Gặp người sống sót vụ lật thuyền 6 người tử vong

Sự kiện: Thời sự

Đã hai năm trôi qua kể từ sau vụ tai nạn lật thuyền thảm khốc nhưng người dân xã Nam Thịnh (Thái Bình) vẫn không quên được ký ức kinh hoàng ấy.

Gặp người sống sót vụ lật thuyền 6 người tử vong - 1

Ông Đinh Văn Tiến đã ổn định tinh thần trở lại sau vụ lật thuyền cướp đi hai người con của ông.

Hai năm trước, từng đợt sóng biển xã Nam Thịnh cuồn cuộn đã lạnh lùng nhấn chìm con thuyền nhỏ chở 13 người là anh em họ hàng trên đường đi làm về khiến 6 người chết, 7 người còn lại may mắn sống sót.

Tình người trong thời khắc sống còn 

Đã hai năm trôi qua kể từ sau vụ tai nạn lật thuyền thảm khốc nhưng người dân xã Nam Thịnh (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) vẫn không quên được ký ức kinh hoàng ấy.

Đưa tay chỉnh gọng kính, bà Trương Thị Ngợi (SN 1963, thôn Thiện Tường, xã Nam Thịnh) nhớ lại, khoảng 14h chiều ngày 15/12/2014, chiếc thuyền chở 13 người nhổ neo ra bãi triều cách bờ khoảng 7km để cào ngao. Làm đến đêm thì không khí lạnh tràn về, sương đêm buông xuống rét buốt. Ai nấy đều mệt nhưng vẫn động viên nhau cố gắng làm cho xong rồi về nghỉ ngơi. Khoảng 2h30 sáng 16/12, công việc hoàn thành, mọi người nhanh chóng thu dọn đồ đạc, lên thuyền nhằm bến Giang Long mà vào bờ.

Khi thuyền chỉ còn cách bờ 70m thì bất ngờ bị thủng, nước biển nhanh chóng tràn vào đáy khiến thuyền tròng trành rồi cứ thế chìm dần. 13 người có mặt trên thuyền lúc ấy hoảng loạn, tiếng la hét vang vọng khắp màn đêm. “Thuyền chìm dần, chúng tôi vội nhảy xuống nước, bám víu nhau để ngoi lên. Nhưng cũng chỉ được một lúc, khi sóng lớn ập vào, mấy chị em, mợ cháu tôi bị tản ra. Lúc này, xung quanh chỉ một màu đen thui, không biết bám víu nơi đâu, cũng không định hướng được đâu là bờ”, bà Ngợi bật khóc khi nhớ về khoảnh khắc ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết.

Cố gắng dùng chút sức lực cuối cùng ngoi lên mặt nước kêu cứu rồi bà Ngợi dần lịm đi. Đúng lúc này, hai chiếc thuyền nan của người dân tiến lại nhanh chóng đưa bà vào bờ cấp cứu. “Lúc tỉnh dậy, thấy mình đang được người thân, hàng xóm lau tóc, lau người, rửa mặt, tôi mới biết mình còn sống. Nghe bà con nói đã có 6 người tử vong, tôi như không chịu đựng được cú sốc lại ngất lịm đi”, bà Ngợi kinh hoàng nhớ lại.

Gặp người sống sót vụ lật thuyền 6 người tử vong - 2

Bà Nguyễn Thị Ngọt (áo kẻ) và bà Trương Thị Ngợi nhắc chuyện xưa để thêm quý trọng cuộc sống.

Thương nhất là gia đình ông Đinh Văn Tiến, một lúc mất cả hai con là anh Đinh Văn Sĩ (SN 1990, chủ thuyền) và chị Đinh Thị Miền (SN 1988). Chuyến đi biển hôm đó, gia đình ông Tiến có ba người là anh Sĩ, chị Miền và chị Trần Thị Thía (SN 1992, vợ anh Sĩ). Khi thuyền chìm, thấy các mợ, các chị và vợ nhảy xuống nước, anh Sĩ cũng nhảy xuống luôn. Dù biết bơi nhưng anh không bơi vào bờ mà bơi quanh thuyền để tìm vợ. “Mải cứu vợ, đưa vợ vào được đến bờ, Sĩ ngoảnh lại thấy chị gái đang thoi thóp gần con thuyền bị chìm, nó lại nhoài người ra cứu. Ra đến nơi, gặp được chị nhưng vì chịu lạnh quá lâu, đuối sức, nó đã mãi không thể trở về được nữa, cũng không thể cứu được chị mình”, bà Ngọt (một trong 7 người may mắn sống sót) xúc động nhớ lại.

Nương tựa nhau vượt qua nỗi đau

Ngước nhìn di ảnh con trai, ông Tiến cho biết, anh Sĩ vốn ngoan ngoãn, hiền lành, chịu khó. Sau nhiều năm tích cóp mới sắm được con thuyền gỗ để ra khơi đánh cá kiếm chút tiền lo cho gia đình. “Năm ấy, bão gió liên tục, thuyền của con trai tôi không ra khơi được. Những lúc rảnh rỗi, Sĩ lại đánh thuyền đi chở thuê. Vợ chồng nó bảo cố làm để tiết kiệm nuôi con, vài năm nữa con đi học thì kiếm nghề khác. Vậy mà, hôm đó nó cùng chị gái đi rồi mãi mãi không trở về nữa”, ông Tiến nghẹn ngào nói.

Ba tháng sau ngày chồng mất, chị Thía gắng gượng vượt lên nỗi đau, dằn lòng để lại con gái Đinh Thị Nhi (4 tuổi) ở quê nhà nhờ bố mẹ chồng chăm sóc rồi theo chân bà cô vào Vũng Tàu làm kinh tế. “Tháng 10 vừa rồi, về giỗ chồng, Thía xin phép vợ chồng tôi đón con vào trong đó để tiện chăm sóc. Bố cháu mất, vợ chồng tôi cũng già yếu, hai năm qua nhìn cháu để làm động lực vượt qua nỗi đau, giờ cháu đi với mẹ cũng buồn, cũng nhớ nhưng nghĩ lại thời gian đầu xa mẹ cháu khóc nhiều, thương cháu nên đồng ý để Thía đưa con đi”, lau dòng nước mắt trên khuôn mặt khắc khổ, ông Tiến cho hay.     

Vụ lật thuyền sáng 16/12/2014 nguyên nhân là do gió quá to, trên thuyền chở theo 13 người và khoảng 2 tấn ngao bị tròng trành, rồi lật khiến 6 người tử vong. Các nạn nhân được xác định là: Trương Thị Huyền (SN 1963), Đinh Văn Sĩ (SN 1990), Đinh Thị Miền (SN 1988), Trương Thị Huyền (SN 1989), đều trú tại thôn Thiện Trường; Hai nạn nhân Trương Thị Mây (SN 1981) và Phạm Thị Nga (SN 1970) cùng ở thôn Thiện Châu, xã Nam Thịnh.

Ngồi bên cạnh ông là cháu Phạm Thị Duyên, con gái thứ hai của chị Đinh Thị Miền (nạn nhân tử vong trong vụ lật thuyền). Đưa ánh mắt trong veo nhìn khách, Duyên cho biết, chủ nhật nào cháu cũng được bố đưa lên nhà ông chơi với dì. “Tôi còn một cô con gái tên Đinh Thị Phương, năm nay học lớp 5. Duyên quấn dì Phương lắm, nhìn hai dì cháu chơi đùa vui vẻ, tôi cũng thấy yên lòng hơn”, ông Tiến nói.

Vừa buộc tóc cho cháu, Phương vừa kể, trước khi anh Sĩ mất, tối nào anh cũng chỉ dạy bài vở giúp em. “Anh mất rồi, em thương anh lắm. Em biết, bố mẹ giờ chỉ còn mình em là chỗ dựa, em sẽ cố gắng học thật tốt, ngoan ngoãn, yêu thương các cháu để bố mẹ vui lòng”, Phương nói.

Ngoài cháu Duyên, chị Miền và chồng (anh Phạm Văn Hướng ở Nam Trung, Tiền Hải) còn có hai người con khác là Phạm Thị Diệu (SN 2006) và Phạm Văn Vỹ (SN 2012). Vợ mất, con nhỏ, lại làm công việc trông coi bãi ngao thường xuyên vắng nhà buổi tối, một mình anh Hướng không thể xoay xở chuyện gia đình, chăm sóc con cái. Năm 2015, anh quyết định đi bước nữa. Như thấu hiểu hoàn cảnh của anh, người vợ thứ hai luôn quan tâm, thương yêu các con của chồng.

Về phần bà Ngợi, dù may mắn được cứu sống nhưng một tháng sau đó liên tục bị sốt cao, nằm liệt giường. “Chồng lại đột ngột bị tai biến, được các con đưa đi cấp cứu kịp thời nên qua khỏi nhưng vì di chứng, ông cũng không thể lao động. Mọi sinh hoạt của hai vợ chồng lúc bấy giờ phải nhờ tới các con”, bà Ngợi tâm sự. Ngồi bên cạnh mẹ, chị Đinh Thị Mừng (SN 1986, con gái bà Ngợi) cho hay, từ ngày bố mẹ gặp nạn rồi bị ốm, vợ chồng chị ở gần ngày nào cũng qua chăm sóc, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa rồi trò chuyện để bố mẹ đỡ buồn.

Nghĩ chuyện xưa, quý hơn cuộc sống

“Cả một thời gian dài sau vụ tai nạn, tôi không tài nào ngủ được. Cứ nhắm mắt là hình ảnh chiếc thuyền chìm dần, tiếng la hét của mọi người lại xuất hiện. Đến giờ, tôi vẫn chưa đặt chân ra biển thêm lần nào nữa”, bà Nguyễn Thị Ngọt (thôn Thiện Tường, xã Nam Thịnh) nhớ lại.

Cũng như bà Ngọt, từ cõi chết trở về, bà Ngợi ở nhà dưỡng bệnh, trông cháu. Thỉnh thoảng lân la cấy chút rau, trồng vườn ngô trước nhà. Sau vụ tai nạn, đôi mắt bà mờ dần, hai vợ chồng đau ốm không làm ra tiền nên dù bác sĩ khuyên đi thay thủy tinh thể, bà Ngợi vẫn lưỡng lự cả năm trời. Tháng 10 vừa rồi, tình trạng mắt trở nên xấu hơn, được các con động viên, hỗ trợ chi phí, bà đồng ý đi chữa mắt đến giờ chưa hồi phục hoàn toàn, bà vẫn phải đeo kính mỗi ngày.

“Từ ngày sống sót trở về sau vụ tai nạn, tôi và chị Ngọt thường qua nhà nhau chơi. Ba tháng đầu, hai chị em tối nào cũng qua nhà các nạn nhân tử vong trong vụ lật thuyền, thành tâm cầu nguyện, hi vọng linh hồn mọi người được siêu thoát. Cũng vì thế mà thêm trân quý cuộc sống hơn. Mỗi khi nghe đài báo không khí lạnh tràn về, tôi cùng chị Ngọt lại nhắc chuyện xưa, dặn dò con cháu, người thân cẩn thận hơn mỗi khi ra khơi”, bà Ngợi tâm sự.

Trong số các nạn nhân xấu số vụ tai nạn năm ấy còn có bà Phạm Thị Nga (SN 1970, thôn Thiện Châu, xã Nam Thịnh, là mợ anh Sĩ). Sau ngày bà mất, cậu con trai lớn tên Trương Văn Đại (SN 1990) trước còn mải chơi, chưa chú tâm lo kinh tế gia đình, bỗng trở nên chăm chỉ, hăng say lao động. Anh Đại tâm sự, vì hoàn cảnh khó khăn, thương các con, mẹ mới phải vất vả dầm sương, dãi nắng làm việc như thế. Mẹ mất, em gái đang học lớp 12 cũng phải bỏ học, bố thì suy sụp, em trai út đang học lớp 8 vì nhớ mẹ lực học cũng giảm sút. Vào thời điểm đó, anh Đại đã đứng lên trở thành trụ cột gia đình, chỗ dựa cho bố và các em.

“Mẹ mất trong lúc làm việc kiếm tiền lo cho anh em tôi, nên chúng tôi sẽ cố gắng sống thật tốt để không phụ lòng mẹ. Hiện, tinh thần bố tôi đã ổn định, ngày ngày ra biển làm thuê kiếm tiền lo cho em út ăn học. Còn em gái cũng vừa lấy chồng năm ngoái, nhà gần cũng tranh thủ về thăm bố, chăm em thường xuyên. Giờ tôi chỉ mong bố khỏe mạnh, em trai học hành thành đạt, hy vọng có thể thoát khỏi cảnh nghèo nơi xóm biển…”, anh Đại chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Chi (Báo Giao thông)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN