Vụ tai nạn 5 người chết ở Đồng Nai: Trách nhiệm của chủ xe như thế nào?

Sự kiện: An toàn giao thông

Chủ xe là nhà xe Thành Bưởi sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông.

Liên quan đến vụ tai nạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm năm người chết trên tuyến Quốc lộ 20, mới đây thông tin từ cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai cho hay bước đầu Hoàng Văn Tính (37 tuổi), tài xế khách giường nằm nhà xe Thành Bưởi khai đang bị Công an tỉnh Lâm Đồng tước bằng lái ba tháng.

Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án, tạm giữ Hoàng Văn Tính để điều tra về hành vi vi phạm quy định về giao thông đường bộ. Như vậy, tại thời điểm gây tai nạn Tính đang bị tước bằng lái nhưng vẫn điều khiển xe.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, Luật sư Từ Tiến Đạt, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, Khoản 4, Điều 81 Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021) quy định trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép nếu cá nhân, tổ chức vẫn tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép thì bị xử phạt như hành vi không có giấy phép.

Xe khách giường nằm của nhà xe Thành Bưởi. Ảnh: CA.

Xe khách giường nằm của nhà xe Thành Bưởi. Ảnh: CA.

Do đó, trong trường hợp này tài xế Tính điều khiển xe trong khi giấy phép lái xe đang bị tước quyền sử dụng ba tháng thì sẽ bị xử phạt về hành vi không có giấy phép lái xe.

Mức xử phạt hành chính đối với lỗi người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô mà không có giấy phép lái xe là 10-12 triệu đồng.

Tuy nhiên, trong trường hợp này cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam tài xế Tính để điều tra về hành vi vi phạm quy định về giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nên sẽ không xem xét đến xử phạt hành chính.

Theo quy định tại Điều 260 thì tình tiết phạm tội mà không có giấy phép lái xe không thuộc các trường hợp là tình tiết tăng nặng theo quy định tại Điều 52 BLHS mà đây là tình tiết định khung hình phạt tại khoản 2 của tội này (khung hình phạt 3-10 năm tù). Trong vụ việc này đã có năm người chết nên khung hình phạt là 7-15 năm tù (khoản 3 Điều 260 Bộ Luật Hình sự 2015).

Về trách nhiệm của hãng xe Thành Bưởi, là đơn vị quản lý tài xế, thời điểm tài xế Tính bị tước giấy phép lái xe, không thể không biết việc của tài xế này. Căn cứ điểm h khoản 8 Điều 30 Nghị định 100/2019, chủ xe giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông thì bị phạt tiền 8-12 triệu đồng.

Cạnh đó, chủ xe cũng có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn hoặc chủ xe, hãng xe sẽ đứng ra bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình các nạn nhân (sau đó chủ xe và tài xế tự phân định mức bồi thường với nhau).

Ngoài ra, trong trường hợp này cơ quan chức năng cần làm rõ chủ xe là cá nhân hay doanh nghiệp.

Nếu chủ xe là cá nhân và chứng minh được cá nhân này biết rõ tài xế Tính bị tước bằng lái, không có bằng lái mà vẫn giao xe thì có thể xem xét trách nhiệm hình sự về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015.

Trường hợp chủ xe là doanh nghiệp thì rất khó để xử lý theo quy định tại Điều 264 vì chủ thể trong cấu thành tội phạm của tội này phải là cá nhân.

Nguồn: [Link nguồn]

Tài xế xe khách gây tai nạn 5 người chết ở Đồng Nai đang bị tước bằng lái 3 tháng

Bước đầu tài xế gây tai nạn làm 5 người chết ở Đồng Nai khai nhận trước khi xảy ra vụ tai nạn đã bị tước bằng lái 3 tháng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đặng Lê ([Tên nguồn])
An toàn giao thông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN