Đấu giá gỗ sưa trăm tỷ vì sao “ế”?

Sự kiện: Cây sưa

Mặc dù đã có hàng chục hồ sơ được bán ra nhưng Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản chưa nhận được tiền đặt cọc của bất kỳ ai.

Gần 6 tấn gỗ sưa được người dân thôn Phụ Chính cất giữ trong thùng container đặt tại nhà văn hóa thôn Phụ Chính và được canh phòng cẩn mật

Gần 6 tấn gỗ sưa được người dân thôn Phụ Chính cất giữ trong thùng container đặt tại nhà văn hóa thôn Phụ Chính và được canh phòng cẩn mật

Khi hay tin lô gỗ sưa trăm tỷ của người dân thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính, Chương Mỹ (Hà Nội) được mở bán đấu giá, khách hàng kéo đến rất đông nhưng chủ yếu để... xem và hỏi giá chứ không có ai nộp tiền đặt cọc để tiến hành đấu giá.

Nhiều người mua hồ sơ nhưng không ai đặt cọc

Trước đây, trong khuôn viên chùa Phụ Chính có hai cây sưa đỏ. Năm 2010, có người đến trả giá hơn 100 tỷ đồng cho mỗi cây sưa. Người dân đã cưa một cành cây bán với giá 20,5 tỷ đồng để lấy kinh phí xây đình làng. Đến tháng 10/2018, thành phố có văn bản yêu cầu các ban, ngành hướng dẫn người dân khai thác cây sưa theo đúng quy định của pháp luật.

“Bà con thôn Phụ Chính đã có công văn gửi xã yêu cầu hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự. Theo đó, UBND xã đã chỉ đạo giao công an xã phối hợp hỗ trợ bà con, khi có sự cố xảy ra như trộm cắp, lực lượng công an sẽ hỗ trợ bắt giữ đối tượng phạm tội nếu có. Không chỉ công an xã, mà ngay cả Công an huyện Chương Mỹ luôn sẵn sàng hỗ trợ bà con đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn cũng như khu vực cất giữ lô gỗ sưa".


Ông Nguyễn Văn Chính,
Chủ tịch UBND xã Hoà Chính

Ngày 27/1, người dân thôn Phụ Chính chặt hạ hai cây sưa đỏ, chia thành 5 nhóm gỗ với trọng lượng từ 550 kg đến hơn 2.000 kg, đồng thời đưa ra mức giá khởi điểm cho nhóm gỗ đặc biệt là 32 triệu đồng mỗi kg, còn loại gỗ gốc nhỏ, rễ thì hơn 6 triệu đồng mỗi kg. Ngày 29/6, Trung tâm dịch vụ đấu giá đã tổ chức cho khoảng 10 người mua hồ sơ đến xem các nhóm gỗ sưa. Buổi đấu giá lần đầu dự định được tổ chức vào ngày 4/7. Theo quy định, người tham gia đấu giá sẽ phải đặt cọc tối thiểu từ 1,5 tỷ đồng đến 9,8 tỷ đồng tùy vào nhóm gỗ sưa khi tham gia đấu giá.

Tuy nhiên, trao đổi với Báo Giao thông, ông Ngô Hùng Minh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (Sở Tư pháp Hà Nội) cho biết, đến nay mặc dù đã có hàng chục hồ sơ được bán ra nhưng Trung tâm chưa nhận được tiền đặt cọc của bất kỳ ai. Vì thế, buổi đấu giá đã không thể diễn ra như dự kiến. Lý giải về nguyên nhân cuộc đấu giá không thành, ông Minh cho rằng, có thể do giá khởi điểm quá cao.

“Gỗ sưa là một lĩnh vực đặc thù, không những phụ thuộc vào thị trường Việt Nam mà còn bị điều tiết bởi thị trường Trung Quốc, giá lên xuống là do tính thời điểm. Chúng tôi cũng không nắm được cụ thể, mà chỉ thấy khi khách hàng đến xem đều lắc đầu, lè lưỡi vì giá cao. Cũng có thể do những người đã nộp hồ sơ phát hiện ra nhiều vấn đề sau khi đến xem hiện trạng tài sản, chẳng hạn như nhóm gỗ cành, rễ giá trị không lớn, chủ yếu là rác nhưng người dân địa phương lại tính vào trọng lượng để đấu giá”, ông Minh nói và thông tin thêm, sau khi bán đấu giá lần 1 không thành, Trung tâm đã xuống làm việc với đại diện cộng đồng dân cư, đồng thời có tư vấn lại về cách thức bán để bà con cân nhắc lựa chọn, điều chỉnh.

Sẽ tổ chức đấu giá lần 2

Để mở được container chứa gỗ sưa, phải có 4 người với 4 chìa khóa khác nhau

Để mở được container chứa gỗ sưa, phải có 4 người với 4 chìa khóa khác nhau

Có mặt tại Nhà văn hoá thôn Phụ Chính, nơi cất giữ bảo quản lô gỗ sưa trăm tỷ, PV ghi nhận, số gỗ này được đưa vào thùng container với nhiều lớp khóa, chăng dây thép gai bên ngoài. Khi muốn mở thùng container này phải có đủ 4 người với 4 chìa khóa khác nhau, đồng thời việc mở thùng sẽ được lập biên bản. Ban thường trực gồm 23 người, đủ các thành phần đại diện cho người dân trong thôn. Hiện tại, khu vực cất giữ lô gỗ sưa được canh phòng rất cẩn mật, có người trông giữ 24/24h, đồng thời có 2 camera soi chiếu các chiều quanh khu vực. Những hôm mưa gió, thôn cũng cắt cử thêm người ra trông nom.

Ông Vũ Văn Tuyến, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phụ Chính cho biết, thôn đã thống nhất và sắp tới sẽ tiếp tục mời Trung tâm đấu giá tài sản về để thống nhất lại cách bán. Theo ông Tuyến, việc không có người đấu giá trong lần vừa qua cũng là do cách bán chưa phù hợp.

“Ban đầu bà con trong thôn thống nhất là bán lõi nhưng vừa qua lại có ý kiến bán nguyên cả lô như vậy. Có nghĩa là bán cả rác, cả vỏ nên nó đội cân lên, vì vậy dẫn đến giá hơi cao. Có thể vì vậy mà không ai đặt cọc tiền, chứ không phải vì số tiền đặt cọc lớn mà họ ngại. Bởi nếu trúng đấu giá thì người mua sẽ được trừ số tiền đó đi. Vấn đề đặt ra ở đây là giá hoặc cách bán. Vì giá cũng đã phù hợp với thị trường, chỉ do cách bán là tính lõi hay tính cân”, ông Tuyến nói và cho biết, bà con đã thống nhất phân ra 5 nhóm gỗ: Nhóm 1 vào khoảng 2 tấn với giá 32 triệu đồng/1kg; Nhóm 2 khoảng 2,3 tấn chưa trừ rác, vỏ giá 28 triệu đồng/kg; Nhóm 3 khoảng 6 tạ giá 22 triệu đồng/kg; Nhóm 4 với 5 tạ, giá khoảng 15 triệu đồng/kg và Nhóm 5 khoảng hơn 1,5 tấn với giá 6,5 triệu đồng/kg.

“Dự kiến, nếu bán hết số gỗ sưa thì thôn thu về khoảng 146 tỷ đồng, kể cả bỏ phần rác bên ngoài đi thì giá cũng xấp xỉ như dự kiến ban đầu”, ông Tuyến nói thêm và cho rằng, không có chuyện thị trường Trung Quốc đã không còn mặn mà với gỗ sưa, bởi thời gian qua có rất nhiều người Trung Quốc tìm về thôn để hỏi thông tin về lô gỗ.

Phiên đấu giá cây gỗ sưa từng được trả trăm tỷ ở Hà Nội phải hoãn vì lý do này

Nhiều người dân, doanh nghiệp đến mua hồ sơ nhưng sau đó không quay lại đặt tiền đặt cọc tham gia đấu giá số gỗ sưa...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Huế ([Tên nguồn])
Cây sưa Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN