Dân vùng động đất “chê” nhà của EVN xây

Số lượng nhà tái định cư công trình thủy điện Sông Tranh 2 do EVN đầu tư xây dựng đang bị bỏ hoang khá nhiều. Có một số ngôi nhà lại được trưng dụng làm nơi nhốt trâu, bò.

Ông Hồ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Người dân ở các khu TĐC rất bức xúc về việc thiệt hại do động đất. Trong khi khu tái định cư này xây dựng chất lượng quá kém, chỉ cần một trận động đất nhỏ cũng làm nó xuống cấp trầm trọng, vậy mà chẳng thấy chủ đầu tư đến tu bổ, khắc phục gì cả”.

Hôm qua, 19/9, UBND huyện Bắc Trà My tổ chức cuộc họp khẩn với Ban Quản lý dự án thủy điện 3 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đơn vị chủ đầu tư Thủy điện Sông Tranh 2 cùng một số xã bị ảnh hưởng nặng nhất do động đất gây ra nhằm bàn giải pháp khắc phục và ứng phó.

Dân vùng động đất “chê” nhà của EVN xây - 1

Chất lượng nhà tái định cư do Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng không đảm bảo nên rất nhanh xuống cấp

Bị thiệt hại nặng nề nhất trong các trận động đất vừa qua là ngôi nhà của bà Hồ Thị Thô ở thôn 3, xã Trà Đốc, đã được chủ đầu tư tu sửa lại nhưng bà vẫn chưa cảm thấy yên tâm. “Mặc dù được bên thủy điện cho người xuống sửa lại ngôi nhà bị động đất làm hỏng, tuy nhiên gia đình tôi vẫn chưa yên tâm. UBND xã bảo sẽ đi nghiệm thu, nếu thấy đảm bảo mới cho gia đình tôi vào ở, còn không không cho gia đình tôi vào ở vì sợ động đất mạnh sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng”, bà Thô nói.

UBND huyện Bắc Trà My cũng thống kê được có 38 căn nhà tái định cư bị bỏ hoang, đang bị xuống cấp trầm trọng. Chắc chắn con số này sẽ không dừng lại ở 38 mà còn cao hơn nữa. Vì người dân địa phương có tâm lý lo sợ động đất và sợ ở trong nhà xây bằng xi măng, gạch. Nhiều nhất phải kể đến xã Trà Đốc có 24 ngôi nhà, xã Trà Bui 11 ngôi nhà và Trà Giác có 2 ngôi nhà bị bỏ hoang, xuống cấp.

Dân vùng động đất “chê” nhà của EVN xây - 2

Người dân xã Trà Đốc bắt đầu làm nhà sàn bằng gỗ để ở cho an toàn

Theo quan sát, mỗi ngôi nhà TĐC được xây dựng trên diện tích khoảng 100m2, bằng xi măng, cốt thép, có kinh phí gần 100 triệu đồng. Trong khi người dân nơi đây bị Thủy điện Sông Tranh 2 lấy đất đai, ruộng vườn, nhà cửa để thi công công trình là đồng bào dân tộc thiểu số chỉ sinh sống, ăn ở quen với ngôi nhà sàn. Vì vậy số lượng nhà do EVN đầu tư xây dựng bị bỏ hoang nhiều hơn. Có một số ngôi nhà lại được trưng dụng làm nơi nhốt trâu, bò.

Ông Hồ Văn Xanh, một người dân tại khu tái định cư ở xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My cho biết: “Từ ngày nhường đất cho việc xây dựng Thuỷ điện Sông Tranh 2, gia đình tôi được đến ở khu tái định cư giữa rừng phòng hộ, cuộc sống cơ cực trăm bề, nước sạch không có, không đất sản xuất, không nghề nghiệp, nhà ở xuống cấp nhanh quá. Để bám trụ lại nơi tái định cư này, chỉ còn cách phá rừng tìm đất làm nương rẫy, lấy gỗ làm nhà sàn để ở chứ dân chúng tôi chủ yếu ở nhà sàn quen rồi”.

Dân vùng động đất “chê” nhà của EVN xây - 3

Nhiều nhà tái định cư do Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng bị bỏ hoang, xuống cấp do chất lượng kém

Tại cuộc họp chiều 19/9, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My đã yêu cầu chủ đầu tư phải có trách nhiệm với người dân nơi vùng dự án. ÔNg Tuấn nói: “Nước sinh hoạt của khu tái định cư có 11 hệ thống, nhưng phần lớn đều bị hư hỏng. Yêu cầu các bên liên quan sớm kiểm tra lại toàn bộ, đồng thời khẩn trương xây dựng bổ sung thêm một số đập dâng đầu nguồn, bể chứa và đào giếng nước tạo nguồn cung cấp nước độc lập, đồng thời sửa chữa khắc phục hệ thống hiện có, sau đó giao lại cho xã, thôn và người dân hưởng lợi lâu dài. Đề nghị chủ đầu tư tiếp tục hỗ trợ 24 tháng gạo cho người dân nữa”, ông Tuấn cho biết.

Tuy nhiên, ông Vũ Đức Toàn, Phó Ban Quản lý dự án thủy điện 3 – EVN cho rằng, không thể hỗ trợ thêm cho người dân 24 tháng gạo nữa, vì đơn vị đã hỗ trợ 36 tháng gạo cho người dân vùng dự án rồi. Việc này phải xin ý kiến EVN. 

Ông Trần Anh Tuấn cho biết thêm, lãnh đạo huyện Bắc Trà My đã đăng ký và đã được chấp thuận cho phép tham dự cuộc họp của Chính phủ do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì với nội dung “báo cáo kết quả xử lý thấm và cho phép tích nước hồ chưa Thủy điện Sông Tranh 2” vào ngày mai (21/9) tại Hà Nội.

Tại cuộc họp quan trọng này, lãnh đạo huyện cho biết sẽ vẫn giữ nguyên quan điểm như đã phát biểu tại các cuộc họp gần đây với các bên liên quan và các phương tiện truyền thông là khi cho phép tích nước, cơ quan chức năng và người có trách nhiệm phải có cam kết trách nhiệm hẳn hoi về sự an toàn của công trình và tích nước ở mức độ chừng mực để theo dõi và có ứng xử hợp lý.

Dân vùng động đất “chê” nhà của EVN xây - 4

100 tấn gạo của UBND tỉnh Quảng Nam đã được chuyển lên huyện Bắc Trà My ngày nay để cấp phát cho người dân

Cũng trong ngày 19/9, 100 tấn gạo của UBND tỉnh Quảng Nam đã được chuyển lên cho huyện Bắc Trà My để cấp cho 2.357 nhân khẩu là người dân tái định cư tập trung của Thủy điện Sông Tranh 2, với mức 15kg/khẩu/tháng cấp trong thời gian 2 tháng và hỗ trợ cho các hộ dân không nằm trong diện tái định cư tập trung nhưng bị thiệt hại nặng về nhà cửa do động đất trên địa bàn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Hoàng ([Tên nguồn])
Động đất ở thủy điện Sông Tranh 2 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN