Đêm nay, mưa sao băng lớn nhất trong năm

Trận mưa Sao băng này mang tên Geminids, có mật độ sao băng lên tới trên 50 vệt mỗi giờ, tức là gần 1 vệt mỗi phút. Năm nay, Trăng non đầu tháng rơi vào đúng ngày 13/12 nên rất thuận lợi cho việc quan sát Sao băng khi không có ánh Trăng.

Khác với phần lớn các trận mưa sao băng khác có nguồn gốc từ khí bụi sao chổi, Geminids bắt nguồn từ một thiên thạch có tên là Phaeton. Đây là một thiên thạch cỡ 5km, có quỹ đạo lạ thường, nó có lúc tiến đến rất gần Mặt trời (21 triệu km, bằng 14% khoảng cách Trái đất – Mặt trời). Chính vì vậy nó được mang tên Phaeton, con của thần Mặt trời Helios trong thần thoại Hy Lạp.

Đêm nay, mưa sao băng lớn nhất trong năm - 1

Các vệt Sao băng Geminids

Mãi đến năm 1983, Phaeton mới được phát hiện. Đó là vì mặc dù có quỹ đạo lệch tâm rất giống một sao chổi, thiên thạch này lại cấu tạo chủ yếu bằng đá thay vì băng, nên nó không để lại vệt dài như các sao chổi và trở nên khó phát hiện. Các nhà khoa học cho rằng, có thể Phaeton là một mảnh vỡ của sao chổi.

Đêm nay, mưa sao băng lớn nhất trong năm - 2

Quỹ đạo của thiên thạch Phaeton

Với mật độ cao, các vệt Sao băng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên bầu trời. Tuy vậy, phần lớn chúng đều hướng ra từ chòm sao Song Tử (Geminids). Vì vậy, thời điểm quan sát tốt nhất là khi chòm sao này mọc lên cao gần đỉnh đầu, tức là khoảng 2h ngày mai.

Đêm nay, mưa sao băng lớn nhất trong năm - 3

Tâm phát sao băng ở trong chòm sao Song Tử

Không cần bất cứ dụng cụ bắt buộc nào để có thể quan sát mưa Sao băng. Tất cả những việc phải làm chỉ đơn giản là nằm ngửa trên ghế dựa hoặc túi ngủ để có tầm nhìn bao quát bầu trời và chờ đợi. Vì sao băng xuất hiện rất nhanh và ở bất cứ đâu, nó chỉ dành cho những người kiên nhẫn. Có người nói xem mưa Sao băng giống như câu cá, niềm vui là khi chờ đợi và tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên; đồng thời hy vọng sẽ thu được điều gì đó trong khoảnh khắc.

Để buổi quan sát diễn ra tốt đẹp, bạn nhớ mặc ấm để tránh gió lạnh và sương. Phải chọn địa điểm quan sát thật tối, tránh ánh sáng chói và để mắt mở rộng, quen dần với bóng tối trước khi quan sát. Thời tiết có lẽ là yếu tố quan trọng nhất. Trời phải không có mây và không khí càng khô thì bầu trời càng trong, càng dễ quan sát.

Sao Mộc sẽ là thiên thể sáng nhất bầu trời đêm hôm đó, nằm ở phía Tây. Nếu bạn nán lại đến bình minh, từ 4 giờ, lần lượt Sao Thổ, Sao Kim, Sao Thuỷ mọc lên từ chân trời Đông, trước khi những tia nắng đầu tiên của ngày mới xoá đi tất cả.

Đây là sự kiện thiên văn lớn cuối cùng trong năm 2012, một năm với nhiều sự kiện thiên văn thú vị. Năm 2013 cũng hứa hẹn nhiều sự kiện hấp dẫn khác. Trong đó gần nhất là mưa Sao băng Quadrantids diễn ra vào đầu tháng 1 và được mong chờ nhất là hiện tượng Nhật thực hỗn hợp diễn ra vào ngày 3/11.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vũ Lộc (Kiến Thức)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN