Gặp Bí thư TPHCM, giám đốc bệnh viện bật khóc khi nói về thu nhập của y bác sĩ

Sự kiện: Thời sự

“Với mức thu nhập của bác sĩ mới ra trường làm việc giữa TPHCM chỉ vỏn vẹn 7,8 triệu đồng thì làm sao đủ sống?”- PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết- Giám đốc BV Hùng Vương đã bật khóc khi phát biểu trong buổi gặp gỡ giữa ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM với cán bộ, nhân viên ngành y tế.

Sáng 5/8, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM đã gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và các đề xuất liên quan để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế. Tại buổi làm việc này, ông Nguyễn Văn Nên đã thể hiện tinh thần cầu thị, muốn lắng nghe ý kiến phản ánh và tâm tư nguyện vọng của các cán bộ y tế sau đại dịch COVID-19.

Khi được Bí thư thành phố mời phát biểu, PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương nói: “Chúng tôi chọn nghề y không phải vì muốn giàu, nhưng mức lương cũng phải tương đối. Lương của một bác sĩ trẻ mới ra trường làm việc ở TPHCM là 7,8 triệu mỗi tháng thì làm sao đủ sống” – PGS Diễm Tuyết nghẹn ngào, bật khóc trong sự im ắng đến lặng người của cả hội trường.

PGS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương bật khóc khi đề cập đến thu nhập không đủ sống của y bác sĩ

PGS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương bật khóc khi đề cập đến thu nhập không đủ sống của y bác sĩ

Nuốt nghẹn nỗi buồn, bác sĩ Tuyết nói tiếp: “Thu nhập như vậy, một tháng, một năm hay 5 năm, họ có thể sống được, nhưng 10 năm, 20 năm sẽ không thể bền bỉ để gắn bó được với nghề. Chúng tôi hiểu rằng, vấn đề lương bổng của ngành y tế bị trói buộc rất nhiều các chính sách quốc gia và thành phố. Nhưng hãy giúp nhân viên y tế có mức thu nhập đủ sống để có thể cống hiến cho xã hội”.

PGS- BS Diễm Tuyết cũng bày tỏ lo ngại với làn sóng nghỉ việc như hiện nay thì đến một lúc nào đó sẽ không còn đủ nhân viên y tế để chăm sóc sức khỏe cho người dân, khi đó hậu quả sẽ khó lường.

Cũng trong tâm trạng rối bời vì nhiều nhân viên y tế của đơn vị đã nghỉ việc BS Nguyễn Huỳnh Lộc, Viện trưởng Viện Y dược học Dân tộc TPHCM cho biết: “Khi đại dịch xảy ra, anh chị em đã làm việc hết sức mình, không từ bỏ vì đó là trách nhiệm của nghề. Có những người đã bảo vệ cộng đồng nhưng không thể bảo vệ được người thân. Dịch bệnh qua đi, mọi sự chịu đựng đều đến giới hạn. Nhân viên y tế như cục pin đã cạn. Có những người xin nghỉ việc còn nói với tôi, có thể em chỉ nghỉ một thời gian vì quá mệt mỏi chứ không thôi yêu nghề”.

Đề cập đến vấn đề trên, Giám đốc Trung tâm Y tế Quận 1, TPHCM cho biết, trong đợt dịch vừa qua và cả giai đoạn hiện nay nhân viên y tế tại các trạm y tế phải gồng gánh khối lượng công việc quá lớn. Nhân sự chỉ có vài người, nhiều nhất là 7 đến 8 người nhưng đến 19 đầu việc phải làm. Nhân viên y tế tại các trạm nếu so sánh về thu nhập thì chẳng bằng ai nhưng về sự khổ cực thì phải gấp 10 lần ở bệnh viện.

Nhân viên y tế phải chịu quá nhiều áp lực, khó khăn nhưng đãi ngộ chưa tương xứng

Nhân viên y tế phải chịu quá nhiều áp lực, khó khăn nhưng đãi ngộ chưa tương xứng

Bí Thư Nguyễn Văn Nên đã ghi nhận những ý kiến góp ý và chia sẻ của cán bộ, nhân viên y tế. Ông cũng bày tỏ sự băn khoăn: “Khi người dân đau ốm thì có thầy thuốc lo nhưng khi thầy thuốc gặp khó khăn thì ai lo? Đây đang là câu hỏi cần phải sớm tìm lời giải để giúp nhân viên y tế không chỉ ổn định đời sống vật chất mà còn ổn định cả sức khỏe tinh thần để an tâm công tác”. Bí thư TPHCM đã đề nghị các đơn vị liên quan ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của ngành y tế thành phố và sớm đề xuất những giải pháp tháo gỡ.

Nguồn: [Link nguồn]

8 nguyên nhân khiến y, bác sĩ nghỉ việc, bỏ việc: Đầu tiên là tiền lương

Lý giải về việc có đến gần 9.400 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc trong một năm rưỡi vừa qua, Công đoàn y tế Việt Nam chỉ ra 8 nguyên nhân, trong đó đứng đầu là lương...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vân Sơn ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN