Dự thảo Luật: Công an được nổ súng không cần cảnh báo trong 6 trường hợp

Sự kiện: Thời sự

Bộ Công an đề xuất người thi hành nhiệm vụ được nổ súng vào đối tượng không cần cảnh báo trong 6 trường hợp.

Chỉ sử dụng vũ khí quân dụng khi không còn biện pháp nào khác

Mới đây, Bộ Công an đã trình Quốc hội dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, và cá nhân.

Theo đó, dự thảo Luật này chỉnh lý, bổ sung một số nội dung, đồng thời đề xuất quy định mới về sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao; về thẩm quyền, điều kiện, thủ tục tiếp nhận và quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cho, tặng, viện trợ...

Người thi hành nhiệm vụ chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác. Ảnh minh họa TPO

Người thi hành nhiệm vụ chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác. Ảnh minh họa TPO

Tại Điều 20, dự thảo Luật quy định về những đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, gồm: Quân đội nhân dân; Dân quân tự vệ; Cảnh sát biển; Công an nhân dân; Cơ yếu; Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Kiểm lâm, Kiểm ngư; An ninh hàng không; Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan.

Về nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng, Điều 24 quy định, khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, việc sử dụng vũ khí quân dụng phải tuân theo nguyên tắc sau:

Phải căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà đối tượng thực hiện để quyết định việc sử dụng vũ khí quân dụng.

Chỉ sử dụng vũ khí quân dụng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc sử dụng vũ khí quân dụng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được sử dụng ngay.

Không sử dụng vũ khí quân dụng khi biết rõ đối tượng là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

Trong mọi trường hợp, người sử dụng vũ khí quân dụng phải hạn chế thiệt hại do việc sử dụng vũ khí quân dụng gây ra.

6 trường hợp được nổ súng không cần cảnh báo

Tuy nhiên, tại Điều 25 của dự thảo Luật quy định về các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự.

Tại khoản 2, Điều 25 quy định, người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng vào đối tượng không cần cảnh báo trong trường hợp sau đây:

Thứ nhất, đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, giết người, bắt cóc con tin hoặc đang trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ khi vừa thực hiện xong hành vi phạm tội đó;

Thứ hai, đối tượng sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển hoặc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ;

Thứ ba, đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc uy hiếp trực tiếp đến an toàn của đối tượng cảnh vệ, công trình quan trọng về an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật;

Thứ tư, đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác;

Thứ năm, đối tượng đang trực tiếp thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ;

Thứ 6, được nổ súng vào động vật đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Giang ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN