Giờ mới bàn xây sân bay Long Thành là quá muộn

Chuyên gia trong lĩnh vực hàng không cho rằng, giờ mới bàn tới việc xây dựng sân bay Long Thành là quá muộn và chúng ta khó có thể bắt kịp các nước lân cận.

Việc xây dựng sân bay quốc tế Long Thành đang gây tranh cãi trong dư luận nhiều ngày qua. Về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với phi công Nguyễn Thành Trung - nguyên Phó Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA), người nhiều năm là cơ trưởng Boeing 777-200, cơ trưởng các chuyên cơ chở nguyên thủ quốc gia.

Giờ mới bàn xây sân bay Long Thành là quá muộn - 1

Ông Nguyễn Thành Trung - nguyên Phó Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietnam Airlines

Thưa ông, trong bối cảnh nợ công có xu hướng tăng nhanh, nhiều đại biểu quốc hội đang băn khoăn về thời điểm xây dựng sân bay Long Thành. Theo ông giờ đã phải là thời điểm thích hợp chưa?

Giờ mới bàn tới việc xây dựng sân bay quốc tế Long Thành là quá muộn. Theo tôi việc xây dựng sân bay này là cần thiết và lẽ ra chúng ta phải làm từ lâu rồi. Chẳng nhìn đâu xa, các nước lân cận với ta họ đã làm hết và đưa vào sử dụng từ hàng chục năm nay trong khi đó ta giờ mới bàn. Quá muộn!

Vấn đề đặt ra là giờ nhà nước phải tính toán xem vốn xây dựng ở đâu ra? Cần bao nhiêu? Trong đó, vốn của nhà nước chiếm bao nhiêu %, bao nhiêu % là vốn của doanh nghiệp hay kêu gọi đầu tư nước ngoài?...

Dù nợ công có xu hướng tăng nhanh, nhưng tôi nghĩ nếu tính toán kỹ, chúng ta vẫn có khả năng để xây dựng sân bay Long Thành.

Sự cần thiết của việc xây dựng sân bay Long Thành ra sao và như ông nói nếu đã là quá muộn để bàn tới chuyện xây dựng sân bay này, vậy thì sự chậm trễ đó gây ảnh hưởng thế nào tới sự phát triển kinh tế của ta?

Sân bay Long Thành không chỉ giải quyết các nhu cầu ngắn hạn mà về lâu dài nó cũng mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Nó rất cần thiết cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam về lâu dài chứ không chỉ ngay lúc này.

Muốn cạnh tranh với Thái Lan, Singapore, Malaysia…để lấy lại vị trí ngày xưa của sân bay Tân Sơn Nhất thì phải có sân bay mới chứ Tân Sơn Nhất giờ không thể lấy lại cái gốc ngày xưa.

Về mức độ ảnh hưởng tới nền kinh tế do sự chậm trễ xây dựng sân bay mới gây ra, hãy cứ nhìn vào tốc độ phát triển kinh tế của ta với các nước kể trên để so sánh.

Nhiều người cũng băn khoăn về tính hiệu quả của sân bay này. Theo ông, tính hiệu quả của nó đến đâu?

Đương nhiên đầu tư thì sẽ mang lại hiệu quả. Trước mắt chúng ta tốn tiền, nhưng số tiền ấy sau này sẽ mang lại hiệu quả, lợi nhuận lớn chứ không lãng phí, tốn kém đâu.

Mới đây trang SleepingInAirports.Net đánh giá sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất là 2 trong 10 sân bay tệ nhất châu Á. Ông nghĩ sao về đánh giá của họ?

Họ đánh giá như thế là cũng hơi quá. Dù chúng ta còn nghèo, kinh tế chưa phát triển mạnh mẽ, nhưng nhà nước cũng từng bước nâng cấp 2 sân bay này. Có thể thấy chất lượng dịch vụ ở 2 sân bay trên ngày càng tốt hơn.

Đương nhiên, nếu so với các sân bay lớn của Thái Lan, Singapore thì mình không thể bằng, nhưng nếu bảo 2 sân bay của ta lọt top tệ nhất châu Á thì không đúng. Tôi từng đi nhiều nước ở châu Á, tôi thấy sân bay của họ còn tệ hơn ta nhiều, nhưng ngạc nhiên là những cái tên đó lại không có trong danh sách top 10 của trang web này.

Việt Nam cần gì và cần bao lâu mới có thể rút ngắn khoảng cách về chất lượng với các sân bay hàng đầu châu Á thưa ông?

Rất khó nói về việc này bởi khi chúng ta chững lại thì họ đã tiến quá xa rồi. Giờ mình mới bàn tới chuyện xây dựng sân bay mới, trong lúc mình chạy, người ta cũng chạy nên để bắt kịp họ là cả vấn đề lớn chứ đừng nói tới chuyện đón đầu họ.

Cụ thể, hạ tầng họ đã có sẵn, còn Việt Nam giờ mới bắt đầu xây hạ tầng. Khi ta xây dựng xong, họ đã vượt trước ta một đoạn xa thì rất khó để ta bắt kịp.

Muốn không thua kém các nước lân cận, trước tiên chúng ta phải có hạ tầng. Tiếp đến phải đào tạo con người để phục vụ ở sân bay mới. Có hạ tầng mà chất lượng dịch vụ cứ lẹt đẹt thì cũng không được. Cuối cùng, chúng ta phải tiếp thu các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại nhất của thế giới để vận hành sân bay đó. Có như vậy chúng ta mới từng bước thu ngắn được khoảng cách với bạn bè xung quanh.

Mới đây, trao đổi với báo chí, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) lý giải nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hạ tầng, chất lượng dịch vụ của Nội Bài, Tân Sơn Nhất hạn chế do 2 nhà ga này quá tải nặng nề. Thực hư chuyện này ra sao?

Thực ra sân bay Nội Bài không quá tải, nhất là khi nó sắp có thêm nhà ga lớn, chắc chắn trong tương lai sẽ không có chuyện quá tải.

Còn ở Tân Sơn Nhất, vị trí của sân bay nằm lọt thỏm giữa thành phố, lưu lượng giao thông quá lớn, diện tích dành cho ngành hàng không trong sân bay quá nhỏ hẹp thậm chí không có đủ chỗ đỗ máy bay nên quá tải là đúng rồi. Thế nhưng, sân bay này cũng chỉ quá tải vì không có chỗ cho máy bay hạ cánh chứ nhà ga của nó thì không quá tải.

Phải làm gì để cải thiện tình trạng trên trong thời gian tới thưa ông?

Theo tôi, nhà nước phải xây hạ tầng mới là sân bay Long Thành. Điều đó sẽ dễ dàng hơn là việc sửa lại sân bay cũ. Về vị trí xây dựng sân bay Long Thành, theo tôi đến giờ thiết kế như vậy vẫn là tối ưu.

Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Quân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN