Cứ say rượu lái xe là xử hình sự?

Sự kiện: An toàn giao thông

Nên sửa luật để xử hình sự người lái xe khi say xỉn dù chưa gây ra tai nạn và cũng không rơi vào trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả....

Hiện nay, tai nạn giao thông do người sử dụng rượu bia cầm lái đang xảy ra thường xuyên. Khi có tai nạn giao thông do người lái xe say rượu bia gây ra người ta thường gọi “xe điên”nhưng nói vậy là oan cho chiếc xe. Tất cả đều do con người vì vui trên bàn nhậu rồi ma men đưa đường chỉ lối.

Khó xem là tội giết người

Theo Điều 260 BLHS hiện hành, hành vi lái xe trong tình trạng sử dụng rượu bia sẽ cấu thành vi phạm hình sự nếu gây hậu quả chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của hai người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%... Ngoài ra, theo khoản 4 điều này, người vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 điều này (làm chết ba người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của ba người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỉ đồng trở lên) nếu không được ngăn chặn kịp thời thì bị phạt tiền 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

Nếu không gây ra những hậu quả trên hoặc không thuộc trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả thì người vi phạm chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 5 Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (phạt tiền đến 18 triệu đồng, xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đến sáu tháng).

Hiện nay hành vi lái xe trong tình trạng say rượu bia nếu gây tai nạn giao thông chết người thì bị xử lý theo Điều 260 BLHS hiện hành mà không xử lý về tội giết người. Theo khoa học pháp lý thì hành vi được xem là giết người là phải có mục đích cố ý tước đoạt mạng sống của người khác. Dấu hiệu cố ý là dấu hiệu bắt buộc của tội giết người. Trường hợp say xỉn lái xe gây tai nạn dẫn đến chết người thì người điều khiển xe không có mục đích tước đoạt tính mạng của người khác. Hậu quả chết người chỉ là hậu quả không mong muốn. Người điều khiển xe say rượu gây chết người thì tuy có hậu quả là người chết nhưng đó không phải là sự cố ý.

Cứ say rượu lái xe là xử hình sự? - 1

Tối 21-10-2018, bà Nguyễn Thị Nga say rượu lái ô tô BMW tông năm xe máy dừng chờ đèn đỏ và một ô tô ở ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh, tp.hcm làm bảy người thương vong. Ảnh: N.TRÀ

Nhưng có thể sửa luật để xử hình sự

Luật của nhiều nước trên thế giới quy định: Hễ có hành vi vi phạm giao thông liên quan đến rượu bia thì ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn bị phạt tù. Nhiều nước đã hình sự hóa hành vi uống rượu bia lái xe mà không cần hậu quả.

Ở nước ta, với tình hình người say xỉn vi phạm giao thông hiện nay, chúng ta có thể ngăn ngừa bằng việc bổ sung thêm một dấu hiệu định tội trong cấu thành tội phạm cơ bản của Điều 260 BLHS hiện hành là “đã bị xử phạt hành chính mà còn tiếp tục vi phạm nồng độ cồn”, bên cạnh các dấu hiệu có sẵn như gây hậu quả gây chết người hay thương tật 61% trở lên... Cạnh đó, cần có hướng dẫn cụ thể để xem xét những hành vi nào thuộc trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả để xử lý theo khoản 4 của điều luật. Bởi lẽ thực tế chưa có người vi phạm nào bị xử lý hình sự theo khoản 4 này cả.

Trước mắt cần tước bằng lâu hơn

Chúng ta đều biết ô tô, xe máy chạy trên đường là nguồn nguy hiểm cao độ nhưng mức phạt hành chính với người say rượu bia mà vẫn điều khiển xe lại quá thấp. Đơn cử, tài xế có nồng độ cồn chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở thì chỉ bị phạt 2-3 triệu đồng (không gây tai nạn). Mức phạt này bằng với hành vi chạy xe máy quẹt chân chống xuống đường. Đây là điều bất hợp lý vì hai hành vi này có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội khác nhau.

Nghị định 46/2016 có quy định: “Khi phát hiện tài xế say xỉn thì để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được phép tạm giữ phương tiện đến bảy ngày trước khi ra quyết định xử phạt. Ngoài ra, người điều khiển xe say xỉn còn có thể bị tạm giữ giấy phép lái xe”. Quy định này khá hay và có khả năng đình chỉ hành vi vi phạm. Tuy nhiên, bất cập phát sinh là quy định trên vẫn không có khả năng hạn chế hoàn toàn khả năng tiếp tục điều khiển xe của người bị tạm giữ phương tiện và giấy phép lái xe. Đã đến lúc chúng ta cần tăng mức tiền phạt và thời gian tước giấy phép lái xe có thể lên đến 24 tháng.

Để ngăn ngừa những đau thương có thể xảy ra bất ngờ cho bao người, bao gia đình thì ý thức “đã say rượu thì không lái xe” phải luôn ở trong tâm trí từng người dân là điều quan trọng nhất.

Ma men lái xe phải bị nghiêm trị

Nên tước bằng lái vĩnh viễn với người uống rượu bia gây tai nạn.

Tăng mức phạt và thời gian giam bằng lái

Cứ say rượu lái xe là xử hình sự? - 2

Ông NGUYỄN VĂN THẠCH

Tình trạng uống rượu bia rồi lái xe gây tai nạn gây bức xúc trong xã hội. Bộ GTVT đang sửa đổi Nghị định 46/2016 theo hướng xem xét tăng kịch khung mức xử phạt tiền đối với hành vi uống rượu bia lái xe từ mức tối đa 18 triệu đồng lên 40 triệu đồng. Đồng thời tăng thời gian tước bằng lái lên 24 tháng.

Tuy nhiên, các đề xuất tước bằng lái xe vĩnh viễn, phạt lao động công ích, phạt tù… tài xế sử dụng rượu bia tham gia giao thông chưa thể điều chỉnh trong Nghị định 46.

Hiện Luật Giao thông đường bộ và Luật Xử lý vi phạm hành chính đang được Bộ GTVT, Bộ Tư pháp tổng kết để sửa đổi và Bộ GTVT sẽ xem xét và kiến nghị sửa đổi các quy định để đủ răn đe, phòng ngừa tai nạn giao thông do người uống rượu bia gây ra.

Tuy nhiên, quá trình sửa luật, nghị định phải cần thời gian, vì vậy Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa có chỉ đạo các đơn vị cần đẩy mạnh tuyên truyền. Trong đó, mỗi cán bộ là một tuyên truyền viên, làm gương từ trong gia đình đến cơ quan, khu phố, cộng đồng trong việc chấp hành pháp luật nói chung, Luật Giao thông đường bộ và các quy định liên quan nói riêng.

Ông NGUYỄN VĂN THẠCH, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Bộ GTVT

Tước bằng lái, tăng chế tài dân sự

Cứ say rượu lái xe là xử hình sự? - 3

Đại biểu LƯU BÌNH NHƯỠNG

Đối với hành vi uống rượu bia tham gia giao thông đã có chế tài hình sự lẫn hành chính. Cái hiện nay đang cần điều chỉnh trước mắt là tăng chế tài dân sự, tức là trách nhiệm bồi thường. Ví dụ, một tài xế tông chết người có khi chỉ bồi thường 80-100 triệu đồng là phi lý. Mức này là quá nhẹ, dẫn đến nhiều gia đình có người thân gặp nạn bị thiệt đơn thiệt kép… Đành là tính mạng con người là vô giá nhưng tôi cho rằng chúng ta cần phải nghiên cứu, nâng mức bồi thường dân sự lên hàng tỉ đồng nhằm góp phần ngăn ngừa.

Bên cạnh đó, đối với những người uống rượu bia gây tai nạn giao thông phải tước bằng lái vĩnh viễn, không cho lái xe nữa.

Ngoài ra, hiện nay chúng ta đang hô hào không sử dụng rượu bia khi lái xe nhưng thiếu đi các triển lãm, video về tai nạn giao thông để người dân biết sợ và cần quy trách nhiệm cho lãnh đạo địa phương để tai nạn giao thông xảy ra nhiều.

Về đề xuất sử dụng rượu bia gây tai nạn phải xử tương đương với tội giết người là không thể vì bản chất hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau.

Đại biểu LƯU BÌNH NHƯỠNG, Phó Trưởng ban Dân nguyện  Quốc hội

Thận trọng khi xem là giết người

Cứ say rượu lái xe là xử hình sự? - 4

Tội giết người và tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ có một điểm khác nhau cơ bản nhất là lỗi.

Nếu là lỗi cố ý dùng phương tiện giao thông để gây cái chết cho nạn nhân thì tội giết người.

Còn nếu chỉ chứng minh được họ cố ý với hành vi điều khiển phương tiện giao thông và vô ý gây chết người thì không thể cấu thành tội danh giết người.

Tội giết người có khung hình phạt cao nhất là tử hình nên chúng ta cần thận trọng, cân nhắc.

Ông ĐỖ ĐỨC HỒNG HÀ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội

Phải có hướng dẫn để xử hình sự người say

Cứ say rượu lái xe là xử hình sự? - 5

Thượng tá NGUYỄN QUANG NHẬT

Tình trạng uống rượu bia lái xe mà không hề nghĩ đến hậu quả, không quan tâm đến sự an toàn của bản thân và mọi người đang diễn ra phổ biến.

Trong năm 2018, lực lượng chức năng xử lý hơn 91.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trong bốn tháng đầu năm 2019 đã xử lý gần 50.000 trường hợp nhưng xét cho cùng đó chỉ là phần ngọn. Vấn đề gốc là cần kiểm soát bằng pháp luật.

Chúng ta cần một môi trường pháp lý chặt chẽ, có sự ràng buộc rõ ràng để khi người tham gia giao thông nghĩ đến hình phạt, chế tài… là không muốn, không dám vi phạm.

Hiện khoản 4 Điều 260 Bộ luật Hình sự đã có quy định xử lý hình sự đối với người uống rượu bia tham gia giao thông ngay cả khi chưa gây hậu quả nhưng có khả năng thực tế gây hậu quả. Tuy nhiên, cần sớm có hướng dẫn chi tiết về điều này để có thể ngăn chặn hiệu quả các vụ tai nạn có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, chúng ta phải ngăn chặn khả năng tiếp cận rượu bia quá dễ dãi như hiện nay. Ở Nhật không chỉ tài xế, người ngồi cùng xe bị xử lý hình sự mà cả người bán rượu bia cho tài xế cũng liên đới chịu trách nhiệm…

Thượng tá NGUYỄN QUANG NHẬT, 
Phó Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao hông, Cục CSGT

“Uống rượu bia, một người tốt đã thành kẻ giết người”

Cứ say rượu lái xe là xử hình sự? - 6

Ông KHUẤT VIỆT HÙNG

Khi nghe tin tài xế say rượu lái xe gây tai nạn làm hai người phụ nữ chết tại hầm Kim Liên (Hà Nội) ngày 1-5, tôi đã viết lên Facebook ngắn gọn “Uống rượu bia, một người tốt đã thành kẻ giết người”. Tôi biết thông tin cơ bản về người lái xe gây ra tai nạn, về nhân thân của anh này. Tôi nói anh ấy là người tốt, trước khi anh ấy uống rượu. Vì lúc bình thường, bình tĩnh, kiểm soát được hành vi, anh ấy là người tốt. Sau khi anh ta uống rượu, lái xe gây tai nạn chết người thì một người tốt đã thành kẻ giết người.

Tôi muốn dùng từ “giết người” trong trường hợp này. Bởi khi được cấp bằng, tài xế nào cũng biết uống rượu bia lái xe bị cấm và gây tai nạn chết người nhưng vẫn thực hiện. Như vậy chúng ta còn băn khoăn gì nữa… Tôi cho rằng say rượu lái xe không khác nào cầm trong tay khẩu súng nên phải có chế tài thật mạnh…

Ông KHUẤT VIỆT HÙNG, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàngiao thông Quốc gia 

Một số nước xử ma men lái xe không cần hậu quả:

Thái Lan: Tội say xỉn trong lúc lái xe

Theo Luật Lái xe khi say rượu sửa đổi của Thái Lan, dù tài xế chưa gây ra tai nạn nhưng cảnh sát được chặn xe trong một số tình huống và yêu cầu tài xế mở cửa kính ô tô để đo nồng độ cồn, yêu cầu tài xế đi bộ để kiểm tra có thật sự tỉnh táo hay không. Trường hợp tài xế không tuân thủ hiệu lệnh sẽ bị bắt ngay và xử phạt đến 20.000 baht (tương đương 600 USD) hoặc bị phạt một năm tù về tội say xỉn trong lúc lái xe.

Trong trường hợp tài xế say rượu gây tai nạn chết người, từ tháng 4-2019, họ sẽ bị các cơ quan tố tụng Thái Lan buộc tội giết người, có thể đối mặt với án 15-20 năm tù hoặc chung thân, tử hình.

Trung Quốc: Tội lái xe dưới ảnh hưởng của rượu

Từ năm 2011, luật hình sự của Trung Quốc có tội lái xe dưới ảnh hưởng của rượu, áp dụng cho các tài xế có nồng độ cồn trên 0,08%. Người vi phạm có thể bị phạt tù ba năm và bị cấm lái xe từ năm năm đến bị tước bằng lái vĩnh viễn.

Nhật Bản: Người ngồi cùng xe cũng  bị phạt tù

Luật Giao thông đường bộ Nhật Bản có quy định dành riêng cho các hành vi lái xe khi say rượu hoặc bị ảnh hưởng bởi chất kích thích. Với nồng độ cồn trên 0,03%-0,7999% (mg/ml máu - tương đương một ly bia), tài xế có thể bị phạt tối đa 4.000 USD (hơn 93 triệu đồng) và ba năm tù. Từ 0,08% trở lên, người vi phạm có thể bị phạt tối đa 8.800 USD (hơn 205 triệu đồng) và năm năm tù. Thậm chí hành khách ngồi trên phương tiện của tài xế bị say rượu cũng bị xử phạt tiền hoặc thậm chí ngồi tù.

Tài xế say rượu gây tai nạn có thể bị kết án tối đa 20 năm tù trong trường hợp gây chết người hoặc 15 năm tù trong trường hợp không gây chết người.

Singapore: Phạt đến một năm tù

Luật Giao thông đường bộ Singapore định tội danh lái xe khi say rượu cho những tài xế say xỉn. Nếu bị phát hiện có nồng độ cồn trên 0,35 mg, tài xế sẽ có thể bị phạt tiền lên đến 5.000 SGD (tương đương 85 triệu đồng), sáu tháng tù giam và lao động công ích. Nếu tái phạm, tài xế sẽ bị phạt tối đa 10.000 SGD (130 triệu đồng) cộng một năm tù giam, tạm đình chỉ giấy phép lái xe 12 tháng. Với các tình tiết tăng nặng, hình phạt tù tối đa có thể lên đến một năm.

Hàn Quốc: Có thể ngồi tù đến ba năm

Hàn Quốc sẽ xử theo tội lái xe trong tình trạng không tỉnh táo hoặc khi bị say.Trong trường hợp say xỉn, với nồng độ cồn trên 0,05 mg, tài xế có thể ngồi tù ba năm và bị phạt 10 triệu won (khoảng 206 triệu đồng), bằng lái sẽ bị đình chỉ hoặc thu hồi tùy mức độ. Ngoài ra, lỗi chống lại yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn cũng bị coi là tội hình sự. Nếu không có lý do chính đáng, người lái xe không tuân thủ yêu cầu của cảnh sát sẽ bị bắt ngay lập tức hoặc bị truy nã nếu bỏ trốn.

KIM NGUYÊN

Vụ xe Mercedes đâm 2 người chết: Tài xế say đến mức không nhớ gây tai nạn ở đâu

Liên quan đến vụ tai nạn nghiêm trọng tại hầm Kim Liên (Hà Nội) rạng sáng ngày 1/5 khiến 2 người phụ nữ tử vong, tài...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo TS CAO VŨ MINH ([Tên nguồn])
An toàn giao thông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN