Rạng sáng 14/12: Mưa sao băng đẹp nhất trong năm

Geminids - trận mưa sao băng đẹp nhất trong năm 2012 - sẽ đạt cực điểm vào sáng sớm 14/12 theo giờ VN.

Năm nay, thời điểm diễn ra mưa sao băng trùng với trăng non, khá thuận lợi để quan sát. Bạn có thể bắt đầu quan sát ngay khi màn đêm buông xuống vào tối 13/12 đến rạng sáng 14/12 (hoặc lân cận khoảng thời gian này), khi chòm Gemini bắt đầu mọc lên cao ở phía chân trời đông (sau 8g tối 13/12) gần chòm sao Orion nổi tiếng với ba ngôi sao thẳng hàng ở thắt lưng.

Rạng sáng 14/12: Mưa sao băng đẹp nhất trong năm - 1

Một sao băng rực rỡ từ trận mưa sao băng Geminids được nhìn thấy ở California, Mỹ năm 2009 - Ảnh: NASA

Từ khoảng sau 2g đến rạng sáng 14/12, khi chòm Gemini ở gần đỉnh đầu, bạn có thể quan sát nhiều sao băng với tần suất tăng dần, lên đến 120 sao băng/giờ (nếu điều kiện quan sát lý tưởng), bởi lúc này Gemini đã lên cao và không bị lớp mây và khí quyển dày gần chân trời che mất.

Theo dự báo của Tổ chức Sao băng quốc tế (IMO), tần suất của Geminids trong điều kiện tối ưu có thể xấp xỉ 120 sao băng/giờ.

Để quan sát mưa sao băng tốt nhất, hãy chú ý đến thời tiết và lượng mây cũng như sương mù, vì chúng là "khắc tinh" của sao băng. Chỉ quan sát khi bầu trời quang đãng hoặc gợn mây rất nhẹ, đừng phí thời gian với bầu trời đỏ rực đầy mây.

Càng tránh xa ánh sáng đô thị, bạn càng có thể trông thấy nhiều sao băng. Ngoài ra hãy nhớ mưa sao băng không phải là sao băng nhiều như mưa, mà có lúc bạn sẽ không thấy vệt sao băng nào và có lúc sẽ thấy nhiều vệt sao xuất hiện cùng lúc. Bên cạnh đó nên chú ý giữ ấm, nhất là trong tiết trời đông này.

Rạng sáng 14/12: Mưa sao băng đẹp nhất trong năm - 2

Một sao băng từ trận mưa sao băng Geminids được nhìn thấy bên trên sa mạc Mojave, Mỹ năm 2009 - Ảnh: Nationalgeographic

Geminids bắt đầu xuất hiện từ giữa thế kỷ 19 kéo theo sự bí ẩn về nguồn gốc của nó. Mãi đến năm 1983, bí ẩn này mới được NASA làm sáng tỏ khi tìm ra vật thể 3200 Phaethon - được cho là “kẻ” đã gây ra Geminids.

Vật thể Phaethon có đường kính khoảng 5km, cấu tạo chủ yếu từ vật chất rắn và một ít băng đá, chính vì thế nó giống một tiểu hành tinh hơn là sao chổi. Các nhà khoa học tin rằng Phaethon chính là phần nhân của một sao chổi nào đó còn sót lại sau những cuộc hành trình của nó và bị gió mặt trời thổi hết lớp đá băng bên ngoài.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Duy (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN