Hà Nội đang tính thu hồi cả triệu xe máy quá đát

Sự kiện: Thời sự

Đó là thông tin được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung báo cáo tại buổi làm việc sáng nay 17-2 của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng với Hà Nội về việc thực hiện một số quy hoạch chuyên ngành trong quy hoạch tổng thể phát triển thủ đô.

“Qua thống kê chúng ta có 2,5/6 triệu xe máy, ô tô quá đát, trước năm 2000. Vấn đề này, thành phố cũng đang xem xét, cố gắng trình HĐND TP chương trình liên quan đến hạn chế xe máy vào kỳ họp tháng 6 tới, sau đó sẽ trình Chính phủ. Ngoài ra, chúng ta phải có biện pháp thu hồi các xe ô tô, xe máy quá đát” - Chủ tịch Hà Nội nói.

Ông Chung cho hay hiện Hà Nội đã lắp đặt 10 trạm quan trắc không khí, dự năm 2017 sẽ lắp thêm khoảng 70 trạm quan trắc không khí tại các tuyến đường trọng điểm. Qua hai tháng các trạm quan trắc không khí đi vào hoạt động, cho thấy nguồn ô nhiễm không khí Hà Nội hiện nay rất nặng nề, trong đó liên quan đến xả thải của xe máy và ô tô, đặc biệt là khoảng 2,5 triệu xe máy, ô tô hết hạn sử dụng đang lưu hành.

Hà Nội đang tính thu hồi cả triệu xe máy quá đát - 1

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra dự án cầu vượt qua nút giao thông đường Thanh Niên - cửa khẩu An Dương sáng 17-2.

Về vấn đề giải tỏa áp lực giao thông, Hà Nội đang triển khai nhiều biện pháp, trong đó có đầu tư một loạt công trình như tuyến đường vành đai III từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long; dự án đường vành đai 2,5, 3,4, 4, QL6; hàng loạt cầu qua sông Hồng, sông Đuống và cầu vượt nội đô; các tuyến đường sắt đô thị…

“Theo quy hoạch, Hà Nội có tám tuyến đường sắt đô thị. Hiện mới có hai tuyến đang được gấp rút thi công. Thời gian qua, thành phố đã nhận được đề xuất của ba tập đoàn lớn mong muốn tham gia xây dựng các tuyến metro. Vấn đề này đã được thành phố báo cáo Chính phủ” - ông Chung nói.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá mặc dù đạt được một số kết quả nhất định nhưng ùn tắc giao thông của Hà Nội ngày càng nghiêm trọng cần phải giải quyết. Ông cũng hoan nghênh Hà Nội chủ động tìm nguồn vốn để thực hiện sáu tuyến đường sắt đô thị còn lại, đồng thời nhấn mạnh “đây cũng là chủ trương của Chính phủ, vì hiện nay đi vay kinh phí từ bên ngoài không dễ”.

Về việc này, Phó Thủ tướng lưu ý: “Nếu nhà đầu tư nội tham gia phải đảm bảo được an toàn khi thi công. Vấn đề cốt lõi của xây dựng các tuyến metro là đảm bảo nhanh, rẻ và an toàn. Đã có nhà đầu tư nội đăng ký rồi, Hà Nội cũng xem xét kỹ họ sẽ làm thế nào. Bên cạnh đó phải mời các tư vấn, kể cả tư vấn nước ngoài vào nghiên cứu, phản biện”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trọng Phú (Pháp Luật TPHCM)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN