Đặt giàn khoan 943, TQ vi phạm Công ước Luật biển

Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cho hay, vị trí đặt giàn khoan 943 vi phạm Công ước Luật biển Liên hiệp quốc và thỏa thuận giữa hai nước Việt – Trung.

Đặt giàn khoan 943, TQ vi phạm Công ước Luật biển - 1

Giàn khoan Hải Dương 981 xâm nhập trái phép vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam năm 2014

Mới đây, Cục Hải sự Trung Quốc hôm nay thông báo đặt giàn khoan Hải Dương 943 tại vị trí 17-47.5 độ vĩ bắc, 108-46.0 độ kinh đông, từ ngày 25/3 đến 31/7.

Cục Hải sự Trung Quốc cảnh báo tàu thuyền không đi lại trong phạm vi bán kính 1 hải lý (1,85km).

Trao đổi với PV, TS Trần Công Trục, Nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ cho hay, vị trí đặt giàn khoan Hải Dương 943 nằm trong vùng chồng lấn chưa phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc.

“Giàn khoan Hải Dương 943 nằm trong vùng chồng lấn thì rõ ràng Trung Quốc vi phạm Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS). Đặc biệt, Trung Quốc vi phạm thỏa thuận của hai bên trong việc đàm phán phân định vùng chồng lấn trên vịnh Bắc Bộ”, ông Trục nói.

Theo TS Trục, có thể Trung Quốc sẽ biện minh vị trí này nằm ở phía Đông đường trung tuyến (ranh giới phân định trên vịnh Bắc bộ giữa hai nước), không liên quan đến vùng biển của chúng ta. Tuy nhiên,  Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc không cho phép dùng đường trung tuyến để phân biệt quyền hạn và nghĩa vụ của hai nước khi đang đàm phán.

“Hành động của Trung Quốc ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của Việt Nam trên biển Đông. Chúng ta cần xác định rõ vị trí theo dõi chặt chẽ, phản ứng rõ ràng và mạnh mẽ về việc này”, TS Trục nói.  

Ông Trục cho biết, việc Trung Quốc cảnh báo tàu thuyền không được lại gần trong phạm vi 1 hải lý (1,85 km) cũng trái với UNCLOS, bất kể vùng biển hợp pháp, chồng lấn hay tranh chấp, vùng an toàn với giàn khoan chỉ được phép cách 500m.

“Thông báo trên của Trung Quốc gây ảnh hưởng cho hoạt động hàng hải của các nước trong khu vực và quốc tế. Chúng ta cần kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng lên tiếng phản đối”, TS Trục nhấn mạnh.

Ngoài giàn khoan Hải Dương 943, phía Trung Quốc còn cử thêm 3 tàu tuần tra đi kèm gồm Hải Dương Thạch Du 564, 617 và 618. 

Giàn khoan Hải Dương 943 có thể khoan sâu 10.000m, làm việc ở mực nước 120m và có khả năng tự nâng. Đây là giàn khoan mới, hiện đại mới được đóng hồi tháng 1.2016 do Tập đoàn công nghiệp Đại Liên thiết kế và thi công.

Trước đó, năm 2014, Trung Quốc từng hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đó là hành vi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ.

Sau 75 ngày hoạt động trái phép, ngày 16/7/2014 Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi khu vực biển gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tất Định ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN