Chuyện khó tin về những kẻ trộm gỗ sưa tiền tỷ

Sự kiện: Thời sự

Trước khi hành sự, các đối tượng chặt trộm gỗ sưa tiền tỷ có những “quái chiêu” nhằm ngăn cản sự phát hiện của người dân, cơ quan chức năng.

Trước khi hành sự, các đối tượng chặt trộm gỗ sưa tiền tỷ có những “quái chiêu” nhằm ngăn cản sự phát hiện của người dân, cơ quan chức năng.

Chuyện khó tin về những kẻ trộm gỗ sưa tiền tỷ - 1

Cụ Nguyễn Thị Thanh (76 tuổi) tỏ ra tiếc nuối khi hàng cây gỗ sưa của làng đã bị trộm chặt mất nhiều cành to.

Khi bị phát hiện, chúng sẵn sàng chống trả lại người dân cũng như lực lượng chức năng bằng các thủ đoạn manh động, liều lĩnh như dọa bắn súng, rải đinh ba cạnh trên đường…

Khóa trái cổng nhà dân trước khi chặt trộm

Sở hữu nhiều cây sưa cổ thụ được giới buôn sưa định giá lên tới vài trăm tỉ đồng, gần một thập niên qua, người dân thôn 5, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức (Hà Nội) lâm vào tình trạng “mất ăn mất ngủ” để bảo vệ cây gỗ được xem là vàng ròng lộ thiên. Tiền đâu chưa thấy, chỉ thấy những phiền toái, lo lắng và căng thẳng vì phải đối phó với những kẻ chặt trộm gỗ sưa.

Theo tìm hiểu của PV Báo GĐ&XH, tình trạng mất trộm gỗ sưa tại đình Quán Giá, thôn 5, xã Yên Sở đã xảy ra từ năm 2007. Không ít lần, công an xã phải trực chốt tại đình làng Quán Giá để canh cây ngay cạnh đó nhưng vẫn không ngăn nổi đám “sưa tặc”. Nhiều cuộc họp xã, họp làng được diễn ra để đưa sáng kiến bảo vệ những cây sưa, bằng cách quấn thép gai quanh cây, xây gạch bao quanh…Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, hàng rào sắt, lô cốt bị dỡ bỏ vì nhiều người cho rằng mất mỹ quan và không khác gì “chỉ điểm” cho kẻ trộm biết những chỗ nào có cây gỗ sưa.

Chia sẻ với chúng tôi, cụ Nguyễn Thị Thanh (76 tuổi, thủ nhang đền Quán Giá - cạnh đình làng) cho biết: “Đình Quán Giá là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, thờ anh hùng dân tộc Lý Phục Man – một danh tướng đã có công phò giúp Vua Lý Nam Đế chống quân xâm lược phương Bắc từ thế kỷ thứ VI để lập nên nhà nước Vạn Xuân. Trước đây các cụ trồng nhiều cây gỗ sưa quý hiếm lắm, nhưng hiện nay thì chỉ còn lại một số ít thôi. Phần vì sâu bệnh, phần do bị trộm cưa đi mất mà vẫn chưa bắt được kẻ nào cả”.

Theo một số người dân địa phương cho hay, trong khoảng 10 năm trở về đây, đã xảy ra hàng chục vụ mất trộm gỗ sưa với giá trị nhiều tỷ đồng. Nhưng cho đến nay, cơ quan công an vẫn chưa tìm ra được thủ phạm và số gỗ đã bị lấy mất đó. Không chỉ có vậy, khi phát hiện ra các âm thanh giống với tiếng cưa máy, tiếng xe ô tô tải nổ máy ầm ầm ngay gần đó của nhóm “sưa tặc”, nhiều người dân liền hô hoán nhau để ngăn chặn thì mới tá hỏa thấy cổng nhà mình đã bị nhóm trộm… khóa trái tự lúc nào không hay.

Bà Nguyễn Thị Lan, một cao niên trong làng cũng cho hay: “Vào lần mất trộm sưa hồi cuối năm 2014, tôi và một số bà con phát hiện bọn trộm vào tầm 1 – 2h đêm. Ban đầu cứ nghĩ đó là âm thanh phát ra từ công trường của Trường Trung cấp nghề số 17 – Bộ Quốc phòng gần đó. Nhưng khi nhìn qua cửa sổ thì mới biết có một nhóm khoảng 3 – 4 người đang dùng cưa máy cắt trộm cành sưa. Tôi vội chạy sang thì thấy cổng nhà mình đã bị khóa trái. Sau đó tôi vội gọi điện báo lên cán bộ chính quyền tới tham gia bắt trộm”.

Chuyện khó tin về những kẻ trộm gỗ sưa tiền tỷ - 2

Những cây sưa có tuổi thọ hàng trăm năm quanh năm tỏa bóng mát sân đình Quán Giá. Ảnh: Nhật Tân

Cũng theo bà Lan, khi mọi người ra tới nơi thì nhóm trộm này đã leo lên xe ô tô tải và buộc dây xích kéo theo một cành gỗ sưa dài khoảng hơn 1 mét, đường kính chừng 20-30 cm chạy hướng lên đê rồi tẩu thoát.

“Lúc mọi người truy đuổi thì phát hiện trên mặt đường có rất nhiều đinh ba cạnh do nhóm trộm rải. Lúc đó người dân ai cũng sôi sục muốn bắt trộm nhưng ở tình thế quá nguy hiểm nên mọi người đành bất lực nhìn những khúc gỗ sưa quý hiếm bị kẻ cắp đưa đi”, bà Lan nhớ lại.

Dọa bắn cả… công an

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Bá Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Sở xác nhận có xảy ra tình trạng mất gỗ sưa tại đình làng Quán Giá từ nhiều năm nay. Thực trạng này diễn ra từ năm 2007 và lần gần đây nhất là vào tháng 12/2014.

“Đây là di tích cấp quốc gia nên chính quyền địa phương cũng hết sức quan tâm, đặc biệt là vấn đề an ninh. Liên quan tới việc bảo vệ các cây gỗ sưa cổ thụ ở đây, chúng tôi đã tiến hành họp bàn và thống nhất giao trách nhiệm trông coi, bảo vệ cho nhân dân xóm Bến từ năm 2009 – 2013 để bà con cắt cử người ra trông. Phía xã cũng có hỗ trợ một phần kinh phí duy trì hoạt động. Đồng thời, chúng tôi cũng chuẩn bị cả trống báo động đặt ở đó để nếu bà con phát hiện có trộm sẽ đánh lên báo cho cả làng biết để ra ngăn chặn”, vị lãnh đạo xã bày tỏ.

Ông Hoàng cũng cho hay, do vẫn xảy ra trộm gỗ sưa nên tới tháng 10/2013, Ban Công an xã đã cắt cử xuống đây 6 nhân viên an ninh để luân phiên túc trực 24/24. Khi phát hiện sẽ gọi điện lực lượng tới hỗ trợ và báo động cho bà con. Vì trước đó, người dân trong xóm trông nom bị đám “sưa tặc” dùng súng dọa bắn nên đã không kịp báo cho chính quyền đến ngăn chặn.

Chuyện khó tin về những kẻ trộm gỗ sưa tiền tỷ - 3

Thân cây sưa ngay cạnh chốt an ninh đã bị trộm lấy đi mất một cành to và hiện để lại một vết sẹo lớn.

Phía Công an xã Yên Sở cũng cho hay, vào một đêm mưa phùn cuối tháng 12/2014, nhận được tin báo của người dân, lực lượng công an xã đã nhanh chóng đến đình Quán Giá để truy bắt kẻ trộm. Đến nơi, phát hiện phòng an ninh chốt ngay gần đình đã bị kẻ xấu dùng dây sắt khóa bên ngoài. Khi lực lượng hỗ trợ đuổi theo thì bọn trộm điên cuồng rải đinh ba cạnh khắp đường.

Đến sáng hôm sau lúc thu dọn, người dân thu được hơn 2 thúng đinh ba cạnh sắc nhọn. “Hôm ấy chúng đã cắt trộm được một cành sưa lớn cách gốc chừng 2m. Ngoài ra, chúng tôi còn thấy một đĩa đựng hoa quả cùng vài nén hương. Hỏi ra thì chúng tôi mới biết nhóm chặt trộm gỗ sưa đã làm lễ cầu cúng trước khi ra tay”, một cao niên trong làng thông tin thêm.

“Soi” khách lạ vào làng

Khách lạ vào làng Quán Giá hầu hết đều bị “soi” rất kỹ. Theo lời người dân, sở dĩ có chuyện “bất đắc dĩ” ấy là để ngăn chặn kẻ lạ mặt về đây “thăm dò” những cây sưa cổ thụ còn sót lại. Từng có việc nhóm “sưa tặc” cải trang thành những người dân nghèo, dân đi buôn đồng nát, hoặc người đi mua tóc dài để tiếp cận khu vực trồng sưa. Thế nên, dân làng Quán Giá luôn cảnh giác cao độ để đề phòng “sưa tặc”. Được biết, tại trụ sở ủy ban xã Yên Sở đang bảo quản nhiều khúc gỗ của một cây sưa bị chết trước đó. Hiện nay, chính quyền địa phương vẫn đang chờ Sở Tài chính cử cán bộ về định giá và có phương án giải quyết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nhật Tân (Gia đình xã hội)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN