Hà Nội đón không khí lạnh,TP.HCM nguy cơ ngập nặng

Không khí lạnh tràn về khiến nhiệt độ ở miền Bắc giảm 3-4 độ C. Trong khi đó, do ảnh hưởng của triều cường kết hợp với mưa lớn sẽ khiến nhiều vùng trũng thấp ở khu vực nội thành TP.HCM ngập nặng.

Hà Nội đón không khí lạnh,TP.HCM nguy cơ ngập nặng - 1

Miền Bắc sắp đón không khí lạnh, nhiệt độ giảm 3-4 độ C. Ảnh minh họa.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, từ đêm nay (12/10), một bộ phận không khí lạnh sẽ tràn xuống phía Bắc khiến nhiệt độ ở khu vực giảm 3-4 độ C, trời mát.

Khối không khí lạnh tiếp tục di chuyển xuống phía nam, kết hợp với vùng áp thấp và nhiễu động gió đông trên cao gây mưa to đến rất to cho các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi từ đêm 12/10 đến hết ngày 15/10. Lượng mưa phổ biến cả đợt trên 200mm, riêng khu vực Nam Nghệ An đến Thừa Thiên Huế khoảng 300-500mm.

Ngoài ra, hoạt động của gió Tây Nam trên biển liên tục đẩy ẩm vào khu vực Nam Bộ khiến khu vực sẽ có mưa to và dông trên diện rộng trong vài ngày tới.

Từ khoảng ngày 18-20/10, triều cường đạt đỉnh, mực nước trên sông Cửu Long và sông Sài Gòn sẽ dâng cao. Triều cường kết hợp với mưa to có thể khiến khu vực nội thành TP. Hồ Chí Minh bị ngập nặng, đặc biệt là các khu vực trũng thấp như đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), Nguyễn Thị Định, Lương Đình Của (Quận 2), Huỳnh Tấn Phát (Quận 7), Tạ Quang Bửu (Quận 8) ...

Mực nước tại các trạm vùng hạ lưu sông Cửu Long và sông Sài Gòn lên mức báo động 3 và trên báo động 3. Cụ thể, tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn sẽ lên mức 1,65m, trên báo động 3 0,15m, sông Hậu tại Cần Thơ lên 2,0m, trên báo động 3 0,1m, tại Long Xuyên: 2,5m ở mức báo động 3.

Để chủ động đối phó với các tình huống mưa, lũ, triều cường, ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Trưởng ban chỉ đạo trung ương về PCTT&TKCN đã ra công điện yêu cầu các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ thông tin đến người dân để phòng tránh.

Tổ chức kiểm tra, rà soát những khu vực có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất để có phương án di dân. Bố trí lực lượng canh gác tại các ngầm, tràn, đường ngập nước, đò ngang, đò dọc khi có lũ.

Kiểm tra hồ chứa, chủ động tích nước, xả lũ đảm bảo an toàn cho vùng hạ du. Rà soát các khu vực khai thác khoáng sản, các công trình đang thi công, đặc biệt là các công trình trên sông, suối đảm bảo cho công trình và người lao động.

Đối với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh hạ lưu vùng đồng bằng sông Cửu Long cần theo dõi sát sao diễn biến của triều cường, mưa lũ trên các sông, rạch để kịp thời thông báo đến chính quyền, người dân.

Kiểm tra hệ thống đê bao, cống, chuẩn bị lực lượng, phương tiện bơm sẵn sàng ứng phó tại chỗ để đảm bảo an toàn cho lúa, hoa màu, cây ăn trái, thủy hải sản và tạm ngưng xuống giống lúa trong thời gian triều cường.

Bố trí lực lượng, thiết bị, cắm biển cảnh báo, hướng dẫn giao thông qua các khu vực ngập sâu.

Các Bộ, ngành khác theo chức năng nhiệm vụ được giao triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình. Cơ quan truyền thông, thông tấn báo chí thường xuyên cập nhật diễn biến mưa lũ, thông tin rộng rãi để người dân nắm được.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN