Đã có kết quả xét nghiệm HIV của 17 người tham gia cấp cứu TNGT
Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum đã xét nghiệm HIV cho 17 cán bộ nhân viên y tế tham gia hỗ trợ cấp cứu nạn nhân trong vụ tai nạn ở Kon Tum.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông ở Kon Tum
Ngày 30/6 vừa qua, trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua thôn 11 X. Đăk Hrinh (Đăk Hà, Kon Tum) đã xảy ra vụ TNGT giữa hai xe khách 16 chỗ tông trực diện khiến 4 người tử vong và làm 10 người khác bị thương. Tham gia cấp cứu các nạn nhân vụ tai nạn có 24 người, trong đó có 17 cán bộ ý tế và 7 người dân.
Tuy nhiên, khi đưa được các nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất, họ nhận được thông tin có một nạn nhân bị nhiễm HIV, 24 người này đã rất lo lắng khi bị nghi ngờ phơi nhiễm HIV.
Trao đổi với PV ngày 3/7, bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum cho biết, sau sự việc xảy ra, Trung tâm đã xét nghiệm HIV cho 17 cán bộ nhân viên y tế tham gia hỗ trợ cấp cứu nạn nhân trong vụ tai nạn. Kết quả xét nghiệm có 17/17 trường hợp có kết quả HIV âm tính.
Ngoài ra, trong quá trình cấp cứu các nạn nhân còn có sự tham gia của 7 người dân cũng bị nghi ngờ phơi nhiễm HIV. Trong đó, gia đình và cá nhân anh Lê Văn Tùng (28 tuổi, trú tại thôn 11, X. Đăk Hrinh, H. Đăk Hà, T. Kon Tum) đã trực tiếp sử dụng chiếc xe ô tô tải của mình nhanh chóng đưa 8 nạn nhân lên xe để đưa đến Trung tâm y tế huyện Đăk Hà để cấp cứu.
Anh Tùng đã đến Trung tâm y tế của huyện Đăk Hà để được tư vấn và điều trị miễn phí. Tuy nhiên, sáng 1/7, một bác sĩ ở Trung tâm cho biết, muốn chống phơi nhiễm HIV thì phải bỏ tiền mua thuốc.
Theo đó, tại Trung tâm y tế huyện, anh Tùng và anh Đức đồng ý mua 2 hộp thuốc trị giá 2,4 triệu đồng và bác sĩ này cho biết đã giảm giá 300 nghìn đồng…
Vẫn bức xúc nên anh Tùng đã để bài viết trên facebook dưới dạng công khai. Nhiều người tỏ ra phẫn nộ vì nhân viên y tế thu tiền chống phơi nhiễm HIV sau khi anh Tùng cứu người bị tai nạn giao thông.
Anh Tùng bức xúc việc gặp rắc rối khi tự cứu mình trước nguy cơ bội nhiễm do tiếp xúc với nạn nhân TNGT bị HIV
Đến thời điểm này, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum đã cấp phát thuốc miễn phí và bảo đảm người bị phơi nhiễm được uống thuốc dự phòng trước 72 giờ theo đúng phác đồ điều trị dự phòng phơi nhiễm với HIV cho 24 trường hợp bị phơi nhiễm HIV sau cấp cứu người tai nạn giao thông.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trung tâm sẽ thực hiện tư vấn cho 24 trường hợp được điều trị dự phòng phơi nhiễm quay lại xét nghiệm theo quy định sau 3 tháng, 6 tháng.
Liên quan đến những rắc rối trong việc cấp miễn phí thuốc phơi nhiễm HIV do anh Tùng phản ánh, ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống AIDS, Bộ Y tế bày tỏ: “Tôi rất bức xúc khi tiếp nhận thông tin thu tiền thuốc ARV của người bị phơi nhiễm cấp cứu tai nạn giao thông. Chúng tôi sẽ xác minh, nếu nhân viên y tế thu tiền của người phơi nhiễm HIV sẽ trả lại tiền cho công dân tham gia cứu người trong vụ tai nạn tại Kon Tum”. Theo ông Cảnh, trong quy định, không cấp thuốc ARV miễn phí cho người phơi nhiễm HIV. Tuy nhiên, do đây là trường hợp cứu người do tai nạn nên Bộ Y tế linh động, yêu cầu Sở Y tế Kon Tum không được thu tiền của bất cứ ai bị phơi nhiễm HIV. Ngoài ra, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng yêu cầu các đơn vị thăm hỏi, động viên những người dân và các cán bộ y tế đã tích cực, dũng cảm tham gia cấp cứu người bị nạn: Ưu tiên, khen thưởng đặc biệt đối với cá nhân lấy xe gia đình chở người gặp nạn đi cấp cứu. |
Dính kim tiêm “nữ quái” buôn bán ma túy bị bệnh HIV, nhưng nữ trinh sát T quyết định không uống thuốc chống phơi nhiễm,...