Đại gia phát “điên” vì xài hoang
Câu chuyện nghe có vẻ khôi hài, nhưng thực tế có không ít đại gia vung tay tiêu tiền không cần đến và trở thành bệnh nhân tâm thần lúc nào không hay.
Trầm cảm vì “nghiện”... ô tô
Trong suy nghĩ của tôi, những bệnh nhân vào viện điều trị tâm thần thường có hoàn cảnh đặc biệt lắm (bị bệnh bẩm sinh, nghiện rượu, bị bạo hành về thể xác lẫn tinh thần dẫn đến uất ức, khủng hoảng tâm lý cao độ...) nhưng không ngờ, ở bệnh viện, chúng tôi lại gặp những con người “đặc biệt”- họ là những tổng giám đốc, những doanh nhân... thành đạt, giàu có, nhưng vì áp lực công việc, vì không biết cách cân bằng cuộc sống khiến nhiều người rơi vào trầm cảm, hoang tưởng đến lúc bị tâm thần vẫn không tin mình bị bệnh.
Bệnh nhân điều trị tại viện Tâm thần Trung ương. (Ảnh minh họa)
Lý do áp lực công việc dẫn đến khủng hoảng tinh thần, sang chấn tâm lý khiến các đại gia phải vào viện tâm thần tư vấn và điều trị bệnh là điều có thể hiểu được. Nhưng khi nghe các bác sĩ Viện sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ về những nguyên nhân khiến đại gia lắm tiền, nhiều của vào trại chỉ vì... xài hoang khiến chúng tôi cũng thấy ngỡ ngàng.
Như để chứng minh điều mà chúng tôi coi là bất bình thường, xài hoang cũng bị tâm thần, BS Lê Minh Công, phó trưởng khoa Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 chia sẻ: “Không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới, tỷ lệ đại gia nhập viện tâm thần vì... xài hoang rất lớn. Tại Úc, theo nghiên cứu của Hội người tiêu dùng Úc, tỷ lệ người bị xung động mua sắm ngày càng tăng, cứ khoảng 12 người mua sắm ở Úc thì có một người bị rối loạn này".
BS Công cho biết: “Gần đây nhất, tôi có đọc thông tin về một đại gia người Mỹ bị đưa vào bệnh viện tâm thần vì thói vung tiền điên loạn của mình. Chỉ trong một buổi đi mua sắm, ông đã chi hết 20 triệu USD cho những món đồ lặt vặt”.
Được biết, vị đại gia đó tên Ed Bazinet, 68 tuổi, là một doanh nhân đã nghỉ hưu, nổi tiếng tại Mỹ bởi số tài sản kếch xù (sở hữu 56 công ty, chủ yếu đầu tư kinh doanh trong ngành sản xuất thủ công mỹ nghệ). Khi tham dự triển lãm hàng hóa quốc tế tại NewYork, Bazinet đã “xõa” tới 20 triệu USD để sắm đồ. Phần lớn trong số này là những đồ lặt vặt và hàng gia dụng, như dụng cụ làm bếp, hàng mỹ phẩm, dụng cụ dệt may. Thậm chí, Bazinet còn vung tới 1,6 triệu USD chỉ để mua xà phòng. Trước lần “xài” 20 triệu USD, vị đại gia này cũng tiêu sạch 39,4 triệu USD khi mua sắm tại Paris.
Nghi ngờ trạng thái tinh thần của đại gia này có vấn đề, những người bạn của Bazinet đã đưa ông tới bệnh viện tâm thần để khám tổng thể. Theo chẩn đoán ban đầu, đại gia có thể mắc chứng bipolar disorder (chứng trầm cảm lưỡng cực).
Mượn câu chuyện trên, BS Công nhắc đến những trường hợp bệnh nhân từng phải nhập viện điều trị vì mắc chứng tâm thần nghiện mua sắm hàng hiệu - một biểu hiện của việc xài hoang. BS Công kể lại: "Tôi đã chứng kiến một số bệnh nhân mắc chứng "nghiện" mua sắm và phải nhập viện điều trị vì rối loạn tâm thần với những biểu hiện "ảo thanh"- luôn nghe có tiếng nói trong đầu xui khiến mua thứ này thứ kia mà không cưỡng lại được. Bệnh nhân luôn coi đó là thật, không nghĩ mình mắc bệnh".
BS Dương Duy Đặng- Trưởng Khoa Cấp tính Nam, bệnh viện Tâm thần Trung ương cho biết: “Khoa Nam cấp tính của ông cũng từng điều trị cho một doanh nhân vô cùng đặc biệt. Ông này cũng từng là Phó Tổng giám đốc, trưởng ban dự án của một bộ lớn, người từng đi hầu hết các nước châu Âu, Đông Á rất có tiếng tăm, nhưng phải nhập viện đến hơn 10 lần, ông mới công nhận mình bị “điên”!?”.
Bệnh nhân này tên là Nguyễn Tuấn Phương. Ông bị mắc chứng hưng cảm nên lúc nào cũng thấy cuộc sống này rất vui và nghiện mua ô tô đắt tiền. Ông đã thay không biết bao nhiêu đời ô tô, những dòng xe đắt tiền nhất. Ban đầu, gia đình chỉ nghĩ tính ông vui vẻ, hay thích thể hiện trước đám đông. Tiệc tùng, ông luôn là tâm điểm chú ý của mọi người. Nhưng sau này, thấy ông có nhiều biểu hiện bất thường, có bao nhiêu tiền ông đều “nướng” vào mua ô tô. Chiếc này mua về chưa kịp “bóc tem”, ông đã rước chiếc khác.
Đã thế, ông chỉ suốt ngày mê mẩn ngắm nghía những chiếc xe cưng của mình. Gia đình lo lắng cho sức khỏe của ông và một mực đưa ông đi viện. Hai lần áp giải ông Phương đi viện bất thành và liên tiếp sau đó hơn 10 lần gia đình phải đưa đến viện, ông Phương mới tin mình bị tâm thần thật. Ông Phương cũng mắc chứng “ảo thanh”, luôn nghe có tiếng nói trong đầu xui khiến mua thứ này thứ kia mà không cưỡng lại được…
Sau khi loạn tâm thần, "đại gia" có những hành động kì quặc thế này
Đại gia “sợ” nói mình mắc bệnh
Theo các bác sĩ, bên cạnh nguyên nhân xài hoang, có rất nhiều nguyên nhân khác khiến các đại gia bị mắc bệnh tâm thần (nghiện sex, vợ ngoại tình…). BS Nguyễn Văn Dũng (Viện Sức khỏe Tâm thần) cho biết: Hầu hết bệnh nhân tâm thần đều phủ nhận bệnh và che giấu những biểu hiện nên việc chẩn đoán, kê đơn và để bệnh nhân uống thuốc điều trị là một vấn đề vô cùng khó khăn. Rất nhiều trường hợp vào viện khám, điều trị 4-5 lần, thậm chí hơn 10 lần mới tin mình mắc bệnh. Cá biệt mới có trường hợp đại gia biết mình mắc bệnh, “tự nguyện” điều trị, còn lại họ đều tránh né không vào viện tâm thần.
Có trường hợp một doanh nhân mặc dù mắc chứng rối loạn tâm thần nhưng vẫn đi nước ngoài gặp đối tác kinh doanh như cơm bữa. Kể cả khi bệnh nghiêm trọng, anh vẫn thường xuyên ký những hợp đồng trị giá hàng tỷ đồng với các đối tác. Nhưng sau mỗi lần đi công tác hay thời gian công việc áp lực, vị giám đốc này lại “biết thân biết phận” vào viện điều trị. Nhiều khi bệnh nhân đã biết mình mắc bệnh, không muốn người nhà biết phải cậy nhờ bác sỹ bí mật kê những toa thuốc điều trị. Khi được hỏi, vị giám đốc này nói với người thân là thuốc bổ.
BS Dũng kể, cách đây hơn 1 năm, có một doanh nhân giàu có nổi tiếng ở Hà Nội tên Hữu Định “tự nguyện” đến Viện Sức khỏe Tâm thần điều trị trầm cảm. Sau khi phát hiện vợ có “bồ”, cộng thêm những dự án kinh doanh với áp lực triền miên nên anh này đã rơi vào trầm cảm, sợ giao tiếp và hay hoang tưởng. Trước khi bị trầm cảm, anh này cưới một cô vợ trẻ, mua cho cô một căn biệt thự ở Linh Đàm (Hà Nội). Các cuộc tiệc tùng, hai người không rời nhau nửa bước. Vì quá yêu, vị doanh nhân đáp ứng mọi nhu cầu mua sắm của cô vợ trẻ. Tốc độ tiêu hoang của cô vợ cũng khiến anh này “sốc”.
Thế nhưng, khi phát hiện ra vợ có “bồ”, vị doanh nhân đã rơi vào tình trạng trầm cảm liên miên. Vào viện điều trị hơn 3 tháng, bệnh tình mới thuyên giảm. Kết cục của vị doanh nhân sau nhiều năm chiều chuộng, tạo cho vợ thói tiêu hoang, “mở” nhiều cơ hội cho vợ được giao lưu với giới kinh doanh của mình khiến cô xiêu lòng, cặp bồ và anh trở thành người điên.
BS Dũng cho biết, có nhiều trường hợp biết mình bị tâm thần, sau nhiều năm tự điều chỉnh không được, dù đã được gia đình chạy chữa nhiều nơi không khỏi, đến khi bệnh đã quá nặng, gia đình mới đưa bệnh nhân vào viện chữa trị.
Theo BS Dương Duy Đặng, số bệnh nhân tâm thần có chút tiếng tăm, đặc biệt là giới doanh nhân vào viện Tâm thần Trung ương rất ít. Nếu có bệnh họ thường bí mật, hoặc thường đi chữa nơi khác chứ không tìm đến bệnh viện tâm thần. Nhiều người thuê bác sĩ đến tận nhà chăm sóc vì sợ mang tiếng.
Trong một lần tiếp xúc với BS Đặng, chúng tôi được nghe kể chuyện về một vị phó tổng giám đốc tên Lê Vịnh không sợ bị nói là… “điên”, một mình đến thẳng Bệnh viện tâm thần đặt vấn đề: “Tôi bị tâm thần, bác sĩ có thuốc gì chữa cho tôi khỏi dứt điểm được không?"
Vị phó tổng giám đốc này tự nhận đã bị tâm thần đã 5 - 6 năm, nhưng ông vẫn có đủ sức lãnh đạo công ty. Duy chỉ có điều ông chỉ “điên theo giờ” - một ngày ông chỉ bị 1 - 2 tiếng đồng hồ. Những lúc đó ông mất kiểm soát, không nhận thức được việc mình làm. Nhưng sau khoảng thời gian ấy, ông lại tỉnh táo. Vị phó tổng giám đốc này đã không ít lần tâm sự với vợ con về tình trạng bệnh của mình, nhưng đều bị họ gạt phăng đi và cho rằng ông nói đùa.
BS Đặng cho biết, ông Vịnh được kết luận mắc chứng rối loạn trầm cảm. Sau khi được bác sỹ kê đơn, ông vui vẻ ra về và uống thuốc đều đặn theo toa bác sĩ kê. Sau đó một năm, vị phó tổng giám đốc đã thoát khỏi tình cảnh “điên theo giờ”, ông mừng rỡ phóng xe hạng sang đến viện cảm ơn bác sĩ.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.