Cứu người gặp nạn: Vì sao vô cảm?

Chỉ vì sự vô cảm của người đi đường trước tai nạn giao thông, nhiều nạn nhân đã tử vong do được đưa đi cấp cứu muộn.

Chậm một phút là mất mạng người

Ngày 20/5/2012, trên đường tỉnh lộ 43, hai xe máy lao vào nhau, nạn nhân văng ra đường nằm bất động, người dân hai bên đường ùa vào xem còn nạn nhân là anh Nguyễn Văn Phương vẫn nằm tại hiện trường.

Gần nửa tiếng sau, anh Phương (21 tuổi, quê ở Tiền Giang, công nhân thuộc khu công nghiệp Đồng An, Bình Dương, TP.HCM) mới được một ông lão chạy xe ba gác đưa vào cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Hoàn Hảo trong tình trạng mất máu nghiêm trọng, nứt hộp sọ do bị va đập mạnh, từ đó đến nay anh bị liệt nửa người không thể đi lại được.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Phái làm việc tại bệnh viện Hoàn Hảo cho biết: “Nhiều bệnh nhân gặp tai nạn giao thông được đưa đến bệnh viện ở trong tình trạng nguy kịch, vì được đưa vào quá chậm trễ. Những trường hợp ấy có thể đã được cứu chữa dễ dàng nếu bệnh nhân được đưa đến bệnh viện sớm”.

Cứu người gặp nạn: Vì sao vô cảm? - 1

Người đi đường thờ ơ bỏ mặc nạn nhân bị nạn nằm bất động trên quốc lộ 1A (TPHCM)

Tháng 2/2012, bệnh nhân Nguyễn Thành Phúc được một cán bộ dân phòng đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng rách vùng bụng, gãy chân, đầu bị chấn thương rất nặng. Do chấn thương quá nặng nên anh Phúc đã không thể qua khỏi – bác sĩ Phái kể.

Anh Phúc bị tai nạn trên quốc lộ 1A (trước chợ đầu mối Thủ Đức, TP.HCM), người dân qua đường không ai đưa anh này đi cấp cứu. Phải gần một tiếng sau, khi dân phòng tới hiện trường nạn nhân mới được đưa tới bệnh viện.

Trường hợp của nạn nhân Nguyễn Thị Minh Nguyệt (ngụ xã Thuận An, Bình Dương) đang mang bầu gặp tai nạn trên quốc lộ 13, đưa vào bệnh viện chậm khiến chị mất đi đứa con trai đầu lòng và mất luôn khả năng sinh con.

Bác sĩ chẩn đoán chị Nguyệt bị chấn thương vùng ngực và bụng, dẫn đến xuất huyết từ vùng kín. Người đưa chị đến bệnh viện là anh Mai Văn Nga (sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM) nói với các bác sĩ kíp trực, người dân đi đường không ai dừng xe lại đưa chị này đi cấp cứu. Khi anh Tùng dừng xe tại hiện trường, máu đã chảy thấm ướt hết người chị Nguyệt, anh Tùng liền đưa chị đến bệnh viện cấp cứu.

Bị hiểu nhầm

Đi tìm câu trả lời cho căn bệnh vô cảm của nhiều người đi đường, chúng tôi đã tìm đến các bệnh viện chuyên tiếp nhận các ca cấp cứu người tai nạn giao thông tại TPHCM.

Bác sĩ Hoàng Tùng, khoa ngoại Bệnh viện đa khoa Sài Gòn TP.HCM cho hay: Từ đầu năm tới nay, bệnh viện có 192 ca cấp cứu người tai nạn giao thông, trong đó có không ít trường hợp “làm phúc phải tội” vì đưa người tai nạn đến bệnh viện.

Khi người nhà nạn nhân tới bệnh viện thì chính người đưa đi cấp cứu lại trở thành “khổ chủ”, khi bị người thân nạn nhân bắt vạ. Bác sĩ Tùng cho biết, tháng 7/2012, nạn nhân tên Kim Tuấn S. (sinh năm 1961, quận 1, TP.HCM) bị tai nạn giao thông, được một thanh niên trẻ tuổi đưa vào bệnh viện trong tình trạng hôn mê bất tỉnh.

Khi vợ nạn nhân tới, có hỏi bác sĩ về tài sản của người bệnh khi được đưa vào bệnh viện. Vì trước đó, theo thủ tục bác sĩ, y tá và bảo vệ đã kiểm kê tài sản trên người bệnh để hoàn trả lại cho người nhà của họ.

Nhưng ngay sau đó, bà này đòi gặp bằng được người đưa anh S. vào bệnh viện. Và rồi, anh chàng thanh niên bị bà vợ bắt vạ rằng anh này đã lấy đi số tiền 5 triệu đồng. Dù anh thanh niên giải thích hết lời chỉ đưa giúp nạn nhân đi cấp cứu, chứ không biết trong người anh S. có gì, bà vợ vẫn làm tới, đòi anh lên cơ quan công an để làm rõ sự tình – bác sĩ Tùng kể lại.

Cứu người gặp nạn: Vì sao vô cảm? - 2

Vụ tai nạn xảy ra trên tuyến đường Phan Bội Châu (TP. Quảng Ngãi) nhưng không một ai đưa nạn nhân đi cấp cứu

15g, ngày 6/8/2012, anh Bùi Quang H., sinh năm 1984 (ngụ tại P.10, Q.8. TP.HCM) bị tai nạn giao thông, được người dân đưa tới bệnh viện. Sau khi chẩn đoán, anh này bị chấn thương đốt sống cổ, tình trạng hết sức nguy kịch đã tử vong sau đó nửa tiếng.

Sau khi xem xét kĩ, các bác sĩ nhận định tình trạng chấn thương của nạn nhân không nguy hiểm đến tính mạng nếu được cứu đúng cách ngay từ ban đầu. Nguyên nhân dẫn tử vong là do nạn nhân không được sơ cứu, gia cố chắc phần cổ, trong lúc đưa tới bệnh viện phần đầu lắc qua lắc lại khiến cho đốt sống cổ bị tổn thương nghiêm trọng hơn. Người dân có lòng cứu người nhưng vô tình đã gián tiếp hại đến người bị nạn.

Kể với chúng tôi câu chuyện trên, bác sĩ Tùng cho hay, một phần căn bệnh vô cảm cũng là do không ít người dân sợ bị bắt vạ hoặc ngại “phiền phức” với thủ thục hành chính, pháp lý... Cụ thể, trong trường hợp cứu người bị tai nạn, họ phải để lại tên tuổi, địa chỉ, rồi phải trình bày với cơ quan chức năng, bệnh viện... sự việc tại hiện trường.

Thủ tục trên là quy định chung của các bệnh viện, ngoài ra những “Lục Vân Tiên” này còn phải đến cơ quan công an để khai báo vụ việc. Cách đây hơn một tháng, một vụ cãi vã giữa người cứu bệnh nhân với công an ngay tại bệnh viện, vì họ không cho đi với lý do về cơ quan để lập biên bản vụ việc.

Cứu người gặp nạn: Vì sao vô cảm? - 3

PGS-TS Nguyễn Minh Đức

Theo quy định pháp luật, một người có đủ điều kiện để cứu giúp người bị nạn trong tình trạng nguy hiểm tính mạng nhưng bỏ mặc có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên trên thực tế vẫn khó xử lý, bởi rất khó chứng minh được thời điểm đó người ta có đủ điều kiện để cứu giúp.

Khi thấy người bị tai nạn, nhiều người có tâm lý cho rằng: đường phố đông người qua lại, mình không cứu sẽ có người khác cứu; sợ tai bay vạ gió; đã có cơ quan chức năng; mải công việc. Nhưng có những người cứu, sau đó bị oan. Người nhà nạn nhân nghĩ rằng người cứu đó chính là người gây tai nạn nên đã chửi bới, xúc phạm thậm chí hành hung. Nếu mất đồ lại nghĩ ngày rằng người đó lấy.

Những ai đó chẳng may bị tai nạn, và gia đình nạn nhân trước hết phải xác định giá trị con người, sức khỏe, tính mạng là quan trọng nhất. Trước khi nghi ngờ cần hiểu rằng nhờ người cứu giúp đó, có thể mình hay người thân của mình mới có cơ hội được sống.

PGS.TS. Thượng tá Nguyễn Minh Đức (TT Nghiên cứu Tội phạm học)

Cứu người gặp nạn: Vì sao vô cảm? - 4

Đại tá Nguyễn Duy Ngọc

Người Việt vốn có truyền thống đạo đức tương thân, tương ái đặc biệt trong hoạn nạn. Luật pháp cũng đã điều chỉnh về vấn đề này. Chúng ta không những phải phát huy truyền thống đó mà còn phải nắm rõ quy định của pháp luật để hành động đúng đắn, lên án những hành vi vô cảm. Như vậy, hỗ trợ, kêu gọi mọi người hỗ trợ, cũng như cung cấp thông tin đến cơ quan chức năng trong những vụ tai nạn giao thông là trách nhiệm của mỗi cá nhân và tổ chức.

Đại tá Nguyễn Duy Ngọc (Trưởng phòng CSGT TP. Hà Nội)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thế Sơn - Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Lạnh lùng bỏ mặc nạn nhân TNGT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN