Đề xuất đổi tên Lễ hội “chém lợn” thành “rước lợn”

Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tỉnh Bắc Ninh đề nghị lấy ý kiến cộng đồng dân cư về việc đổi tên Lễ hội chém lợn thành Lễ hội rước lợn.

Ngày 27.1, Tổ chức Động vật châu Á đề nghị chấm dứt Lễ hội chém lợn ở thôn Ném Thượng, xã Khắc Niệm (TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Tổ chức này bày tỏ lo ngại nghi thức “chém lợn” tác động tiêu cực đối với xã hội về nhiều mặt. Trong đó, ảnh hưởng xấu tới tâm lý của những người chứng kiến và tác động xấu tới ngành du lịch cũng như hình ảnh của Việt Nam.

Ngày 30.1, Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tỉnh Bắc Ninh có công văn gửi UBND TP. Bắc Ninh về việc quản lý Lễ hội Chém lợn.

Sở này cho biết, trong các năm 2013, 2014, việc tổ chức lễ hội làng Ném Thượng đã được điều chỉnh thay đổi. Trong đó, coi trọng việc xây dựng kế hoạch, tổ chức lễ hội theo đúng quy định, đúng nghi thức truyền thống, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, đoàn kết toàn dân.

Điều chỉnh tục “chém lợn” giữa sân đình vào một khu vực dành riêng để làm cỗ ngọc tế thánh; hạn chế người dân dùng tiền nhúng vào máu lợn...

Đề xuất đổi tên Lễ hội “chém lợn” thành “rước lợn” - 1

Sau phần tế, rước thì làm cỗ ngọc tế thánh (không thực hiện nghi lễ chém lợn)

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng có đưa tin về việc Tổ chức động vật Châu Á phản ánh tục “chém lợn” gây bức xúc dư luận.

Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tỉnh Bắc Ninh đề nghị UBND Thành phố Bắc Ninh chỉ đạo lễ hội năm 2015 thực hiện tốt việc tế, rước, lễ theo nghi thức truyền thống. Sau phần tế, rước thì làm cỗ ngọc tế thánh (không thực hiện nghi lễ chém lợn).

Không để tình trạng người dân sử dụng tiền nhúng vào máu lợn. Lấy ý kiến cộng đồng dân cư về việc đổi tên Lễ hội chém lợn thành Lễ hội rước lợn.

Trao đổi với phóng viên chiều 5/2, ông Nguyễn Tử Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho hay, trước nhiều ý kiến trái chiều, Lễ hội có thể cải tiến dần, giảm bớt hình ảnh người ngoài cho là phản cảm. Trong đó có nghi lễ “chém lợn” (dùng đao chém đứt đôi con lợn – PV).

Ông nhấn mạnh, lễ hội này chỉ bỏ phần “chém lợn”, còn các nghi lễ khác như tế, lễ, rước, chia lộc... vẫn diễn ra như nghi thức truyền thống. Cụ thể, sau lễ tế, rước sẽ chuyển sang “thịt lợn” chia lộc cho cho bà con trong làng, thay vì “chém lợn” như trước đây.

Phó chủ tịch tỉnh Bắc Ninh cũng cho biết thêm, từ năm 2013, nghi lễ dùng đao “chém lợn” đã chuyển sang “thịt lợn”. Thay vì “chém lợn" ở sân đình làng, nghi lễ được tổ chức trong lán nhỏ phía sau đình.

Giáo sư Trần Ngọc Thêm - tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Cơ sở văn hóa Việt Nam” nói về Lễ hội chém lợn:

Con lợn trong lễ chém lợn rất được coi trọng và mang tính linh thiêng. Người dân gọi một cách tôn kính là "Ông ỉn", vào ngày lễ được nhốt trong cũi hồng rước với cờ trống, lọng, kèn, đưa đi khắp làng. Đi đến đâu, người dân trong làng bày mâm cúng, góp tiền công đức đến đấy.

Người nuôi lợn được lựa chọn kỹ càng từ những người có gia đình hạnh phúc, con cháu đề huề, nuôi lợn mát tay. Người chém lợn để tế Thánh cũng được chọn từ những người khỏe mạnh, con cháu đề huề, đúng tuổi 50.

Ông lợn trong lễ hội làng Ném Thượng phải được chém một nhát đứt làm đôi trong sự hò reo của người tham gia. Thịt lợn được xem là thiêng liêng, máu lợn được xem là đem lại may mắn, sung túc, khả năng sinh sản, sức sống tràn trề, mùa màng bội thu...

Vì vậy sau mỗi khi chém lợn, người dân tranh nhau sờ vào hoặc nhúng đồ của mình vào tiết lợn để cầu may. Thịt lợn sau khi tế Thánh được chia đều cho mọi người trong làng, để cả làng được phát tài, phát lộc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Công Thọ ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN