉ số AQI tại Hà Nội trong sáng nay ở mức rất cao, hầu hết các điểm đo đều trên 170, có những điểm lên tới 250.

Tuy nhiên, thông tin quan trắc chất lượng không khí của Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội lại cho kết quả thấp hơn rất nhiều so với các website nước ngoài. Cụ thể, AQI đo được tại 10 điểm trong thành phố dù vẫn ở mức kém, nhưng chỉ trên dưới 150. Nơi đo được AQI cao nhất là Đại sứ quán Pháp (174), nơi chất lượng không khí tốt nhất là khu vực Mỹ Đình (112).

Giải thích về sự chênh lệch này, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho rằng có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất,  các công cụ, máy móc quan trắc của Chi cục có thể áp dụng theo những tiêu chuẩn khác với các thiết bị do các công ty nước ngoài đặt tại Việt Nam. Tiêu chuẩn đo đạc của Sở Tài nguyên tuân thủ theo quy định của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường, đảm bảo chính xác, khách quan. Thứ hai, cách tính AQI của Đại sứ quán Mỹ cũng khác so với cách tính AQI tại các trạm quan trắc của Sở TNMT. Và mỗi quốc gia có cách tính, phương pháp đánh giá chất lượng không khí khác nhau. Vì vậy, đây là những nguồn tham khảo, người dân không nên quá lo lắng".

SOS chất lượng không khí nguy hại, Sở Tài nguyên nói chỉ để tham khảo?

Ngày 30/9, trên mạng xã hội tràn ngập hình ảnh chia sẻ về nhiều khu vực ở Hà Nội có mức chỉ số chất lượng không...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thành An ([Tên nguồn])
Ô nhiễm nghiêm trọng ở Hà Nội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN