Đụng độ đẫm máu gần Crimea trước ngày bỏ phiếu

Theo BBC, đã có 2 người thiệt mạng và 5 người bị thương trong vụ đụng độ giữa phe ủng hộ Ukraine và những người thân Nga trong thành phố Kharkiv, phía Đông của Ukraine.

Trước đó, Hoa Kỳ và Nga đã không thể thống nhất phương án giải quyết khủng hoảng tại bán đảo Crimea thuộc Ukraine, trước thềm cuộc trưng cầu dân ý sắp diễn ra tại đây vào ngày 16/3.

Nga đã tuyên bố sẽ tôn trọng kết quả cuộc trưng cầu dân ý, vốn bị Hoa Kỳ gọi là bất hợp pháp.

Moscow đã siết chặt lực lượng quân sự trên bán đảo Crimea - nước cộng hòa tự trị phía Nam Ukraine - nơi các cử tri sẽ lựa chọn ở lại Kiev hay sáp nhập vào Nga.

Đụng độ đẫm máu gần Crimea trước ngày bỏ phiếu - 1

Cuộc đụng độ đẫm máu giữa hai phe đối lập tại Kharkiv

Vụ bạo lực mới nhất được cho là bắt đầu tại Quảng trường Svoboda của Kharkiv vào tối thứ Sáu, 14/3, và sau đó chuyển hướng đến một trụ sở của phe ủng hộ chính phủ Ukraine trong thành phố.

Các nhân chứng cho biết, những người ủng hộ Nga đã tìm cách tấn công những người biểu tình đối lập đang trấn thủ trong tòa nhà. Thống đốc vùng Kharkiv, ông Ihor Baluta, đã gọi vụ việc là động thái gây "kích động". Hai phe đối lập đổ lỗi cho nhau về việc châm ngòi cho vụ đụng độ. Một cuộc điều tra hình sự đã được tiến hành.

Vụ đụng độ này xảy ra sau khi cuộc đụng độ giữa hai phe ủng hộ và chống Nga cũng đã xảy ra tại Donetsk, một thành phố khác nằm ở phía Đông Ukraine, khiến ít nhất 1 người thiệt mạng.

Ukraine cáo buộc Nga sử dụng những kẻ gây kích động để châm ngòi cho bất ổn ở khu vực biên giới phía Đông. Moscow đã bác bỏ cáo buộc này và tuyên bố sẽ bảo vệ "những người đồng hương" trước lực lượng cánh hữu cực đoan.

Cũng trong ngày thứ Sáu (14/3), Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và người đồng cấp từ phía Nga, Sergei Lavrov, đã không thể thống nhất cách giải quyết khủng hoảng hiện nay tại Ukraine.

Sau cuộc đối thoại dài 6 tiếng đồng hồ tại London, ông Lavrov nói cả hai bên "không tìm được điểm chung" về vấn đề này. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng cuộc nói chuyện đã "mang tính xây dựng". Ông Lavrov nhấn mạnh Moscow sẽ "tôn trọng nguyện vọng của người dân Crimea".

Trong khi đó, ông Kerry, người miêu tả cuộc nói chuyện là "thắng thắn và khách quan", nói Hoa Kỳ thừa nhận những "lợi ích chính đáng" của Nga tại Ukraine. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng Washington vẫn không thay đổi quan điểm về cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea và sẽ không thừa nhận kết quả của nó.

Ông Kerry phát biểu, người đồng nhiệm phía Nga đã nói rõ rằng Tổng thống Vladimir Putin chưa sẵn sàng đưa ra bất cứ quyết định nào trước khi cuộc bỏ phiếu tại Crimea được hoàn tất. Ông Kerry cũng đã nói với ông Lavrov rằng Nga sẽ phải đối mặt với hậu quả nếu "không tìm cách chuyển hướng".

Cả Hoa Kỳ và EU đã cảnh báo sẽ áp đặt những lệnh cấm vận nghiêm khắc nhằm vào Moscow.

Hành động can thiệp quân sự của Nga vào Crimea, nơi vốn là lãnh thổ của nước này trước năm 1954, bắt đầu kể từ khi Tổng thống thân Nga của Ukraine, ông Vikto Yanukovych, bị truất quyền ngày 22/2.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Bình (Theo BBC) ([Tên nguồn])
Khủng hoảng chính trị tại Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN