"Đi Tây" chữa bệnh rồi về “khắc phục hậu quả”

Không ít người bỏ ra một số tiền lớn để ra nước ngoài chữa bệnh nhưng không khỏi mà còn bị biến chứng và phải về nước để điều trị tiếp.

Chi phí cho một chuyến xuất ngoại chữa bệnh có thể lên tới hàng tỉ đồng, thậm chí nhiều hơn nếu đó là những ca ghép tạng hoặc điều trị ung thư. Nhiều người giàu có thể sẵn sàng bỏ ra số tiền ấy để tìm lại sức khỏe nhưng cũng không ít người phải bán đi cả gia sản để có đủ tiền ra nước ngoài chữa bệnh.

“Vái tứ phương” không dễ

Mắc phải căn bệnh ung thư máu, chị Nguyễn Thu Y. (42 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Nam) chẳng hề đắn đo khi gom góp toàn bộ tiền tiết kiệm và cầm cố cả giấy tờ ngôi nhà 3 tầng cho ngân hàng để lấy tiền sang Singapore chữa bệnh. Chưa đầy một tháng ở xứ người, chị Y. đã tiêu tốn gần hết số tiền nhưng hy vọng sống thì vẫn mịt mờ. Theo lời khuyên của một bác sĩ ở Singapore, chị Y. đã trở về nước điều trị tại Bệnh viện (BV) Huyết học Truyền máu Trung ương.

Chỉ gặp phải những khó khăn tài chính như chị Y. vẫn còn là may mắn bởi không ít trường hợp xuất ngoại chữa bệnh đã bị tai biến rất nghiêm trọng. Câu chuyện của chị N.T.T (ngụ quận Hoàng Mai - Hà Nội) được PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức (Hà Nội), nhắc lại nhiều lần như một lời cảnh báo đối với những người có ý định xuất ngoại chữa bệnh.

Trong lần mang thai thứ ba, chị T. được chẩn đoán bị hội chứng nhau cài răng lược nên phải sinh mổ và cắt tử cung để bảo đảm an toàn tính mạng cho hai mẹ con. Thay vì ở lại trong nước, chị T. đã quyết định qua Singapore điều trị với hy vọng giữ được tử cung. Thế nhưng, sau khi sinh mổ, chị T. vẫn bị các bác sĩ ở Singapore cắt bỏ tử cung, thậm chí họ còn cắt nhầm vào niệu đạo khi mổ sinh cho chị.

"Đi Tây" chữa bệnh rồi về “khắc phục hậu quả” - 1

Chi phí cho một chuyến xuất ngoại chữa bệnh có thể lên tới hàng tỉ đồng, thậm chí nhiều hơn (Ảnh minh họa)

Muốn phục hồi cơ quan tiết niệu, gia đình chị T. phải trả thêm 35.000 đô la Singapore (khoảng hơn 500 triệu đồng theo thời giá lúc bấy giờ). Số tiền quá lớn nên chị T. đành “ôm bệnh” quay về Việt Nam và vào BV Việt Đức “khắc phục hậu quả”. Chỉ sau 2 ngày nhập viện, chị T. đã được các bác sĩ của BV Việt Đức nối niệu quản với bàng quang, giúp phục hồi cơ quan tiết niệu chỉ với chi phí chỉ có gần 10 triệu đồng.

Rủi ro mua thận lậu ở nước ngoài

Hơn một năm chung sống với máy chạy thận, anh Đ.X.T (40 tuổi, ngụ Hà Nội) quyết định khăn gói sang Trung Quốc sau khi đã tìm được nguồn ghép thận. Theo sự giới thiệu của một người “bắt mối” cho anh T., với chi phí 1,2 tỉ đồng, anh sẽ được bao trọn gói từ lúc sang ghép thận đến khi xuất viện tại một BV lớn ở TP Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc.

Thế nhưng, sang đến nơi, anh T. mới biết nơi ghép thận chỉ là một BV huyện với cơ sở vật chất còn tệ hơn cả BV anh đang điều trị ở Việt Nam. Hơn nữa, anh T. gần như không có thông tin về người hiến thận và cũng chỉ được xét nghiệm rất sơ sài. “Bất đồng ngôn ngữ, lại trong tình trạng bệnh tật nơi đất khách quê người nên họ nói gì mình cũng chỉ lắc với gật. Khi về đến Việt Nam với quả thận mới, xét nghiệm máu cho thấy không bị bệnh tật gì thì tôi mới hết lo” - anh T. nhớ lại.

Không may mắn như anh T., chị T.A.Q (ngụ Hà Nội) vẫn phải sống chung với máy chạy thận vì chỉ chưa đầy một năm sau khi ghép thận ở Trung Quốc, quả thận mới lại “hư” và không thể hoạt động như chị kỳ vọng. Còn anh Trần Minh Q. (ngụ Quảng Ninh) thì kể trong tâm trạng bức xúc: “Mẹ tôi được phát hiện bị ung thư gan giai đoạn cuối.

Qua một văn phòng môi giới, tôi đưa mẹ đến một trung tâm lớn về chữa trị bệnh ung thư ở Singapore. Sau khi nhập viện điều trị 2 đợt, đến đợt thứ ba thì các bác sĩ cho biết khối u ở gan của mẹ tôi đã bị tiệt gần hết nhưng kết quả chụp CT cho thấy xuất hiện thêm khối u mới và tiếp tục phải điều trị bằng phương pháp “dao lạnh”. Tuy nhiên, vừa bước vào điều trị, mẹ tôi đã bị biến chứng chảy máu tại vết mổ, phải đưa vào hồi sức cấp cứu”.

Sau những ngày “mất ăn mất ngủ” nơi đất khách với khoản viện phí khổng lồ, anh Q. đã phải đưa mẹ về điều trị tại một BV trong nước.

(Còn nữa)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Dung - Mạnh Duy (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN