Cựu chủ tịch SCB: 'Chắc cha mẹ ở nhà khóc hết nước mắt'

TP HCM - Ông Bùi Anh Dũng, cựu chủ tịch SCB, cho rằng bị VKS đề nghị mức án chung thân là quá nghiêm khắc, có lẽ cha mẹ già ở nhà khóc hết nước mắt.

Chiều 21/3, các bị cáo là cựu lãnh đạo SCB cùng luật sư đã bào chữa về cáo buộc giúp sức tích cực cho bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) rút tiền của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).

Bị cáo Bùi Anh Dũng. Ảnh: Hoàng Hùng

Bị cáo Bùi Anh Dũng. Ảnh: Hoàng Hùng

Tự bào chữa, ông Bùi Anh Dũng, cựu chủ tịch SCB, cho rằng bị VKS đề nghị mức án tù chung thân là "quá nghiêm khắc", từ hôm đó (19/3) đến nay không thể ngủ. "Ở nhà chắc cha mẹ tôi khóc hết nước mắt", bị cáo nghẹn giọng.

Sau một lúc lấy lại bình tĩnh, ông Dũng xin tòa xem xét các phân tích, đề nghị của luật sư bào chữa để đưa ra mức án khoan hồng, tạo cơ hội cho bị cáo về với gia đình.

Ông Dũng bị cáo buộc từ năm 2013 đến 2020 đã ký hợp thức hồ sơ 404 khoản vay cho bà Lan, gây thiệt hại cho SCB 187.607 tỷ đồng. Từ tháng 12/2020 đến tháng 9/2022, Dũng đã ký hợp thức hồ sơ 207 khoản vay, giúp bà Lan chiếm đoạt 104.259 tỷ đồng và gây thiệt hại 26.331 tỷ. VKS ghi nhận bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, song phạm tội nhiều lần, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên đề nghị mức án tù chung thân về tội Tham ô tài sản và 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu bào chữa cho bị cáo Bùi Anh Dũng. Ảnh: Thanh Tùng

Luật sư Nguyễn Văn Hậu bào chữa cho bị cáo Bùi Anh Dũng. Ảnh: Thanh Tùng

Bào chữa cho bị cáo Dũng, luật sư Nguyễn Văn Hậu đề nghị tòa xem xét vai trò của thân chủ trong vụ án là không giúp sức tích cực cho bà Lan, và án tù chung thân VKS đề nghị là "chưa công bằng" so với nhiều bị cáo chủ chốt khác.

Theo luật sư, hồ sơ thể hiện phần lớn các khoản vay của bà Lan đều do bà này chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng(cựu phó tổng giám đốc SCB, đã chết), Trương Khánh Hoàng (cựu quyền tổng giám đốc SCB) phối hợp, cấu kết với người của Vạn Thịnh Phát tạo lập hồ sơ, phương án vay vốn khống để rút tiền. Bùi Anh Dũng không tiếp xúc, không lĩnh hội trực tiếp ý chí chỉ đạo từ bị cáo Lan. Việc ông Dũng ký hồ sơ chỉ là hình thức, thủ tục, còn thực tế tiền đã được giải ngân từ trước.

"Hơn nữa, bị cáo Dũng đảm nhận chức Chủ tịch với tâm thế tạm thời trong thời gian Đình Văn Thành (cựu chủ tịch SCB tiền nhiệm) đi nước ngoài chữa bệnh. Nếu biết bị cáo Thành viện lý do này để bỏ trốn, biết thực trạng thực sự của SCB thì ông Dũng sẽ không đảm nhiệm vị trí này", luật sư Hậu nói, đồng thời cho rằng thân chủ bị cáo buộc tội Tham ô tài sản là "không ổn".

Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn. Ảnh: Quỳnh Trần

Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn. Ảnh: Quỳnh Trần

Tự bào chữa sau đó, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, cựu tổng giám đốc SCB, đề nghị HĐXX xem xét bối cảnh xảy ra sai phạm là trong quá trình tái cơ cấu SCB. Không chỉ bị cáo mà toàn bộ ngân hàng chịu sức ép rất lớn từ việc đảm bảo tính thanh khoản.

"Lúc đó SCB bị cuốn vào vòng xoáy mượn tài sản của bà Lan để tái cơ cấu, nên tất cả mọi người đều cảm thấy rằng bà như là người đỡ đầu cho ngân hàng và chịu ảnh hưởng, chỉ đạo từ bị cáo Lan", ông Văn nói.

Văn bị cáo buộc từ 2013 đến 2017 đã ký hợp thức hồ sơ cho 290 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB 60.502 tỷ đồng; 2018-2020 ký hợp thức hồ sơ 348 khoản vay, giúp bà Lan chiếm đoạt 192.434 tỷ đồng, gây thiệt hại 101.247 tỷ lãi phát sinh. VKS cũng ghi nhận nhiều tình tiết giảm nhẹ và đề nghị mức án như đối với bị cáo Bùi Anh Dũng.

Về cáo buộc thành lập 3 Trung tâm kinh doanh tại hội sở chuyên phục vụ các khoản vay của nhóm bà Lan, bị cáo Văn giải thích việc này là thực hiện theo ý tưởng của Nguyễn Phương Hồng, nhằm cắt giảm chi phí, dễ theo dõi cho SCB chứ không phải để che giấu sai phạm. Bởi các trung tâm này đặt ở hội sở hay chi nhánh đều gửi báo cáo số liệu vào hệ thống của Ngân hàng Nhà nước.

Bị cáo Văn cũng đề nghị HĐXX xem xét cáo buộc về hai tội danh độc lập trong khi thực hiện cùng hành vi, phương thức như nhau, giống như nhiều người khác. "Bị cáo cầu xin một sự khoan hồng, khoan dung, tha thứ, độ lượng và yêu thương từ HĐXX để có cơ hội trở về với gia đình, tiếp tục được đóng góp cho sự phát triển của xã hội", ông Văn nói, kết thúc phần tự bào chữa.

Trong khi đó Trương Khánh Hoàng và Trần Thị Mỹ Dung, cựu phó tổng giám đốc SCB, đồng ý với toàn bộ nội dung bào chữa của luật sư, xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Hai người này bị xác định là giúp sức tích cực cho bà Lan chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn. Cả hai bị cáo được VKS ghi nhận nhiều tình tiết giảm nhẹ, đề nghị HĐXX tuyên phạt mức án 19-20 năm tù về tội Tham ô.

Ngày mai tòa tiếp tục với phần tranh luận.

Nguồn: [Link nguồn]

TP HCM - Dương Tấn Trước, Tổng Giám đốc Công ty Tường Việt, cho rằng tính tổng số tiền bị thu giữ và các tài sản bị kê biên thì bị cáo đã khắc phục dư thiệt hại hơn 6.000 tỷ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Duyên ([Tên nguồn])
Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN