Hà Nội: Có 21.540 tỉ đồng mới hết ngập

Đường phố ngập lụt là vấn đề cử tri bức xúc hiện nay tại Hà Nội, nhưng tại phiên thảo luận của HĐND TP Hà Nội ngày 11/7, ông Nguyễn Văn Khôi, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, thừa nhận “năng lực” thoát nước của TP hiện nay mới chỉ đáp ứng được trước những trận mưa có cường độ 86mm/ngày.

Để Hà Nội có hệ thống hạ tầng thoát nước đồng bộ thì phải đầu tư khoảng 21.540 tỉ đồng, về lâu dài còn phải đầu tư nhiều hơn, đến 116.417 tỉ đồng.

Báo cáo về quy hoạch thoát nước Hà Nội đến năm 2030, ông Nguyễn Văn Khôi cho biết TP xác định giai đoạn 2011-2015 sẽ giải quyết cơ bản tình trạng ngập úng tại khu vực đô thị trung tâm gồm các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai với những trận mưa có lượng mưa 310mm/2 ngày.

Xây thêm hồ chứa nước

Cũng theo ông Khôi, đến năm 2020 Hà Nội sẽ xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước mưa đô thị trung tâm gồm: mạng lưới thoát nước tự chảy về trục tiêu cấp I đến hồ điều hòa và các chương trình chống úng cưỡng bức bơm ra sông. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu này Hà Nội cần đầu tư nguồn vốn khoảng 21.540 tỉ đồng. Với đầu tư này Hà Nội sẽ hết ngập trước những trận mưa có chu kỳ 10 năm ứng với lượng mưa 310mm/2 ngày và có tính tới yếu tố biến đổi khí hậu.

Hà Nội: Có 21.540 tỉ đồng mới hết ngập - 1

Chỉ sau một trận mưa, nhiều con phố ở Hà Nội đã bị ngập thành sông (ảnh chụp trên phố Trần Quốc Toản) - Ảnh: NAM KHÁNH

Về lâu dài, để hoàn thành quy hoạch thoát nước đến năm 2030, ông Khôi cho biết Hà Nội cần tổng nguồn vốn lên tới 116.417 tỉ đồng. Trong đó vốn dành cho các công trình thoát nước mưa là 74.168 tỉ đồng, thoát nước thải là 42.249 tỉ đồng. “Nhu cầu vốn đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mưa, nước thải cho thủ đô rất lớn nên cần xây dựng chương trình kêu gọi nguồn vốn đầu tư từ các nguồn vốn xã hội hóa, vốn viện trợ phát triển (ODA) và vốn trái phiếu để thực hiện các mục tiêu theo quy hoạch” - ông Khôi nói.

Riêng về xử lý nước thải, để đảm bảo đủ chi phí quản lý vận hành hệ thống thoát nước, ông Khôi đề nghị cần thiết phải thu phí nước thải và tăng phí theo lộ trình. Theo tính toán ban đầu, Hà Nội sẽ thu 1.501 đồng/m3 vào năm 2015 và thu 12.200 đồng/m3 đến năm 2020.

Trình bày báo cáo thẩm tra về quy hoạch thoát nước, ông Nguyễn Tuấn Thịnh, phó trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP, đề nghị: “UBND TP cần làm rõ hơn phương án, biện pháp xử lý úng, ngập cục bộ khi xảy ra những trận mưa lớn, lũ bất thường. Việc thực hiện giải pháp đào và xây mới hồ điều hòa cần xác định cụ thể theo từng giai đoạn để cụ thể hóa trong quy hoạch sử dụng đất trước khi trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch”.

Phải giữ đất trồng lúa

Theo quy hoạch sử dụng đất do Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh trình bày, đến năm 2020 diện tích đất nông nghiệp của Hà Nội còn 152.248ha, đất phi nông nghiệp là 178.830ha, đất chưa sử dụng là 1.811ha.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam (Q.Hai Bà Trưng) đề nghị phát triển công nghiệp nên cân nhắc, nên lấy đất ở các vùng bán sơn địa, không có khả năng tái tạo chứ không nên lấy đất tốt. Ông Nam chỉ ra thực trạng hiện nay việc phát triển cụm công nghiệp, khu công nghiệp nhiều nơi còn chạy theo thành tích và lợi ích của một nhóm nào đấy, lấy đất rất tốt, năng suất cao để làm. Ông Nam lưu ý TP cần hết sức thận trọng vì việc chuyển đổi đất trồng lúa liên quan tới an ninh lương thực cũng như sự phát triển của thành phố. “Vì khi đã chuyển đổi đất trồng lúa sang mục đích khác, sau này rất khó để chuyển đổi lại...” - ông Nam nói.

Ông Vũ Hồng Khanh khẳng định trong quá trình quy hoạch sử dụng đất sẽ tiếp tục xử lý, chỉnh sửa trước khi báo cáo Thủ tướng phê duyệt. Theo ông Khanh, trong quy hoạch sử dụng đất, TP cũng tuân thủ theo chỉ tiêu mà Quốc hội và Chính phủ giao, đồng thời căn cứ theo cơ sở pháp lý trong quy hoạch chung thủ đô.

“Hà Nội luôn có chủ trương, ý thức giữ gìn đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực”, ông Khanh khẳng định.

Theo chương trình, hôm nay (12/7) kỳ họp HĐND TP Hà Nội sẽ tiếp tục nội dung chất vấn, trả lời chất vấn và thảo luận về quy hoạch phát triển văn hóa, du lịch đến năm 2030.

Không hạ chỉ tiêu tăng trưởng

Ngày 11/7, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết về kinh tế - xã hội, trong đó xác định Hà Nội tiếp tục phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 10-10,5% như kế hoạch đã đề ra.

HĐND TP cũng thông qua nghị quyết về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập. Theo đó, mức thu đối với các bậc học nhà trẻ, mẫu giáo, THCS, THPT, bổ túc THPT, bổ túc THCS là 40.000 đồng/học sinh/tháng đối với khu vực thành thị, 20.000 đồng/học sinh/tháng đối với khu vực nông thôn.

Riêng học sinh ở 13 xã miền núi: Ba Vì, Khánh Thượng, Minh Quang, Vân Hòa, Yên Bài, Ba Trại, Tản Lĩnh (huyện Ba Vì); Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân (huyện Thạch Thất); Phú Mãn, Đông Xuân (huyện Quốc Oai); An Phú (huyện Mỹ Đức) và hai xã giữa sông Minh Châu (huyện Ba Vì), Vân Hà (huyện Phúc Thọ) được miễn học phí.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Long - Lâm Hoài (Tuổi trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN