Cứu sống nam thanh niên đuối nước, ngừng tuần hoàn

Bệnh nhân N.Đ.N.K (19 tuổi, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) hôn mê sau ngừng tuần hoàn do đuối nước vừa được các bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cứu sống.

Theo người nhà bệnh nhân, anh K. vào viện cách đây 2 tuần. Trước đó, vào chiều ngày 11.7, anh K. đi bơi cùng bạn bè tại hồ nước sâu. Do đuối sức, anh K. không thể bơi vào bờ. Bạn bè cố tìm cách kéo nạn nhân lên nhưng bất thành. Anh K. chìm xuống hồ khoảng 3 - 5 phút thì được người dân vớt lên.

Khi được vớt lên bờ, anh K. đã rơi vào tình trạng hôn mê, tái nhợt toàn thân, ngừng thở và mạch cảnh mất.

Sau khi được cấp cứu ngừng tuần hoàn (ép tim và thổi ngạt) khoảng 10 phút, anh K. thở trở lại. Người thân đưa anh vào Bệnh viện huyện Sóc Sơn. Tại đây, anh K. được cấp cứu, đặt ống nội khí quản và thở máy.

Khoảng 3 giờ sau, nam thanh niên được chuyển tới Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai.

Cứu sống nam thanh niên đuối nước, ngừng tuần hoàn - 1

Bệnh nhân đuối nước ngừng tuần hoàn vừa được cứu sống

Tại đây, bệnh nhân hôn mê sâu, thở máy qua ống nội khí quản, tim nhịp nhanh… Bệnh nhân được dùng thuốc an thần, thở máy theo chế độ tổn thương phổi cấp, kháng sinh, dịch truyền và điện giải.

Sau 5 giờ ngừng tuần hoàn, anh K. được thực hiện kỹ thuật hạ thân nhiệt trung tâm. Sau 24 giờ điều trị, tình trạng ý thức bệnh nhân cải thiện. Tuy nhiên, tình trạng hô hấp bắt đầu xấu hơn và xuất hiện sốt.

Đến nay, sau 10 ngày, hô hấp bệnh nhân cải thiện rõ. Bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, được thôi thở máy và rút ống nội khí quản.

Theo bác sĩ Lương Quốc Chính, Bệnh viện Bạch Mai, điều đáng lưu ý trong trường hợp này là bệnh nhân được sơ cứu ban đầu rất hiệu quả, tạo thuận lợi cho công tác cấp cứu và hồi sức sau này của y bác sĩ.

Bác sĩ khuyến cáo, khi bị đuối nước, nếu nạn nhân mất ý thức, ngừng thở, hoặc ngừng tim, phải sơ cứu ban đầu, đồng thời kêu người hỗ trợ và nhanh chóng gọi dịch vụ cấp cứu y tế 115.

Ngoài ra, bệnh nhân hít phải nước và sau đó thở ngáp, ho ra bọt màu hồng, nôn mửa, hoặc thở nhanh, lú lẫn hoặc dường như ở trong trạng thái thay đổi tâm thần. Nếu bệnh nhân bị ho, khạc đờm máu, thở nhanh, thở nông, khó thở, sốt, yếu mệt bất thường, thở rít (thờ khò khè), đau ngực, phải chuyển đến cơ sở y tế.

Cách sơ cứu khi bị ngạt nước

Bước 1: Nhanh chóng đưa người đuối nước khỏi mặt nước bằng mọi cách.

Bước 2: Nằm chỗ khô ráo, thoáng khí.

Bước 3: Nếu người đuối nước bất tỉnh, hãy kiểm tra xem còn thở không bằng cách quan sát xem lồng ngực có di động hay không.

Nếu lồng ngực không di động phải hô hấp nhân tạo (thổi ngạt bằng miệng) ngay lập tức. Sau khi thổi ngạt 2 cái, cần kiểm tra xem tim còn đập hay không bằng cách bắt mạch cảnh, bẹn, hoặc áp tai vào lồng ngực bên trái xem có tiếng tim đập không.

Nếu không bắt được mạch chứng tỏ tim đã ngừng đập, cần phải hô hấp nhân tạo kèm theo ép tim ngoài lồng ngực (ép tim 15 cái thì thổi ngạt 2 cái). Sau đó vừa làm vừa đưa người đuối nước đi viện.

Nếu người đuối nước còn tự thở, cho nằm nghiêng sang một bên. Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm. Nhanh chóng đưa người đuối nước đến bệnh viện gần nhất vì có thể sẽ xảy ra khó thở tái diễn.

(PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN