Giải mã viên đá lạ rơi từ sao Hỏa

Các nhà khoa học Mỹ xác định một loại thiên thạch mới độ tuổi vào khoảng 2,1 tỉ năm, nhiều khả năng có nguồn gốc từ vỏ sao Hỏa.

Phiến đá đen nặng 320 gam, mang tên Northwest Africa (NWA) 7034, được phát hiện ở vùng sa mạc Morocco hồi năm 2011.

Phiến đá này rất khác biệt với các thiên thạch sao Hỏa được gọi theo ký hiệu chữ tắt SNC (từ ba nhánh khác nhau của nhóm Shergotty, Nakhla và Chassigny) có số hiệu là 110.

Cho đến nay, SNC là những dạng mẫu thiên thạch duy nhất từ sao Hỏa mà các nhà khoa học có thể nghiên cứu. Nguồn gốc của chúng vẫn chưa được biết chắc cho đến khi những dữ liệu mới từ tàu thăm dò lander và những chuyến thám hiểm quanh quỹ đạo sao Hỏa thu thập được cho thấy chúng là thành phần của vỏ sao Hỏa.

Lần này, Andrew Steele - chuyên gia từ phòng thí nghiệm phân tích địa vật lý thuộc Viện Carnegie - nhấn mạnh: “Kết cấu của NWA 7034 không giống bất kỳ thiên thạch SNC nào. Nó được hình thành từ dung nham nhanh chóng nguội lại thành mảng bazan với thành phần chính là feldspar và pyroxene, giống như được hình thành từ hoạt động núi lửa. Thành phần này rất thường thấy ở các mẫu đá mặt trăng nhưng không được tìm thấy ở thiên thạch sao Hỏa”.

Ông Steele cho biết thêm những phân tích về phân tử carbon cũng cho thấy NWA 7034 không giống với các SNC ở nhiều đặc trưng khác nữa.

Trưởng nhóm nghiên cứu Carl Agee thuộc Đại học New Mexico giải thích: “Thành phần đá bazan trong thiên thạch này tương tự với vỏ hoặc lớp ngoài cùng của sao Hỏa. Khẳng định này căn cứ trên những phát hiện từ các sứ mệnh thăm dò mới đây. Những phân tích của chúng tôi về đồng vị oxy cho thấy NWA không giống bất kỳ dạng thiên thạch nào khác. Hàm lượng nước khá nhiều ở phiến đá này (6.000/1 triệu đơn vị thành phần) cho thấy thiên thạch này tương tác với bề mặt sao Hỏa cách nay 2,1 tỉ năm”.

Trong khi đó, SNC hình thành chỉ cách nay từ 200 đến 400 triệu năm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo L. Nguyễn (Người lao động/ BBC, Daily Science)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN