Đại biểu Quốc hội chất vấn vụ bầu Kiên

“Sao các bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ nhưng hầu hết mức án đều được tuyên ở khung hình phạt thấp?”.

Trong phiên chất vấn Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh tại Quốc hội, sáng 12/6,  đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đề cập đến vụ án Nguyễn Đức Kiên - và đồng phạm vừa được xét xử sơ thẩm.

Ông Sơn chất vấn, sao các bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ mà hầu hết đều được tuyên ở khung hình phạt thấp? Mức án đó liệu đủ sức răn đe, phòng chống tham nhũng hay không? Sao Viện Kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố, tòa kết tội nhưng các bị cáo vẫn kêu oan, phải chăng luật pháp của chúng ta có cách hiểu và vận dụng khác nhau?

Câu hỏi chất vấn này cũng được Đại biểu Sơn cũng chuyển đến Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

Đại biểu Quốc hội chất vấn vụ bầu Kiên - 1

Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh

Trả lời vấn đề này, Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho biết quan điểm, trên cơ sở mức độ vi phạm mà xét xử nghiêm minh, còn xét xử nặng nhẹ là trách nhiệm của cơ quan truy tố xét xử.

5 phút cuối cùng của phiên chất vấn sáng 12/6, Chủ tịch Quốc hội Nguyên Sinh Hùng, đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Trương Hòa Bình trả lời rõ chất vấn của đại biểu Nguyễn Anh Sơn về “vụ án bầu Kiên”.

Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, vụ án Nguyễn Đức Kiên đã được đưa ra xét xử theo trình tự sơ thẩm. Tòa án xét xử dựa trên nguyên tắc, thông qua việc tranh tụng tại Tòa án, để xem xét toàn diện tất cả các chứng cứ buộc tội, gỡ tội và đối chiếu với pháp luật để xử lý đúng người đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan cho người vô tội, không để lọt tội phạm.

“Xét xử, ra quyết định tuyên một bản án, kết án đối với người phạm tội, phải kết hợp các nguyên tắc trừng trị với khoan hồng”, Chánh án Trương Hòa Bình nói.

Theo ông, Tòa án Hà Nội đã xét xử cấp sơ thẩm, theo nguyên tắc Hội đồng xét xử độc lập, tuân theo pháp luật và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.

Tòa sơ thẩm TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt 4 tội với bị cáo Nguyễn Đức Kiên: 20 tháng tù về tội "Kinh doanh trái phép", 6 năm 6 tháng về tội "Trốn thuế", 20 năm về tội "Lừa đảo", 18 năm về tội "Cố ý làm trái". Tổng mức án cộng lại là hơn 46 năm 2 tháng tù. Tuy nhiên theo Bộ Luật TTHS, tổng mức án tù có thời hạn cao nhất không quá 30 năm. VÌ vậy bầu Kiên bị kết án 30 năm tù.

Đại biểu Quốc hội chất vấn vụ bầu Kiên - 2

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình

Chánh án Trương Hòa Bình kết luận, đây là trường hợp phạm nhiều tội, theo Bộ Luật hình sự, mức án cao nhất 30 năm tù. Như vậy, mức án Hội đồng xét xử tuyên đều cao hơn đề nghị của Viện Kiểm sát.

“Mức án 30 năm tù, so với một đời người có lẽ là không thấp”, Chánh án bày tỏ.

Hội đồng xét xử còn tuyên bị cáo phạt 3 lần tiền trốn thuế, 75 tỷ, phạt 100 triệu đồng tội lừa đảo, cấm hành nghề liên quan đến hoạt động ngân hàng trong 5 năm. Hội đồng xét xử khởi tố tiếp hai vụ án hình sự tại tòa, yêu cầu Viện Kiểm sát xem xét tách nhiệm hình sự của nhiều trường hợp khác.

Chánh án nhận xét, đây là một bản án đã tuyên “khá toàn diện”.

“Tôi với tư cách là Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao phải tôn trọng quyết định của Hội đồng xét xử. Nếu vụ án có kháng cáo, kháng nghị, Tòa án tiếp tục xem xét theo trình tự phúc thẩm theo quy định của  pháp luật”, Chánh án bày tỏ quan điểm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN