Đề xuất cho nộp lại tiền BHXH 1 lần đã rút

Sự kiện: Thời sự

Các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng cần có chính sách cho người lao động nộp lại khoản tiền BHXH một lần đã rút, đồng thời xem xét giảm điều kiện hưởng chế độ tử tuất đối với người tham gia BHXH tự nguyện.

Trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi vừa gửi đến Quốc hội (QH) xin ý kiến, Chính phủ cho rằng dự luật này có nhiều nội dung quan trọng, trong đó chính sách BHXH một lần được đánh giá là một trong những thay đổi cơ bản.

Cho đóng lại tiền đã nhận kèm lãi

Trong góp ý vừa gửi đến Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ QH), Trường ĐH Luật (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết đã tổ chức hội thảo góp ý về dự luật này.

Trên cơ sở đó, các đại biểu cho rằng trong hai phương án mà cơ quan soạn thảo đề xuất, phương án 2 có tính khả thi cao hơn trong bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên, cần có những điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn, tương thích với quy định về thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu, hạn chế việc rút BHXH một lần nhiều lần.

Có ý kiến đề xuất cần có chính sách cho người lao động nộp lại khoản tiền BHXH một lần đã rút. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục liên quan đến các chế độ BHXH tại cơ quan BHXH TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Có ý kiến đề xuất cần có chính sách cho người lao động nộp lại khoản tiền BHXH một lần đã rút. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục liên quan đến các chế độ BHXH tại cơ quan BHXH TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Song song đó, các chuyên gia cũng đề xuất QH xem xét bổ sung quy định cho người lao động (NLĐ) hoàn trả khoản tiền BHXH một lần đã nhận, kèm theo đó một khoản tiền tạm gọi là lãi. Khoản này được tính toán tương ứng với lãi suất đầu tư của Quỹ BHXH công bố hằng năm.

997.470 là số người rút BHXH một lần năm 2022, chủ yếu là công nhân, phía Nam chiếm tới 72%, phía Bắc và miền Trung ít hơn.

Cơ chế này có thể giúp NLĐ có một số tiền để trang trải các nhu cầu, khắc phục khó khăn trong ngắn hạn. Đồng thời mở ra cơ hội để họ bảo toàn thời gian đã đóng BHXH sau khi hoàn trả khoản tiền đã nhận.

“Việc này không chỉ giúp NLĐ khi về già được hưởng lương hưu tốt hơn, mà còn giảm bớt gánh nặng an sinh xã hội cho Nhà nước. Trường hợp NLĐ không thể hoàn trả khoản tiền BHXH một lần đã nhận, xem như họ đã được giải quyết BHXH một lần, không ảnh hưởng đến việc quản lý, vận hành của BHXH…” - các chuyên gia nêu đề xuất.

Theo BHXH Việt Nam, thực tế nhiều người muốn nộp lại tiền trước đây đã rút một lần để được hưởng chế độ, song pháp luật hiện hành không cho phép. Bởi Đảng, Nhà nước luôn mong muốn NLĐ không rút BHXH một lần để sau này được hưởng lương hưu cao, được chăm sóc tốt sức khỏe khi về già. Từ đó, cơ quan soạn thảo mới đưa ra hai phương án để hài hòa lợi ích trước mắt và lâu dài cho NLĐ.

BHXH tự nguyện dần tiệm cận với BHXH bắt buộc

Theo dự thảo Luật BHXH, người tham gia BHXH tự nguyện muốn hưởng bảo hiểm tử tuất phải có thời gian tham gia đóng bảo hiểm năm năm liên tiếp. Quy định này giữ nguyên theo Luật BHXH 2014.

Liên quan đến quy định trên, trong văn bản mới gửi đến Ủy ban Xã hội của QH, Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ QH cho biết các chuyên gia, thành viên hội đồng khoa học cho rằng cần sửa quy định nhằm đảm bảo tính bình đẳng (dù chỉ tương đối) giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.

“Hiện nay bảo hiểm tử tuất của BHXH bắt buộc thì sau khi đóng nếu NLĐ chết sẽ được hưởng ngay. Tuy nhiên, với BHXH tự nguyện thì NLĐ phải đóng sau năm năm mới được hưởng bảo hiểm tử tuất. Quy định như vậy chưa thật hợp lý, khó khuyến khích NLĐ tham gia BHXH tự nguyện…” - Viện Nghiên cứu lập pháp nêu.

Đồng quan điểm, Trường ĐH Luật cũng khẳng định cần sửa quy định này theo hướng giảm điều kiện hưởng từ năm năm xuống còn một năm. Vì có như vậy mới đảm bảo tính công bằng, bình đẳng giữa một loại hình BHXH, tăng tính thu hút cho loại hình BHXH tự nguyện.

Bàn thêm về chính sách BHXH tự nguyện, Viện Nghiên cứu lập pháp cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục theo dõi, đánh giá và nghiên cứu hoàn thiện chính sách BHXH tự nguyện. Chẳng hạn, thiết kế các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn, linh hoạt để NLĐ có nhiều lựa chọn tham gia và thụ hưởng; tăng tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện, từng bước mở rộng sang các chế độ khác (ví dụ như ốm đau) dựa trên đóng góp của NLĐ.

“Nếu thấy ở thời điểm này chưa khả thi khi quy định cứng trong luật, cần xem xét trao quyền cho Chính phủ quy định mở rộng các chế độ BHXH tự nguyện theo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ…” - Viện Nghiên cứu lập pháp đề xuất.

Hai phương án nhận BHXH một lần

Phương án 1 chia làm hai nhóm. Nhóm 1, NLĐ đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.

Nhóm 2, NLĐ bắt đầu tham gia BHXH từ khi dự luật có hiệu lực (dự kiến ngày 1-7-2025) không được nhận BHXH một lần. Trừ trường hợp đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu, ra nước ngoài định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định.

Phương án 2 cho NLĐ rút BHXH một lần nhưng tối đa 50% tổng thời gian đóng vào hai quỹ Hưu trí, Tử tuất. Thời gian còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Nguồn: [Link nguồn]

Rút BHXH 1 lần không quá 50%, lao động nghỉ việc dự báo sẽ tăng

Nhiều ý kiến cho rằng nếu dự thảo Luật BHXH sửa đổi cho rút BHXH 1 lần không quá 50% sẽ có nguy cơ tạo làn sóng lao động nghỉ việc, doanh nghiệp thiếu hụt lao động.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PHÚ PHONG ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN