Đăng ký xe: Đừng dùng luật mới xử lỗi cũ

Nhiều người cho rằng chỉ nên áp dụng mức phạt mới với lỗi chuyển nhượng phương tiện không làm thủ tục sang tên đổi chủ cho những xe đăng ký sau ngày 10/11/2012. “Nếu xử phạt, hãy áp dụng cho những xe bắt đầu đăng ký từ thời điểm này. Đừng dùng luật mới để xử lỗi cũ!” - Độc giả Phương Du nói.

Sang tên đổi chủ, xác minh xe mượn: Khó!

“Không khả thi” là nhận định của nhiều người trước việc Hà Nội cụ thể hóa Nghị định 71.

Độc giả thaitranvan…@gmail.com cho rằng nếu thực hiện được theo đúng quy định thì rất tốt. Tuy nhiên rất khó trong việc xác minh xe mượn hay xe đã qua mua bán mà không làm thủ tục sang tên. Độc giả này lấy ví dụ: “Nếu tôi mượn xe của bạn trong một thời gian dài và bạn tôi lại đi nước ngoài thì sao? Trong trường hợp này, liên hệ với bạn tôi rất khó. Hay trong trường hợp tôi không thể liên hệ với người cho tôi mượn xe vì chủ xe không dùng điện thoại. Vậy phải xử lý thế nào?”

Tương tự, độc giả daile…@gmail.com phân tích: “Làm như thế này rất mất thời gian trong quá trình xử lý! Trường hợp mượn xe của người thân nhưng vì lý do đang họp hoặc không thể nghe điện thoại xác minh chủ sở hữu thì rất khó giải quyết!”

Vậy vì sao nhiều người dân lại “ngại” làm thủ tục sang tên đổi chủ khi mua lại xe của người khác, trong khi về tâm lý, ai cũng muốn được “đứng tên” sở hữu những tài sản mình đã bỏ tiền ra mua?

Phạt xe không sang tên: Đừng đổ tội cho luật

Khác với đa số mọi người, độc giả camchuongxanh…@gmail.com lại cho rẳng những khó khăn khi sang tên đổi chủ mà mọi người đưa ra chỉ là ngụy biện:

“Tôi thấy luật hoàn toàn đúng, và bấy lâu nay đã có rồi, bây giờ chỉ nhắc lại và tăng nặng thôi. Đa số hiện nay là đi xe của mình, một số học sinh, sinh viên đi xe bố mẹ, nhưng cái đó luật đâu có bảo là phạt. Tại sao chúng ta chỉ vì lười và thiếu ý thức chấp hành luật mà lại đi đổ cho luật.

Làm thủ tục sang tên đổi chủ rất đơn giản: giấy mua bán, tặng, cho… có xác nhận của chính quyền địa phương nơi chủ phương tiện cũ sinh sống, đến cơ quan thuế nộp thuế, đến công an làm thế là xong. Chỉ vài ngày đã có giấy tờ xe từ công an. Phải chăng người dân chúng ta đang làm khó pháp luật?”

Độc giả Huỳnh Đức Minh (anhoaminco…@gmail.com) cho rằng mức thuế, phí sang tên đổi chủ quá cao và thủ tục phức tạp đã dẫn đến tình trạng mua bán không làm thủ tục sang tên đổi chủ. Điều này làm thất thu lớn nguồn thuế nhà nước và gây rắc rối cho người dân. Độc giả này nêu ý kiến: “Để thực hiện được nghị định 71, cần phải giảm ngay thuế sang tên đổi chủ xuống mức thấp nhất. Hỗ trợ về mặt pháp lý, tạo thuận lợi cho người có nhu cầu sang tên, và việc thực hiện này phải có lộ trình cụ thể”.

Theo độc giả ở địa chỉ email hungkhuong…@gmail.com, đa số người dân còn nghèo, việc bỏ ra cả vài tấn lúa để mua chiếc xe máy mới là rất hiếm. “Nguời dân chủ yếu mua xe cũ, có khi qua cả hàng chục đời chủ và chỉ có giấy viết tay của chủ cuối. Thậm chí còn ở quê ra thành phố mua xe, đến giờ chẳng nhớ nhà chủ ở đâu. Như thế thì phải làm sao để đăng ký?” – Độc giả này nêu câu hỏi.

“Đừng dùng luật mới để xử lỗi cũ!”

Độc giả nguyenthien…@gmail.com cho rằng việc siết chặt luật sẽ có nhiều lợi ích. Nhưng theo độc giả này, chỉ nên áp dụng cho những xe đăng ký sau ngày 10/11/2012. Ngoài ta, phải có một chiến dịch rộng rãi cho việc đăng ký xe chính chủ với những thủ tục đơn giản và mức phí hợp lý. Cách làm này tương tự như việc đăng ký thông tin thuê của các mạng điện thoại.

Ý kiến này được nhiều người tán thành: “Ai lại đi lấy luật của hiện tại xử những việc trong quá khứ đã diễn ra từ khi chưa có luật mới” - độc giả Ngô Thị Yến (hoatieu…@yahoo.com); hay ý kiến “Nếu xử phạt, hãy áp dụng cho những xe bắt đầu đăng ký từ thời điểm này. Đừng dùng luật mới để xử lỗi cũ!” của độc giả Phương Du (newdeepblue…@yahoo.com).

Về trường hợp xe đi mượn, đại tá Đào Vịnh Thắng – quyền Trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, cho rằng, người mượn xe khi điều khiển phương tiện có mang theo giấy tờ xe, bằng lái xe hợp lệ sẽ không bị xử lý vi phạm.

Tuy nhiên, việc cho mượn cả xe lẫn giấy tờ khiến nhiều người lo ngại. Độc giả bachhl…@gmail.com ví dụ: “Như vậy bây giờ cho bạn mượn xe thì phải đưa hết giấy tờ cho bạn đấy hả? Như vậy có tạo cơ hội cho người ta phạm tội không?”. “Nếu cho bạn mượn hay ai mượn thì đưa cả giấy đăng kí xe, lỡ có đủ giấy tờ xe bị bán luôn thì sao?” – độc giả crazy_pjg…@yahoo.com lo lắng.

Đâu là giải pháp cho những xe mua đi bán lại?

“Có thể dùng cách khác” là ý kiến của độc giả Hoàng Thể (email thehv_tnn…@yahoo.com). “Ta có thể quy định thêm: Người không sang tên đổi chủ thì khi chiếc xe đó có vấn đề gì thì người chủ xe phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Có như vậy người bán xe mới có ý thức về việc làm thủ tục sang tên” – độc giả này đề xuất.

Theo độc giả catinh…@yahoo.com, việc xác minh người gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy liên quan đến trách nhiệm hình sự chứ không liên quan đến ai đứng tên phương tiện. Điều quan trọng là làm sao chứng minh được xe đó hợp pháp.

Độc giả huyhoang…@yahoo.com còn bổ sung: “Biện pháp này tránh trường hợp gây tai nạn rồi bỏ trốn. Nhưng điều đó không đáng kể so với nhu cầu đi lại của toàn xã hội hiện nay”.

Độc giả Nguyễn Văn Minh (nguyenminh0904…@gmail.com) đưa ra một giải pháp rất cụ thể: “Khi xử lý vi phạm giao thông, CSGT dựa trên các lỗi lập biên bản xử phạt với người tham gia giao thông nếu là lỗi do người đó. Đồng thời kiểm tra phương tiện giao thông, nếu không đủ điều kiện tham gia giao thông (như đèn, phanh...) thì lập biên bản xử phạt đối với chủ phương tiện dựa trên giấy đăng ký với xác nhận của người tham gia giao thông. Sau đó giửi giấy phạt này về nơi thường trú của chủ phương tiện, yêu cầu nộp phạt tại kho bạc địa phương. Vậy từ đó người bán xe phải sang tên cho chủ mới khi bán xe.

Nếu xe bán rồi mà người mua không có nhã ý hợp tác để sang tên thì người bán dùng quyền chủ sở hữu chiếc xe, có thể báo mất hoặc yêu cầu cơ quan công an tạm thu phương tiện đó khi phát hiện trên đường.Từ đó hai bên mua bán hay cho tặng xe không có quan hệ gia đình (không ảnh hưởng tới học sinh viên khi lấy xe của ba mẹ đi học) tự có ý thức phải làm thủ tục sang tên đổi chủ. Và do đó, bên nào cũng đều phải chủ động làm theo quy định của pháp luật.”

Độc giả Kiều Quỳnh Giang (kieugiang…@yahoo.com) cho rằng người dân nên nghĩ thoáng hơn: “Ở các nước khác, họ quản lý về phương tiện giao thông cũng rất chặt, mỗi người chỉ được đăng ký một biển kiểm soát, khi chuyển chủ thì chủ cũ vẫn mang biển số cũ về khi nào mua xe mới thì lại đăng ký bằng biển số cũ, Mình nghĩ cái gì cũng có nguyên do của nó đừng vội mà hãy suy cho kỹ, các ngành chức năng đang dần dần thay đổi lại cách quản lý đó mà”.

Đồng tình với việc áp dụng luật mới vì như vậy các cơ quan chức năng sẽ dễ dàng quản lý phương tiện giao thông, tuy nhiên, theo độc giả Tăng Bảo Phú, cần trưng cầu ý kiến người dân trước khi đưa luật vào thực tế:

“Khi nghĩ ra luật mới, hẳn các cấp ban ngành cũng đã lường trước được tình huống người dân không hiểu sẽ phản đối. Vậy tại sao không tham khảo ý kiến của người dân trước khi đưa ra luật, để rồi nếu thấy bộ luật đó không thể áp dụng được thì lại huỷ bỏ? Bởi vì đây là một xã hội, mỗi người sẽ có một ý kiến khác nhau.

Theo thuyết sự lựa chọn hợp lý trong Xã hội học, tôi nghĩ nên làm một cuộc thăm dò ý kiến để có thể đưa ra một bộ luật được người dân chấp nhận và áp dụng. Lúc đó chỉ cần giải thích là họ sẽ hiểu. Còn hơn là nghĩ ra các bộ luật nếu không áp dụng được thì sửa chữa theo cái cách mà xưa nay người dân vẫn trường nói "sai đâu sửa đó, sai đó sửa đâu...". Vậy chi phí cho cái sửa đó và chi phí cho việc thăm dò trước cái nào có lợi hơn cái nào? Và để đến khi luật ra đời có biết bao nhiêu câu hỏi, ai là người trả lời cho những câu hỏi đó?”.

Trong khi nhiều người vẫn băn khoăn về cách xử lý với những xe không “chính chủ”, độc giả Hoàng Tùng Lâm (hoanglam…@yahoo.com) lại cho rằng, có những việc cần được ưu tiên hơn: “Nên xử lý tốt các vấn đề khác rồi mới tiến hành làm việc này, như đội mũ bảo hiểm, bằng lái… Cuối cùng mới là chính chủ. Đừng làm dàn trải để rồi cuối cùng lại rơi vào tình trạng đánh trống bỏ dùi.”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Hà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN