Đường sắt Cát Linh-Hà Đông "quá tam ba bận" chậm tiến độ thêm gần 1 năm

Sự kiện: Thời sự

Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải lại tiếp tục xin điều chỉnh kế hoạch chạy thử tàu tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh-Hà Đông, từ tháng 10-2017 lùi tới 2-9-2018.

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông "quá tam ba bận" chậm tiến độ thêm gần 1 năm - 1

Hệ thống đường ray tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông, một số chỗ đã bị gỉ sét - Ảnh: Nguyễn Hưởng

Báo cáo về kế hoạch chạy thử tàu đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội) vừa được Ban quản lý dự án đường sắt báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) hoàn thành. Theo đó, tiến độ mới được tổng thầu EPC - Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc lập và đã được đơn vị tư vấn giám sát thẩm tra.

Kế hoạch chạy thử tàu tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh-Hà Đông sẽ chậm khoảng 11 tháng so với kế hoạch được Chính phủ và Bộ GTVT điều chỉnh hồi tháng 2-2017. Cụ thể, thời hạn chạy thử thay vì được thực hiện từ tháng 10-2017 sẽ được lùi sang tháng 9-2018.

Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết đến nay, các vướng mắc về giải ngân vốn cơ bản được giải quyết. Vì vậy, Ban đã kiến nghị Bộ GTVT xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh tiến độ hoàn thành và đưa dự án vào vận hành chạy thử từ ngày 2-9-2018 với thời gian chạy thử từ 3 đến 6 tháng, đưa vận hành khai thác thương mại từ tháng 11-2018.

Như vậy, dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh-Hà Đông liên tục vỡ tiến độ. Theo đánh giá, có nhiều nguyên nhân dẫn đến dự án chưa về đích; trong đó có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, khó khăn về nguồn vốn giải ngân. Cụ thể, kể từ đầu tháng 12-2016, giải ngân của khoản vay ưu đãi bên mua 250 triệu USD liên tục gặp vướng mắc do kế hoạch vốn nước ngoài trong năm 2016 cho dự án bị hết, phải chờ kế hoạch vốn của năm 2017.

Việc gia hạn thời gian rút vốn (hết hạn vào ngày 31-12-2016) của khoản vay bị kéo dài do vướng mắc về các điều khoản gia hạn; trong khi đó, Hiệp định vay bổ sung 250,62 triệu USD cho dự án mặc dù đã được ký kết từ ngày 11-5-2017 nhưng lại chưa thể giải ngân do các bên vẫn chưa thống nhất được ý kiến pháp lý, là điều kiện để khoản vay có hiệu lực. Vì các yếu tố trên, công tác giải ngân cho dự án từ đầu năm 2017 đến tháng 9-2017, chỉ được khoảng 10 triệu USD cho xây lắp.

Nguyên nhân thứ hai, năng lực quản lý điều hành của tổng thầu còn hạn chế, lực lượng mỏng, thiếu kinh nghiệm dẫn đến công tác thiết kế, thi công, lập hồ sơ nghiệm thu thanh toán, hoàn công... rất chậm trễ, thiếu khoa học.

Như vậy, tính đến nay, dự án trên đã lùi tiến độ 3 lần, đầu năm 2016, Bộ GTVT giao tổng thầu thực hiện tiến độ chạy thử tàu từ tháng 9-2016 và khai thác toàn tuyến từ 31-12-2016. Nhưng đến tháng 6-2016, do dự án tiếp tục chậm trễ, Bộ GTVT đưa ra mục tiêu cuối cùng đến 31-12-2016 hoàn thành phần xây lắp dự án.

Tuy nhiên, mục tiêu này lại phá sản, đầu tháng 2-2017, Bộ GTVT chốt tiến độ vận hành thử dự án từ tháng 10-2017 để cuối quý I, đầu quý II-2018 đưa vào khai thác chính thức. Tuy nhiên, mốc tiến độ này lại tiếp tục bị lỡ hẹn.

Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông được khởi công năm 2011 gồm 13 km đường sắt đi trên cao, 1,7 km ra vào khu depot, 12 nhà ga... Theo kế hoạch, dự án hoàn thành năm 2016 nhưng bị chậm tiến độ, nên chỉ chạy thử nghiệm vào cuối năm nay và khai trương vào quý 2-2018. Hiện các nhà ga trên tuyến bước vào phần thi công nội thất và chuẩn bị lắp đặt hệ thống thiết bị.

Đoàn tàu chạy tốc độ tối đa 80 km/giờ; tốc độ trung bình 35 km/giờ. Khoảng cách trung bình giữa các ga là 1,1 km. Thời gian di chuyển tổng cộng 13 km vào khoảng 25 phút.

Dự án có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD vào năm 2008. Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD (gồm 169 triệu USD vay ưu đãi, lãi suất 3% và 250 triệu USD vay ưu đãi bên mua 4%), vốn đối ứng Việt Nam là 133,86 triệu USD.

Đến năm 2016, tổng mức đầu tư của dự án tăng lên 868,04 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD). Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là 669,62 triệu USD (tăng 250,62 triệu USD), vốn đối ứng Việt Nam là 198,42 triệu USD (tăng 64,56 triệu USD).

Clip: ”Siêu cẩu” đưa toa tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông lên đường ray

Cẩu 250 tấn khớp nối với xe vận chuyển toa tàu nặng 32 tấn phải đúng vị trí. Móc nối cáp, nhấc toa tàu, hạ toa tàu,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Duẩn (Người lao động)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN