Đề xuất nam giới nghỉ thai sản 1 tháng

Sự kiện: Thời sự

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam và Tiểu ban phụ nữ trong kinh doanh đề xuất Bộ LĐ-TB&XH sửa quy định nghỉ thai sản của nam giới từ 5-14 ngày lên tối thiểu 30 ngày.

Vừa qua, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Tiểu ban phụ nữ trong kinh doanh (WIB SC) đã đề xuất Bộ LĐ-TB&XH điều chỉnh tăng thời gian nghỉ thai sản của nam giới trong Luật BHXH (sửa đổi).

Tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam

Theo hai đơn vị này, Luật BHXH hiện hành quy định nam giới được nghỉ chế độ thai sản 5-14 ngày tùy từng trường hợp. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi cha và mẹ được hưởng thời gian nghỉ thai sản bình đẳng sau khi sinh con, đứa trẻ không chỉ phát triển tốt hơn mà còn đảm bảo bình đẳng giới trong xã hội, giúp giảm khoảng cách tiền lương theo giới tính.

“Mặc dù sáu tháng nghỉ thai sản dành cho phụ nữ ở Việt Nam là vô cùng cần thiết cho sức khỏe của mẹ và con nhưng khả năng nó lại là rào cản cho các ứng viên nữ so với các ứng viên nam. Cụ thể, các doanh nghiệp có thể tìm cách giảm chi phí trả lương nghỉ thai sản bằng việc giảm cơ hội nghề nghiệp cũng như đưa ra mức lương khởi điểm thấp hơn cho ứng viên nữ khi tuyển dụng. Điều này có thể được cân bằng nếu tăng số ngày nghỉ thai sản đối với người cha tương đương với người mẹ” - đại diện EuroCham cho hay.

Một số nghiên cứu cho rằng nếu cả mẹ và cha đều có thời gian nghỉ thai sản như nhau sẽ chăm sóc tốt hơn cho con nhỏ. Ảnh: VIẾT LONG

Một số nghiên cứu cho rằng nếu cả mẹ và cha đều có thời gian nghỉ thai sản như nhau sẽ chăm sóc tốt hơn cho con nhỏ. Ảnh: VIẾT LONG

Hiện Phần Lan đã nhận ra vấn đề nêu trên và tiến hành một cuộc cải cách về thời gian nghỉ thai sản bình đẳng cho cả cha và mẹ. Theo đó, cả hai sẽ được hưởng 160 ngày nghỉ phép có lương và đều hưởng quyền như nhau trong những ngày nghỉ này. Dẫn chứng từ thông báo của Ngân hàng Thế giới, đại diện hai đơn vị cho rằng mỗi em bé sẽ nhận được sự chăm sóc và điều kiện phát triển tốt nhất khi cả cha và mẹ đều được nghỉ phép sáu tháng.

Với những phân tích trên, EuroCham và WIB SC nhận thấy việc tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới ở Việt Nam từ 5-14 ngày lên sáu tháng là cần thiết. “Vấn đề là nếu tăng quá nhanh có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc thích nghi ban đầu. Do đó, chúng tôi đề nghị tăng dần thời gian nghỉ thai sản cho nam vào trong dự luật Luật BHXH lần này theo hướng trước mắt tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới lên tối thiểu một tháng…” - hai đơn vị đồng thời đề xuất.

Nhiều rủi ro cho quỹ bảo hiểm

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về đề xuất trên, ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết thời gian qua Quỹ thai sản có mức thu chi ngang nhau. Nếu tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới mà không đi đôi với tăng tiền đóng vào quỹ thì chắc chắn không đảm bảo được khả năng cân đối nguồn quỹ trong ngắn hạn. “Trường hợp tăng đóng vào quỹ sẽ không khả thi khi đặt trong bối cảnh kinh tế - xã hội đang có nhiều khó khăn” - ông Cường nêu.

Vụ phó Vụ BHXH cho rằng theo quy định hiện nay lao động nam cũng có nhiều quyền lợi trong chính sách thai sản. Ngoài được nghỉ 5-14 ngày khi vợ sinh con, trong trường hợp đặc biệt như người vợ không đủ sức khỏe chăm sóc cho con thì lao động nam cũng được nghỉ và hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ sáu tháng tuổi.

Về đề xuất bổ sung quy định người lao động tham gia BHXH tự nguyện khi sinh con được hưởng trợ cấp thai sản 2 triệu đồng do ngân sách nhà nước đảm bảo, ông Cường cho hay hiện người đóng BHXH tự nguyện đang được hưởng hai chế độ dài hạn là hưu trí và tử tuất. Không được hưởng các chế độ như ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp như người tham gia BHXH bắt buộc.

“Chính vì vậy mà chính sách BHXH hiện hành còn kém hấp dẫn với những người tham gia tự nguyện. Việc họ được hưởng chế độ thai sản mà không phải đóng thêm tiền vào quỹ là một ưu điểm, tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện, nhằm thu hút người dân, đặc biệt là nhóm lao động trẻ tuổi tham gia” - ông Cường nhận định.

Còn lý do không đưa chế độ ốm đau vào chính sách BHXH tự nguyện, ông Cường lý giải: “Theo khảo sát, người lao động khu vực phi chính thức có mức thu nhập không ổn định. Nếu thêm chế độ hưởng sẽ phải bổ sung trách nhiệm đóng, với nhiều người thì điều này sẽ khó khăn”.

Theo Thông tư 59/2015/TT-BLDTBXH hướng dẫn Luật BHXH về BHXH bắt buộc, lao động nam đóng BHXH từ đủ sáu đến 12 tháng trước khi vợ sinh con sẽ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản cho nam giới có vợ sinh con. Cụ thể: Năm ngày làm việc với sinh thường một con; bảy ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi; 10 ngày làm việc với trường hợp sinh đôi, từ sinh ba thì thêm mỗi con được nghỉ thêm ba ngày làm việc, tối đa không quá 14 ngày làm việc.

Trong quý I-2023, cả nước có khoảng 17,442 triệu người tham gia BHXH. Trong đó, BHXH bắt buộc khoảng 15,978 triệu người, BHXH tự nguyện khoảng 1,4 triệu người. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 14,270 triệu người.

Nguồn: [Link nguồn]

Nghỉ thai sản, ốm đau có được hỗ trợ tiền thuê nhà?

Người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản hay nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau thuộc đối tượng được hỗ trợ tiền thuê nhà…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Viết Long ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN