Đề nghị ứng cử ĐBQH phải có giám định tâm thần

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đề nghị, nếu không qua được trắc nghiệm về trình độ và tâm thần thì đừng ứng cử đại biểu Quốc hội.

Tại buổi thảo luận tại tổ dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội chiều 5/11, nhiều đại biểu Đoàn Đại biểu quốc hội TPHCM nhấn mạnh đến yêu cầu việc khám sức khỏe người ứng cử đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, hồ sơ người ứng cử nhất thiết phải bổ sung thêm lý lịch tư pháp và giấy khám sức khỏe.

Khám sức khỏe để ứng cử đại biểu Quốc hội không phải như khám để thi bằng lái xe. Phải trắc nghiệm về trình độ, thần kinh, tâm lý. Nếu không qua được trắc nghiệm về trình độ và tâm thần thì đừng ứng cử. Vì nhiệm kỳ Quốc hội 5 năm là rất dài, nếu để lại hậu quả sẽ rất khó giải quyết.

Đề nghị ứng cử ĐBQH phải có giám định tâm thần - 1

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đề nghị, nếu không qua được trắc nghiệm về trình độ và tâm thần thì đừng ứng cử đại biểu Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Văn Minh, đại biểu Đinh Thị Bạch Mai và đại biểu Võ Thị Dung cùng cho rằng, đại biểu Quốc hội cần phải khám sức khoẻ và lý lịch tư pháp. Theo đại biểu Dung, nếu không cung cấp giấy khám sức khỏe sẽ dẫn tới chuyện không biết người ứng cử đó có đủ sức khỏe để đảm nhiệm nhiệm vụ là tiếng nói của cử tri trong suốt nhiệm kỳ của mình hay không?

Đại biểu Bạch Mai đề nghị cần nêu rõ tiêu chuẩn của ứng cử viên đại biểu Quốc hội. Cần quy định một ứng cử viên không nên gánh quá nhiều cơ cấu như trẻ, ngoài đảng, chuyên trách, dân tộc…

Đại biểu Trần Du Lịch cũng cho rằng, đại biểu Quốc hội phải có lý lịch tư pháp và có sức khỏe. Ông nhấn mạnh giấy khám sức khỏe phải ở tiêu chuẩn cao, ví dụ như giấy khám sức khỏe đi nước ngoài.

Ngay lúc đó, cắt lời ông Lịch, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM) đề nghị ứng viên phải khám sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tâm thần.

Tiếp tục phát biểu, đại biểu Trần Du Lịch đánh giá, theo dự thảo Luật, tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội đơn giản, nếu cứ chung chung vậy, một người mới từ bệnh viện tâm thần cũng ứng cử được.

Ông cũng cho rằng, cần phải làm rõ việc có công khai minh bạch bản kê khai tài sản thu nhập của ứng viên đại biểu Quốc hội không? Nhìn vào hồ sơ kê khai thấy ông nào cũng nghèo quá.

Bên cạnh đó, sau lần sửa Luật này, không còn chuyện đi bầu cử thay, bầu hộ. Ông nói: “Có khi một người bầu hộ cho cả xóm, rồi về không biết là bầu ai”. Do vậy, cần yêu cầu người đi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri, giấy chứng minh nhân dân. Không nên quan trọng con số thành tích không thực chất người đi bầu cử đạt 90 hay bao nhiêu phần trăm. Nếu đạt 60 – 70% người đi bầu cử nhưng là con số thực chất là mừng rồi.

Đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng, chất lượng của Quốc hội tuỳ thuộc vào chất lượng đại biểu nên phải lựa chọn được những người có tâm huyết với đất nước, nhân dân, dám nói dám làm. Ông đề nghị đưa tiêu ứng viên đại biểu để các cơ quan nhìn vào đó để giới thiệu, vận động bầu cử, để cử tri bầu.

“Tăng đại biểu chuyên trách lên mà không có tiêu chí cụ thể thì không thể làm được. Cần phải có quy định về quy trình giới thiệu người ra ứng cử đại biểu, có uy tín, dám nói dám làm”, ông Đương đề nghị.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo D. Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN