EU ủng hộ giải quyết vấn đề biển Đông bằng biện pháp hòa bình

Sự kiện: Hòa Bình

Chủ tịch Manuel Barroso khẳng định lại lập trường của EU ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Chiều 13/10 theo giờ địa phương, tức tối 13/10 theo giờ Hà Nội, tại trụ sở Ủy ban châu Âu (EC) ở Thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch EC Manuel Barroso đã có cuộc hội đàm nhằm trao đổi biện pháp thúc đẩy toàn diện hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn EC và các nước thành viên EU đã hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Đồng thời nhấn mạnh mong muốn hai bên sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) và ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vào thời gian sớm nhất; đề nghị EU sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam vào thời điểm hai bên kết thúc đàm phán.

EU ủng hộ giải quyết vấn đề biển Đông bằng biện pháp hòa bình - 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch EC Manuel Barroso

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhất trí với Chủ tịch Manuel Barroso rằng việc hoàn tất Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU sẽ giúp Việt Nam với tư cách một nền kinh tế thị trường hội nhập thành công vào nền kinh tế toàn cầu.

Thủ tướng nhấn mạnh, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU cùng với Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện là những trụ cột chính trị và kinh tế quan trọng, vững chắc để quan hệ hợp tác Việt Nam-EU ngày càng phát triển, tương xứng với tiềm năng và mong đợi của cả hai bên.

Chủ tịch Manuel Barroso khẳng định Ủy ban châu Âu và các nước thành viên EU sẽ phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy hợp tác Việt Nam-EU; nhấn mạnh mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ ASEAN-EU và cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực đang định hình.

Tại cuộc Hội đàm, hai bên nhất trí tăng cường tiếp xúc và trao đổi ở các cấp; khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam và EU đầu tư, kinh doanh tại thị trường của nhau; đẩy mạnh quan hệ kinh tế-thương mại và hợp tác phát triển, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chuyên ngành như y tế, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, môi trường, biến đổi khí hậu…

Hai bên cùng nhấn mạnh sự cần thiết bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Chủ tịch EC khẳng định lại lập trường của EU ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; kêu gọi các bên liên quan không tiến hành các hành động đơn phương gây phương hại cho hòa bình, ổn định ở khu vực; thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và sớm đạt được bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Kết thúc hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch EC Manuel Barroso đã chứng kiến lễ ký chính thức khoản viện trợ trị giá 400 triệu Euro của EC dành cho Việt Nam giai đoạn 2014-2020.

Ra Tuyên bố giữa Chủ tịch EC và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về định hướng kết thúc đàm phán EVFTA, trong đó nhấn mạnh mong muốn xây dựng một Hiệp định Thương mại tự do hiện đại, toàn diện và cân bằng để giúp hai bên có thể đáp ứng các thách thức về kinh tế hiện nay và trong tương lai.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo D. Tùng ([Tên nguồn])
Hòa Bình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN