Điểm đặc biệt về tội mà ông chủ Nhật Cường Mobile bị khởi tố

Sự kiện: Tin nóng

Bùi Quang Huy - tổng giám đốc Nhật Cường Mobile, cùng 8 bị can bị khởi tố về hai tội, trong đó có tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Như đã đưa tin, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Bùi Quang Huy (45 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường – Nhật Cường Mobile) và 8 người khác về các tội buôn lậu (theo khoản 4 điều 188 BLHS năm 2015), vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (theo khoản 3 điều 221 BLHS năm 2015).

Quyết định khởi tố được tống đạt sau đúng một tuần cơ quan công an đồng loạt khám xét các cơ sở của Nhật Cường Mobile trên địa bàn TP Hà Nội.

Điểm đặc biệt về tội mà ông chủ Nhật Cường Mobile bị khởi tố - 1

Bị can Bùi Quang Huy (ảnh nhỏ)

Vụ án trên đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, trong đó có vấn đề về tội danh mà CQĐT khởi tố đối với 9 bị can nói trên.

Cụ thể, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng chính là một trong chín tội danh đã được cụ thể hóa trong BLHS năm 2015 (sửa đổi năm 2017) so với BLHS năm 1999 (sửa đổi năm 2009).

Theo đó, kể từ ngày BLHS năm 2015 có hiệu lực, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng sẽ không còn. Thay vào đó là chín tội danh đã được cụ thể hóa, nằm trong Mục 3 Chương 18, từ Điều 217 đến Điều 234. Trong số này có tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Luật sư (LS) Trương Anh Tú, Đoàn LS TP Hà Nội, cho rằng trước đây, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng từng được coi như là một cái “túi” để xử lý tất cả những trường hợp mà cơ quan tố tụng không thể hoặc không muốn xử lý người phạm tội về những tội phạm khác. Điều này vô hình trung làm cho mọi cá nhân, tổ chức không dám đi đầu, phát huy sáng kiến, thúc đẩy sản xuất kinh doanh vì sợ vướng vào tội trên.

Trong một nền kinh tế thị trường phát triển lành mạnh, pháp luật cần phải rõ ràng để phát huy hết nguồn lực của mỗi cá nhân, tổ chức. Nhà nước cần xây dựng hành lang pháp lý để người dân được quyền làm những điều pháp luật không cấm.

Do vậy, BLHS năm 2015 đã quy định cụ thể về nhiều tội danh xâm phạm trật tự quản lý kinh tế thuộc các nhóm lĩnh vực: sản xuất, kinh doanh, thương mại; thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; lĩnh vực kinh tế khác. Trong đó có tội vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

“Theo quan sát của tôi, đây là một trong những trường hợp đầu tiên cơ quan pháp luật khởi tố vụ án với tội danh này, kể từ khi luật có hiệu lực” – LS Tú nhận định.

Điều 221. Tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng

3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Điều 188. Tội buôn lậu

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;

c) Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. 

Bị khởi tố 2 tội, Tổng Giám đốc Nhật Cường Mobile đối diện khung hình phạt nào?

Với việc bị khởi tố 2 tội danh “Buôn lậu” và tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, Tổng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo T.Phan ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN