"Đại gia" Nam kỳ: Hội đồng Trạch-nhiều đất nhất Đông Dương

Ông Trần Trinh Trạch, hay Hội đồng Trạch, vốn được biết như một đại điền chủ nhiều ruộng đất nhất Nam Bộ. Giàu có nhưng ông lại là người chí thú làm ăn, không ăn chơi gì nhiều trừ vài chuyện liên quan đến Công tử Bạc Liêu.

LTS: Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, ở miền Nam xuất hiện nhiều gương mặt “đại gia” sở hữu tiền muôn bạc vạn, được thiên hạ nể vì, loạt bài này sẽ điểm qua chân dung của những phú hộ làm giàu từ đủ mọi cách thức khác nhau, đủ cả “thiện, tà”.

“Khi tôi sinh ra thì ông nội đã mất ba năm rồi, tôi chỉ biết cha tôi. Chứ mẹ cũng mất sớm” - ông Trần Trinh Đức, cháu nội của ông Trần Trinh Trạch, con ruột của ông Trần Trinh Huy, tức “Công tử Bạc Liêu” với giai thoại nổi tiếng đốt tiền cho người đẹp kiếm kẹp tóc trong rạp hát…, kể lại.

Gặp người cháu nội của ông hội đồng

Nhìn người đàn ông đầu ngả bạc, từng phải làm đủ thứ nghề để kiếm sống từ bán đồ điện tử ở chợ Huỳnh Thúc Kháng, qua Campuchia bán giày dép cũ, rồi chạy xe ôm, đến cuối đời mới về lại quê nhà Bạc Liêu và được tỉnh giao cho công việc hướng dẫn viên du lịch tại khách sạn Công tử Bạc Liêu, cũng chính là cơ ngơi cũ của gia tộc Trần Trinh khét tiếng thuở nào, không thể tin được sự xuống dốc của dòng họ đã từng sở hữu số ruộng đất “cò bay mỏi cánh” nhiều nhất Đông Dương một thuở và những giai thoại “đốt tiền” đúng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Ông Trần Trinh Đức kể: “Ngày nhỏ ở với các mẹ kế (do Công tử Bạc Liêu có tới bốn vợ), năm bảy tuổi cha tôi cho lên Sóc Trăng học nội trú ở trường Tây, cuối tuần mới đón về chơi. Nhờ học tiếng Anh, sau này bị bắt khi đi quân dịch tôi được cho làm phiên dịch, công việc nhẹ nhàng, không phải ra trận. Nhưng tính mê chơi, ham nhảy đầm nên tôi trốn lính, sống cuộc đời rày đây mai đó miễn được tự do làm điều mình muốn…”.

Giàu nhờ lúa và muối

Ông Trần Trinh Trạch vốn sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở Bạc Liêu, lúc nhỏ ông phải đi ở đợ cho một gia đình giàu có trong vùng đã gia nhập quốc tịch Pháp, “dân Tây” phải đi học tiếng Pháp mà gia đình này có một cậu ấm bằng tuổi ông vốn làm biếng, ham chơi nên ông Trạch được cho đi học thay, nhờ cơ may làm “hình nhân thế mạng” này ông được biết cả chữ quốc ngữ lẫn tiếng Pháp. Với vốn liếng học hành đó khi lớn lên, ông Trạch không đi làm thuê làm mướn nữa mà xin vào làm trong Tòa hành chính tỉnh Bạc Liêu và trở thành “thầy ký”.

Ông Phan Văn Bì là bá hộ có ruộng đất nhiều nhất ở Bạc Liêu, ông còn được mệnh danh là vua lúa gạo miền Tây, thường lên Tòa hành chính tỉnh để đóng thuế đã để mắt tới thầy ký Trạch còn trẻ mà mặt mày sáng sủa, hiểu biết nên mời về nhà chơi, để cô con gái thứ tư tên Phan Thị Muồi coi mắt thầy ký. Khi hai bên đều đã ưng nhau, ông Bì cho tổ chức đám cưới và cho một số ruộng đất làm vốn. Ông Trạch thôi làm thầy ký về làm điền chủ, nhờ thông minh, chăm chỉ lại không ăn chơi nên ông đã phất lên nhanh chóng, các lô ruộng đất của những người con khác của ông Bì do ham mê cờ bạc đều lần lượt cầm cố về tay ông Trạch hết. Sau khi đã gom hết ruộng đất của người nhà, ông Trạch tiếp tục công việc cầm cố đất đai của nhiều điền chủ sa cơ lỡ vận (do làm ăn thua lỗ hoặc bài bạc) và ngày càng giàu có.

Thế nhưng sự thịnh vượng của ông Trần Trinh Trạch ngày càng tấn tới khi ông đầu tư vào ruộng muối, đến khi ông trúng thầu trở thành nhà cung cấp muối cho cả Nam Kỳ thì hoa lợi từ ruộng lúa và ruộng muối đã không thể kể xiết, từ đó ông tiếp tục mua thêm ruộng và trở thành đại điền chủ có số ruộng đất nhiều nhất Đông Dương. Cả tỉnh Bạc Liêu có 13 lô ruộng muối thì ông Trạch chiếm tới 11 lô, với hơn 50.000 mẫu ruộng muối. Riêng ruộng lúa ông có 74 sở điền, các con số ghi lại đều khác nhau, lúc thì 110.000 mẫu, lúc thì 150.000 mẫu. Ông Trần Trinh Đức khẳng định con số có thể chính xác nhất là 145.000 mẫu ruộng lúa. Không có đại điền chủ nào ở Nam Bộ nào có thể sánh với ông Trần Trinh Trạch về số ruộng đất này.

"Đại gia" Nam kỳ: Hội đồng Trạch-nhiều đất nhất Đông Dương - 1

Ông Trần Trinh Đức, con của Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy.

Mua siêu xe và sắm máy bay

Ông Trạch có bảy người con, trong đó có ba con trai. Người con thứ hai, còn gọi cậu Ba Huy, là người ông đặt niềm tin nhiều nhất sẽ trở thành người thay ông nắm cơ nghiệp và quản lý điền thổ nên khi lớn ông cho lên Sài Gòn học, sau đó cậu Ba Huy xin được qua Pháp du học, ông Trạch đồng ý ngay không cần suy nghĩ, bởi ông nhận thức ông có được cơ nghiệp ngày hôm nay chính nhờ cái sự học, huống hồ qua tận nước Pháp, bao nhiêu tiền ông cũng bỏ ra hết.

Ngày cậu Ba Huy học thành tài về nước, ông Hội đồng Trạch lên tận Sài Gòn đón con. Ông quyết định mua thêm một xe hơi mới thật “xịn” thay cho chiếc xe Ford đang xài để cậu Ba áo gấm về làng. Trong Công tử Bạc Liêu của tác giả Nguyên Hùng kể lại, ông Trạch mướn khách sạn trước chợ Bến Thành, đoạn thả bộ ra ngã tư Charner - Bonard (giờ là ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi) có một hãng bán xe hơi danh tiếng để coi xe. Bọn Tây trong hãng thấy một ông già nhà quê bận bộ bà ba lục soạn trắng, đi giày hàm ếch, tay ôm cái “mo cau” bự bự thì tỏ ra coi thường, miễn cưỡng tiếp ra mặt. Mặc kệ sự khinh khi của bọn nó, ông điềm nhiên xem chiếc xe Chevrolet mắc tiền nhất, kêu sốp phơ (tài xế) kiểm tra kỹ càng, rồi ông leo lên ngồi thử xem có vừa ý không, đến khi ưng rồi ông mới mở cái “mo cau” ra trả tiền mua luôn, lúc đó bọn Tây mới hết hồn vì trong cái mo cau căng phồng đó là hàng chồng giấy “con công” (tờ tiền mệnh giá 100 đồng có hình con công, cao nhất, giá trị tương đương cỡ 15 triệu đồng bây giờ).

Cậu Ba Huy khoe học ở Pháp có học lái xe hơi, có cả bằng lái máy bay rồi thuyết phục ông Trạch nên mua máy bay, vì có máy bay thăm lúa rất nhanh, đồng thời nếu có dịch sâu rầy, cào cào, châu chấu thì dùng máy bay phun thuốc trừ sâu sẽ rất nhanh và hiệu quả hơn phun xịt thủ công bình thường. Bùi tai, ông Trạch duyệt luôn, cậu Ba Huy đặt mua một chiếc (không có tư liệu nhưng khả năng là chiếc Morane, máy bay dân sự hai chỗ ngồi khá thời thượng lúc đó, trị giá tầm 100 kg vàng). Ngày 24-6-1932, trên tờ báo La Courrier Saigonnais đã loan tin giật gân với tít lớn ở trang nhất: “M.Tran Trinh Huy propriétaire à Baclieu possède, un avion et il aménage une piste d atterrissage sur sa propriété à Camau”, có nghĩa “Ông điền chủ Trần Trinh Huy ở Bạc Liêu sắm một chiếc máy bay và làm sân bay trên đất của ông ở Cà Mau”.

Gia sản khổng lồ thành cát bụi

Giàu có nhưng ông Trần Trinh Trạch lại là người chí thú làm ăn, không ăn chơi gì nhiều trừ hai sự kiện kể trên liên quan đến Công tử Bạc Liêu. Ông lại là người có tiếng đứng đắn, chung thủy với vợ, không nghe có chuyện trăng hoa mèo mỡ. Sau dịp mừng thọ 70 tuổi, ông Trạch muốn đi chơi dối già, cậu Ba Huy lái xe đưa ông lên Sài Gòn chơi, tắm biển Vũng Tàu rồi lên Đà Lạt nhưng sau khi tắm biển lâu quá ông bị cảm lạnh, sức yếu nên mất luôn. Sợ điều tiếng, cậu Ba Huy lái xe chở thẳng ông về Bạc Liêu, đặt ông ngồi ngay ngắn ở ghế sau cho đeo kiếng như đang đi thăm ruộng, đến khi về tới nhà mới phát tang. Đám tang kéo dài bảy ngày bảy đêm, tá điền, dân chúng tới viếng và đeo tang đều được đãi ăn uống và cho một cắc (tương đương 1 giạ lúa). Đám tang ông cả chục ngàn người tham gia, tới mức xe tang đã đến nghĩa trang cách thị xã Bạc Liêu 5 km mà dòng người đi theo vẫn chưa ra khỏi thị xã.

Không ai ngờ cả đời ông Hội đồng Trạch cần kiệm làm nên khối tài sản lớn như thế mà con cái lại tiêu xài phá tán hết, nhất là Công tử Bạc Liêu khét tiếng ăn chơi. Ruộng đất mai một, sau này chế độ cũ hai lần áp dụng chính sách cải cách điền địa nên ruộng đất bị truất hữu. Được bồi thường một số tiền nhưng các con cháu của ông Trạch không biết làm ăn nên quyết định đem số tiền này cộng với tiền bán một số căn biệt thự trên Sài Gòn gửi ngân hàng để lấy tiền lãi chia nhau sống. Sau 1975, với mấy lần đổi tiền, số tiền cuối cùng trong ngân hàng này cũng đã bay luôn theo gió, về với cát bụi. Các con cháu ông không hợp tính nhau nên tản mát mỗi người một nơi, chỉ còn ông Đức quyết định về lại Bạc Liêu gắn bó với căn nhà cũ làm hướng dẫn viên du lịch, gia đình ông được chính quyền cho ở tại một căn nhà tái định cư đến bây giờ.

ôi hỏi ông: “Người Nam Bộ hay nói “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, ông nội và cha anh rất giàu mà tới đời anh trắng tay, anh có tin câu này không?”  thì Đức cười nói: “Nhìn vào gia cảnh dòng họ Trần Trinh của tôi, muốn không tin cũng không được. Khi có tiền hay không có tiền cũng vậy, tôi luôn ráng sống theo ý mình và không làm điều xấu ảnh hưởng tới thanh danh tổ tiên. Cuộc đời tôi còn lại như lục bình, nước trôi đến đâu thì đến, không than van, oán trách gì cả…”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Trường Giang (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN