Cướp giật "đại náo" đường phố SG (P.3)

Gặp gỡ hiệp sĩ Minh Tiến và trăn trở mô hình "hiệp sĩ đường phố" của anh.

“Hiệp sĩ đường phố”, có người trong quy chế chính quyền, có người “say” bắt cướp tự phát nhưng chung quy vì sự bình yên của xã hội. Trước nạn cướp giật lộng hành tại TP.HCM, “hiệp sĩ” Nguyễn Văn Minh Tiến chia sẻ tâm sự muốn thành lập “CLB hiệp sĩ đường phố” ở 24 quận huyện để phòng, chống nạn cướp giật…

- Anh nghĩ sao về tình trạng cướp giật tại TP.HCM? Đặc biệt là trung tâm TP và nạn nhân là du khách nước ngoài?

Những kẻ cướp giật tại trung tâm TP.HCM chủ yếu nhắm vào du khách nước ngoài là những tên tội phạm chuyên nghiệp.

Khi “săn hàng” chúng thường hóa trang, ăn vận bảnh bao, đi xe đắt tiền nên những người săn bắt cướp chuyên nghiệp nhất như lực lượng hình sự, “hiệp sĩ đường phố” rất khó nhận biết đó là bọn cướp giật.

Trước khi giật đồ, chúng còn có đồng bọn canh trước canh sau. Sở dĩ chúng nhắm vào du khách nước ngoài vì họ có nhiều tiền, đồ trang sức, các loại máy quay, máy chụp hình hiện đại, có giá trị lớn…

Theo tôi biết, gần đây tại trung tâm TP, lực lượng hình sự, TNXP, bảo vệ dân phố, công an phường được tăng cường, túc trực 24/24. Tuy nhiên bọn cướp giật thường canh chừng những lúc lực lượng công an vắng mặt, như đi ăn cơm hay đêm khuya, khi lực lượng “mỏng” để ra tay.

- Anh nhận diện cướp giật như thế nào và có lời khuyên gì cho người đi đường, người dân đối phó với tội phạm cướp giật ?

Nhận diện tội phạm cướp giật 50% là do trực giác của mình, còn lại 50% là mình để ý về nét mặt, biểu hiện tâm lý của đối tượng.

Ngoài việc trực tiếp ra tay ngăn chặn, đi tới đâu, chúng tôi cũng phổ biến cho người dân, xe ôm, những người buôn bán một vài kinh nghiệm cá nhân về cách phòng chống tội phạm cướp giật.

Thường ngày, tôi nhận được khoảng 10 cuộc điện thoại của người dân điện tới, báo bị cướp giật tài sản thì tôi chỉ giúp được từ 1 – 2 vụ vì khả năng còn hạn chế.

Theo tôi, bất cứ ai đi ngoài đường có mang theo tài sản lớn cần phải cảnh giác cao độ. Nên chú ý đối tượng nào thường xuyên đi theo mình, nhìn chăm chăm vào mình, có thể chúng ngồi trên xe hoặc đứng trước mặt hay sau lưng khoảng vài mét, mình đi tới đâu nó chạy theo tới đó…

Đó có thể là bọn cướp giật, nên cảnh giác, bảo vệ tài sản.

Cướp giật "đại náo" đường phố SG (P.3) - 1

Du khách dạo phố Sài Gòn hớ hênh tài sản rất dễ thành nạn nhân của cướp giật.

- Vậy đâu là những khó khăn, hạn chế của “Hiệp sĩ đường phố”?

Hiện tại chúng tôi không có khả năng tài chính. Kiếm được bao nhiêu tiền bạc, anh em chúng tôi đổ vào đi săn bắt cướp giúp dân, ủng hộ công an.

Mỗi ngày đi ra đường “săn” cướp giật, chúng tôi thường đi 6 người trên 3 xe, chi phí hết 500 ngàn đồng tiền xăng xe, ăn uống. Một ngày tốn từng ấy, tính cả tháng, số tiền là không nhỏ.

Nếu có tài trợ nhóm chúng tôi có thể hoạt động từ 8 giờ sáng tới 1- 2 giờ ngày hôm sau. Trước đây nhóm của tôi có khoảng 200 người nhưng giờ chỉ còn chưa đầy 20 người. Tôi buồn và thấy rất áy náy khi không giúp được nhiều người dân; nhiều lúc tôi tự hỏi, người dân đặt cho mình cái tên “Hiệp sĩ đường phố” có xứng đáng không?

- Anh nghĩ sao khi nhiều người nói rằng anh làm việc tích cực hơn lực lượng công an, rất được lòng người dân ?

Không phải lực lượng công an làm việc không tích cực, mà họ làm rất nhiều việc. Còn những người như “hiệp sĩ đường phố” chúng tôi chỉ có công việc bắt cướp rồi giao cho công an làm hồ sơ điều tra, xử lý.

Chúng tôi mừng vì lực lượng công an lúc nào cũng ủng hộ nhóm “hiệp sĩ đường phố”; hai bên có sự liên kết chặt chẽ, hỗ trợ qua lại. Lực lượng công an khi cần điện thoại cho tôi là tôi có mặt; còn khi tôi đi bắt cướp, gặp những tên cướp táo bạo ngoài khả năng, tôi điện báo lực lượng hình sự các quận, huyện thì nhận được hỗ trợ tích cực.

Anh nghĩ sao khi hoạt động của những người trấn áp tội phạm không theo quy chế của chính quyền? Đã có trường hợp hiệp sĩ trấn áp, truy đuổi tội phạm gây nên cái chết của đối tượng, phải ngồi tù? CLB “hiệp sĩ đường phố” ở Bình Dương thì được lãnh đạo tỉnh thành lập.

Còn nhóm của chúng tôi ở TP.HCM, ban đầu là do tự phát, nhưng hiện đã được Bộ Công an đồng ý cho phép thành lập CLB.

Toàn dân đều có quyền tham gia trấn áp tội phạm. Khi đi trấn áp, thường thì chúng tôi bắt quả tang đối tượng đang cướp giật. Đó là làm theo chủ trương của Chính phủ, của Nhà nước nên không ai cấm chúng tôi được.

Dân thì lâu lâu mới bắt được một vụ, còn chúng tôi là săn bắt cướp thường xuyên, thậm chí là chuyên nghiệp. Chúng tôi thành lập nhóm hiệp sĩ săn bắt cướp là muốn khuấy động phong trào toàn dân tham gia phòng chống, đẩy lùi tội phạm.

Không phải “hiệp sĩ” truy đuổi gây nên cái chết của đối tượng cướp giật. Đó là do chúng thấy người dân, các “hiệp sĩ” truy đuổi nên bỏ chạy với tốc độ cao, tự gây tai nạn chứ chúng tôi không đạp, không xô chúng.

Còn trong trường hợp chúng tôi bắt được cướp giật, đánh chúng chết mới phải chịu phạt tù.

- Theo anh, để phòng chống cướp giật tại TP.HCM thì chính quyền phải xây dựng mô hình như thế nào?

Nói xây dựng mô hình nào để trấn áp tội phạm cướp giật thì khó quá! Vì hiện tại chính quyền đã có đội hình sự đặc nhiệm thuộc phòng PC45, hình sự từ cấp phường, quận tới cấp TP, tất cả đều có cả rồi.

Bản thân tôi cũng đã kiến nghị với Giám đốc công an TP.HCM cho thành lập một “CLB hiệp sĩ đường phố TP.HCM” với phạm vi hoạt động rải đều trên 24 quận, huyện để chúng tôi ủng hộ lực lượng hình sự trong công cuộc săn bắt cướp; để chúng tôi được hoạt động hợp pháp. Nếu được chúng tôi có thể hoạt động 24/24.

“Hiệp sĩ đường phố” Nguyễn Thanh Hải (Đội trưởng CLB phòng chống tội phạm P.Phú Hòa, TX.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) chia sẻ kinh nghiệm phòng chống cướp giật hiệu quả:

CLB phòng chống tội phạm của chúng tôi thành lập từ năm 1997 đến nay đã khám phá hơn 1.000 vụ phạm pháp hình sự, chủ yếu là cướp giật.

Kinh nghiệm của chúng tôi rất đơn giản chỉ cần chịu khó đi nắng, dầm mưa, ra đường quan sát các đối tượng khả nghi, theo dõi chúng chừng 500m là biết được đối tượng đó là cướp giật hay trộm cắp vì hễ ai có tật là…giật mình!

Cướp giật "đại náo" đường phố SG (P.3) - 2

CLB phòng chống tội phạm P.Phú Hòa, TX.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương trở thành khắc tinh của tội phạm cướp giật.

Theo quan điểm của cá nhân tôi, chính quyền các cấp ở TP.HCM nên hợp tác thành lập nhiều CLB hiệp sĩ săn bắt cướp ở mỗi khu vực.

Thành viên CLB là những thanh niên sống tại khu vực đó, vì họ nắm rõ địa bàn.

Các CLB sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau, điện thoại cho nhau khi có vụ cướp giật xảy ra, cùng nhau chốt chặn ở những ngã ba, ngã tư, những lối thoát mà tội phạm có thể đi qua.

Khi đã bắt được một vài vụ thì các nhóm tội phạm trên địa bàn TP.HCM chắc chắn sẽ…rúng động, từ bỏ ngay ý định cướp giật.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đàm Đệ - Nguyễn Oanh (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN