G7 phản đối hành động đơn phương trên Biển Đông

Tuyên bố của G7 được cho là nhắm thẳng đến những hành động hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc trên biển.

Ngày 4/6, lãnh đạo các quốc gia G7 nhóm họp tại Brussels, Bỉ đã ra tuyên bố phản đối các hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trang bằng vũ lực, một sự ám chỉ rõ ràng đến các hành động hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc hiện nay trên Biển Đông.

Các lãnh đạo G7 vừa tổ chức phiên họp kéo dài 2 ngày tại Bỉ mà không có sự tham gia của Nga vì nước này bị khai trừ sau động thái sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng Ba.

G7 phản đối hành động đơn phương trên Biển Đông - 1

Lãnh đạo các nước tham gia hội nghị G7 tại Brussels, Bỉ

Trong ngày nhóm họp đầu tiên, các lãnh đạo G7 tập trung bàn về các vấn đề ngoại giao, trong đó Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định Nhật Bản sẽ đóng vai trò tích cực trong các vấn đề bất ổn trên thế giới, trong đó có cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine.

Ngoài ra, ông Abe còn tuyên bố Nhật Bản sẽ hợp tác chặt chẽ với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực để hạ nhiệt căng thẳng hiện nay trên Biển Đông và biển Hoa Đông.

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Abe nói với các lãnh đạo G7 rằng hành động thay đổi hiện trạng bằng vũ lực là không thể chấp nhận được, dù điều đó xảy ra ở Ukraine hay ở Đông Á. Tất cả các thành viên G7 đã nhất trí cao với tuyên bố này của ông Abe.

G7 phản đối hành động đơn phương trên Biển Đông - 2

Thủ tướng Abe đã có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị G7

Tuyên bố của G7 sau đó cho biết các lãnh đạo G7 bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc” đối với những căng thẳng hiện nay ở biển Hoa Đông và Biển Đông, đặc biệt là sau một loạt động thái đơn phương của Trung Quốc như lập khu vực nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông và kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam.

Tuyên bố của G7 khẳng định tổ chức này phản đối bất cứ nỗ lực đơn phương của bất cứ bên nào nhằm tuyên bố chủ quyền bằng việc sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực. Các chuyên gia nhận định rằng đối tượng mà những lời lẽ quyết liệt này nhắm đến chính là Trung Quốc.

Trong khuôn khổ hội nghị lần này, các lãnh đạo G7 cũng tiếp tục thảo luận các vấn đề về kinh tế và năng lượng toàn cầu trước khi ra một thông báo mới vào cuối ngày hôm nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo Reuters) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN