"Ép" BN ăn sống là không chấp nhận được!

"Tôi đã lên thăm khu điều trị này nhiều lần nên tôi hiểu đa số những người bệnh ở đó là người già và phải chịu rất nhiều khó khăn nên việc đối xử như vậy của một số cán bộ, hộ lý là sai quá rồi, về mặt y đức, con người đều không được..."

Đó là khẳng định của Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Sỹ Hóa, Phó giám đốc Viện Da liễu Trung ương khi trao đổi với PV.

Xung quanh sự việc 21 bệnh nhân bệnh nhân mắc bệnh phong, bị tàn phế nặng đã bị các hộ lý của Khoa Khoa Điều Trị Nội Trú – Trung tâm Da Liễu Hà Đông (trụ sở tại xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) ngược đãi một cách thậm tệ, thậm chí "ép" ăn gạo, thịt sống, rất nhiều ý kiến bày tỏ sự phẫn nộ của độc giả đã gửi về chia sẻ với các bệnh nhân ở đây.

Để bạn đọc có cái nhìn sâu sắc hơn bệnh phong và sự việc trên, PV đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Sỹ Hóa, Phó giám đốc Viện Da liễu Trung ương xung quanh câu chuyện Y đức trong vụ việc này.

Bệnh nhân phong chịu khổ cực trăm bề

Theo TS Hóa, thực tế những người bệnh phong ở thể nặng, phát hiện muộn đã và đang phải chịu rất nhiều nỗi đau, khốn khó trong cuộc sống, sinh hoạt, cả về thể xác lẫn tinh thần.

"Ép" BN ăn sống là không chấp nhận được! - 1

Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Hóa cho rằng, việc đối xử với những bệnh nhân phong như vậy của cán bộ, hộ lý tại Trung tâm Da liễu Hà Đông là không thể chấp nhận được

"Bệnh phong là bệnh của ngoài da và hệ thống thần kinh ngoại biên, do một loại vi khuẩn, tức là trực khuẩn hình que gây nên. Nếu phát hiện sớm, được điều trị thì sẽ khỏi hoàn toàn.

Còn nếu phát hiện muộn thì tuy không gây chết người nhưng nó lại gây ra rất nhiều di chứng như các cơ ở bàn tay, bàn chân bị liệt, cụt rụt, mắt nhắm không được, méo miệng...

Nhưng quan trọng nhất là họ bị mất cảm giác bàn tay bàn chân, cho nên khi cho tay vào lửa hoặc gai đâm vào chân đều không có cảm giác. Khi dị hình nặng như thế thì người bệnh sẽ không làm được việc, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt, với nông dân thì không cày cuốc được.

Tuy nhiên, cái khổ lớn hơn cả với những bệnh nhân phong ở thể nặng không phải là dị hình mà chính là thành kiến của cộng đồng xã hội với họ...", TS Hóa cho hay.

TS Hóa cũng cho biết thêm, hiện nay, việc điều trị đối với các bệnh nhân phong dù nhẹ hay nặng đều được nhà nước và Tổ chức y tế thế giới hỗ trợ. Với những bệnh nhân ở thể nặng, già cả, không có khả năng lao động, không có gia đình, thân thích, điều trị nội trú ở các trung tâm hiện nay đều do nhà nước nuôi hoàn toàn.

"Rất đáng trách và không thể chấp nhận được"

Liên quan đến sự việc 21 bệnh nhân bệnh nhân mắc bệnh phong, bị tàn phế nặng đã bị các hộ lý của Trung tâm Da Liễu Hà Đông ngược đãi một cách thậm tệ, thậm chí "ép" ăn gạo, thịt sống, TS Hóa cho hay: "Qua thông tin trên báo chí và nắm bắt tình hình thực tế, tôi cũng chưa biết được cụ thể từng sự việc xảy ra như thế nào, nguyên nhân ra sao nhưng theo thông tin mà tôi nắm được từ một người đồng nghiệp cung cấp về tình hình bỏ đói, cấp phát gạo, thịt sống cho những bệnh nhân như thế thì tôi thấy là sai quá rồi, rất là đáng trách. Trước hết là trách nhiệm của người trực tiếp quản lý mà để như vậy là không được..."

"Ép" BN ăn sống là không chấp nhận được! - 2

Rất nhiều người đã bày tỏ sự phẫn nộ trước những việc làm của cán bộ, hộ lý ở đây

Cũng theo TS Hóa: "Rất nhiều năm tôi đã trực tiếp lên thăm khu điều trị phong của trung tâm da liễu Hà Đông ở Quốc Oai này rồi nên tôi hiểu rất rõ những người bệnh ở đây đa số đều là già cả, ngoài 70, 80 tuổi hết cả rồi còn những số trẻ sau này họ đều điều trị tại nhà thôi.

Như trong Quỳnh Lập (Nghệ An), Bắc Ninh... người ta có bếp chung để phục vụ ăn uống cho bệnh nhân, còn ở đây, lại bỏ đói, cấp phát gạo sống, thịt sống cho bệnh nhân thì về mặt y đức, về mặt con người đều không được".

Từ thực tế nhiều năm lên thăm trung tâm này, TS Hóa nhấn mạnh thêm: "Những bệnh nhân ở trung tâm phong ở Quốc Oai này, thực tế họ rất tội nghiệp, trước hết họ đều đã già, tuổi đều cao cả rồi; thứ hai là đều tàn tật nặng, thường là họ cụt chân, cụt tay hết cả; thứ ba nữa là hầu hết đều không có gia đình, không có bà con ruột thịt hoặc có nhưng không lên thăm hoặc có lên thăm theo kiểu chiếu lệ, cho vài đồng rồi về nên chủ yếu là họ tự chăm sóc nhau, chăm sóc mình là chính.

Giờ bệnh tật, tuổi tác cao, không tự làm được, họ phải nhờ bệnh viện như thế mà lại bị bệnh viện bỏ rơi, đối xử thì quả là không thể nào chấp nhận được".

Khi PV cho biết, lý do việc bỏ đói, cấp phát gạo, thịt sống cho bệnh nhân ở đây được ông Phó giám đốc Vũ Văn Trình đưa ra là do hết gas, TS Hóa bày tỏ: "Hết gas thì còn có củi, như nhà anh hết gas thì anh làm gì, chẳng nhẽ anh ăn gạo sống à... Nói như vậy là không được".

Tiến sĩ Hóa cũng mong muốn, các cơ quan chức năng ngoài việc vào cuộc, tìm hiểu, xử lý nghiêm vụ việc đáng tiếc này thì cũng cần có những chính sách, sự quan tâm hơn nữa đối với đời sống, chăm sóc của những người bệnh phong, đặc biệt những người bệnh đã già cả, ở thể nặng, không còn khả năng lao động như ở trung tâm da liễu Hà Đông hiện nay. Và quan trọng hơn, cả xã hội cần vào cuộc và xóa bỏ kỳ thị đối với những bệnh nhân phong.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thành Chung ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN