Đêm “pháo hoa” đặc biệt trong ngày 30/4

Sự kiện: Thời sự

Đại đội 4 (Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203) là đơn vị đầu tiên chiếm Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975, về sau được phong danh hiệu Anh hùng. Nhưng có chuyện còn ít được biết là trong buổi tối ngày 30/4 lịch sử đó, đơn vị này đã có màn mừng chiến thắng độc đáo bằng loạt pháo sáng tại Cảng Sài Gòn.

Đêm “pháo hoa” đặc biệt trong ngày 30/4 - 1

Người dân vây quanh Dinh Độc Lập đón mừng đoàn quân chiến thắng Ảnh minh họa

Cảm xúc dưới cờ chiến thắng

Gần đây, tôi có dịp gặp đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt, Trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh Đại đội 4, một nhà văn chuyên viết về “lính tăng”. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, anh là chiến sĩ lái xe tăng 380 của Đại đội 4, cùng đơn vị với xe tăng 390 và 843, hai chiếc xe tăng đầu tiên chiếm Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Nhắc lại khoảnh khắc lịch sử năm xưa, đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt cho biết: Sau khi xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập, rồi đại đội trưởng đại đội 4, trưởng xe tăng 843 Bùi Quang Thận lên nóc Dinh cắm cờ chiến thắng, thì chỉ ít phút sau các xe tăng khác của đại đội 4 cũng lần lượt vào Dinh. Lúc này, nhìn biểu tượng chiến thắng tung bay trên nóc Dinh, các cán bộ, chiến sĩ đại đội 4 đều nhận ra đó chính là lá cờ được cắm trên tháp pháo các xe tăng của đại đội từ ngày đầu tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn.

Thấy cờ chiến thắng tung bay, các kíp xe tăng của Đại đội 4 đều trào dâng cảm xúc. Họ bắt đầu xuống xe, ôm choàng lấy nhau trong niềm vui chiến thắng. Sau đó, theo lệnh của chỉ huy, các lái xe và pháo thủ số hai của các kíp xe phải ở bên ngoài để bảo vệ xe của mình, còn lại vào trong Dinh.

Ở bên ngoài giữ xe, người lính trẻ Nguyễn Khắc Nguyệt vẫn lâng lâng cảm xúc. Anh biết kể từ giờ phút này chiến tranh đã chấm dứt, những người lính đã hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng để đến được Dinh Độc Lập, cây số cuối cùng của cuộc trường chinh giải phóng đất nước, biết bao người, trong đó có những đồng đội của anh đã hy sinh. Nước mắt ứa ra, người lính trẻ vội móc cuốn sổ tay luôn mang theo bên người, nay đã rách te tua để ghi vội dòng cảm xúc: “Khi chiếc xe dừng trước Dinh Độc Lập/Ta ngỡ ngàng - đây thật hay mơ?/Cây số cuối cùng - cuộc trường chinh dằng dặc/Đến rồi chăng? Hai mắt bỗng dưng nhòa”.

Đêm “pháo hoa” đặc biệt trong ngày 30/4 - 2

(Từ trái sang)  Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt (thứ nhất), đại tá Bùi Quang Thận (thứ sáu) và cựu pháo thủ xe tăng 390 Ngô Sĩ Nguyên (thứ 9) và những thành viên khác của hai kíp xe tăng 390 và 843 trong một cuộc gặp năm 2009

Màn pháo sáng độc đáo

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt cho biết, khoảng 2 giờ chiều 30/4, sau khi tình hình ở Dinh Độc Lập đã trở lại bình thường, Đại đội 4 được giao nhiệm vụ đến giữ cảng Sài Gòn. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận tập hợp đội hình và tổ chức cho đơn vị tiến về phía cảng.

Lúc này, quảng trường trước cửa Dinh Độc Lập vẫn rất đông người dân tới đây để mừng ngày thống nhất đất nước. Từ Dinh Độc Lập đi ra, đoàn xe tăng Đại đội 4 phải nhích rất chậm vì người dân đứng chật kín để vẫy chào, tặng hoa…, nên một lúc sau mới ra được khỏi đám đông để tiến về cảng Sài Gòn. Khu vực cảng lúc này chỉ còn vài chiếc xe du lịch đỗ rải rác, dưới sông còn một chiếc tàu vận tải nhỏ đỗ tại cầu tàu, trong khi tại nhà kho còn rất nhiều hàng hóa. Đại đội 4 nhanh chóng đóng cửa cảng để canh giữ. Sau đó, khi kiểm soát tình hình đi lại trên sông, đơn vị thấy hai chiếc tàu kiểu sà lan tự hành chạy từ phía hạ lưu lên nên ra lệnh cho tàu cập vào cầu cảng. Chủ tàu vội chấp hành, rồi lên bờ báo cáo đây chỉ là tàu dân sự nhưng bị chính quyền trưng dụng đi phục vụ chuyển quân. Nay lính đã bỏ chạy hết nên chủ tàu mới dám đưa tàu về nhà, dù trên tàu vẫn còn một số vũ khí mà chưa biết xử lý ra sao. Sau khi kiểm tra giấy tờ thấy đúng như chủ tàu nói, Đại đội 4 yêu cầu họ cho chuyển hết vũ khí lên bờ, kể cả hai hòm pháo sáng để trên góc ca bin.

Đêm “pháo hoa” đặc biệt trong ngày 30/4 - 3

Đại đội 4 vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975

Chỉ trong thời gian ngắn, Đại đội 4 đã làm chủ cảng Sài Gòn. Sở dĩ mọi việc diễn ra nhanh vì sau lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh trước đó vài giờ, Sài Gòn đã hoàn toàn được giải phóng. Buổi tối, sau khi ăn cơm xong, đại đội trưởng Bùi Quang Thận nhận lệnh và cho biết: “Hòa bình rồi các đồng chí ạ”.

Cả đơn vị cùng nhau ra cầu cảng ngồi, được hít thở bầu không khí hòa bình trong buổi tối đầu tiên khiến mọi người đều lâng lâng với niềm vui khó tả. Chợt nhớ tới hai hòm pháo sáng thu được buổi chiều, Nguyễn Khắc Nguyệt bèn đề xuất: “Hòa bình rồi, đại trưởng cho bắn pháo sáng mừng chiến thắng nhé!”. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận đồng ý: “Hoàn thành nhiệm vụ rồi. Bao năm mới có hòa bình hôm nay, không mừng sao được. Số lượng pháo sáng có bao nhiêu nhỉ?”. “Ba hòm cả thảy, tổng cộng 120 quả, đại trưởng ạ”.

Sở dĩ Nguyễn Khắc Nguyệt nói vậy vì vào ngày 29/4, khi tiến đánh ngã ba Thái Lan tại Long Thành (Đồng Nai), kíp xe của anh đã thu được một hòm pháo sáng trong chiếc xe tăng M113 của địch bỏ lại trên đường. Hòm pháo sáng này tương tự hai hòm pháo sáng vừa thu được, mỗi hòm có bốn mươi quả. Mỗi quả pháo sáng có vỏ bên ngoài bằng ống nhôm rất an toàn, khi sử dụng chỉ cần tháo nắp đậy và dập nhẹ xuống đất thì pháo sáng sẽ vọt lên không, chiếu sáng một vùng.

“Chúng tôi coi màn pháo sáng mừng hòa bình tối 30/4/1975 là màn pháo hoa đẹp nhất trong đời”.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt

Được đại đội trưởng đồng ý, ba hòm pháo sáng được mang đến, chia cho mỗi thành viên đơn vị vài quả. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận bảo: “Tất cả mở nắp ra, đợi lệnh của tớ thì cùng phát pháo sáng nhé”. Thế là sau hiệu lệnh, nhiều quả pháo sáng bay vút lên không trung, nở bừng trên bầu trời tím sẫm. Nhờ có dù, nên pháo sáng lơ lừng trên không vài phút, khiến một góc Sài Gòn bừng sáng. Cả Đại đội 4 sung sướng ngước nhìn pháo sáng, cùng nhau reo hò đến rát cổ họng.

Khi loạt pháo sáng đầu chưa tắt hẳn, loạt thứ hai lại được bắn lên. Bỗng một chiến sĩ có ý kiến: “Có lẽ phải bắn từ từ thôi, thế này mau hết lắm”. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận đồng ý, nói: “Bây giờ anh em ngồi thành vòng tròn, bắt đầu từ tớ rồi lần lượt từng người tiếp theo phát pháo sáng nhé”. Những quả pháo sáng lại tiếp tục nối nhau tỏa sáng trên bầu trời. Tiếng hò reo lại tiếp tục vang lên từng đợt từ những lồng ngực trẻ. “Khi loạt pháo sáng đầu phát lên không trung, ngoài phố đối diện cổng cảng cũng vang lên tiếng hò reo hưởng ứng của nhân dân và những người chứng kiến. Đợt pháo sáng mừng chiến thắng của đơn vị chúng tôi kéo dài gần nửa giờ mới kết thúc”- đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt cho biết.

Trong một lần gặp, tôi từng hỏi anh Ngô Sĩ Nguyên, cựu pháo thủ số 1 xe tăng 390 (xe tăng đầu tiên húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập) về màn pháo sáng mừng chiến thắng của đơn vị năm xưa, thì anh hào hứng cho biết: “Đó là màn ăn mừng độc đáo mà chúng tôi không thể quên trong một ngày đặc biệt. Nó tựa như giấc mơ vậy”. Còn đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt kết lại câu chuyện vừa kể: “Chúng tôi coi màn pháo sáng mừng hòa bình tối 30/4/1975 là màn pháo hoa đẹp nhất trong đời”.

Những người tiếp quản kho vàng trong ngày giải phóng

Tiếp cận khối lượng vàng, tiền khổng lồ họ vui mừng nhưng mắt đỏ hoe, mong muốn hòa bình, thống nhất đã thành hiện...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo KIẾN NGHĨA ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN