CSGT mang quá 100.000 đồng: Không có quy định

Lãnh đạo Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt cho biết Bộ Công an và cục đều không có quy định hay hướng dẫn nào về việc CSGT không được mang theo trong người quá 100.000 đồng khi đi tuần tra.

Công an tỉnh Kon Tum vừa công bố Kế hoạch số 1036, trong đó có nội dung nghiêm cấm cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng CSGT của tỉnh này sử dụng điện thoại di động khi đang làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, đặc biệt là không được mang theo trong người quá 100.000 đồng.Trước những quy định này, dư luận bày tỏ sự ủng hộ nhưng cũng còn không ít ý kiến băn khoăn về tính khả thi.

Đại tá Từ Lam, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Kon Tum, khẳng định để thực hiện nghiêm nội dung này, công an tỉnh sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt để thường xuyên hoặc đột xuất kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp CSGT vi phạm.

Rất phiền toái

Quy định cấm cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng CSGT mang theo trong người một số lượng tiền nhất định nào đó khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trước đây đã được công an nhiều tỉnh, thành triển khai nhưng rồi sau đó không áp dụng nữa vì nhiều lý do.

“Việc mỗi địa phương tự đưa ra quy định CSGT không mang theo quá 100.000 đồng khi làm nhiệm vụ là việc làm không thống nhất, thiếu tính thực tiễn mà cần phải có quy định thống nhất chung của Bộ Công an để các địa phương triển khai thì hiệu quả mới cao” - đại tá Nguyễn Đến, Trưởng Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng, nói.

Theo đại tá Nguyễn Đến, từ năm 1995, khi cả nước rộ lên chuyện một số CSGT tiêu cực, TP Đà Nẵng đã quy định CSGT khi làm nhiệm vụ không được mang theo quá 50.000 đồng nhằm tránh tiêu cực trong đội ngũ. Cán bộ, chiến sĩ CSGT đều chấp hành nghiêm chỉnh. Lãnh đạo Phòng CSGT đã thông báo cho các đơn vị liên quan như thanh tra công an, tổ điều lệnh tiến hành kiểm tra để khách quan.
 
Tuy nhiên, thực hiện được 2 năm thì thấy không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho việc chi tiêu cần thiết nên TP bỏ quy định này. Bởi thực tế số tiền 50.000 đồng không đủ trang trải cho nhu cầu chi tiêu, ăn uống hằng ngày của một người bình thường, chưa kể đến việc hư hỏng xe máy phải sửa chữa.

Cũng theo đại tá Nguyễn Đến, trong quá trình áp dụng các quy định trên, nhiều cán bộ, chiến sĩ khi đi làm nhiệm vụ bị hỏng xe máy dọc đường phải gọi điện thoại nhờ người nhà mang tiền đến để sửa, ăn sáng cũng phải góp tiền để trả nên rất phiền toái. Trong khi đó, phần lớn thời gian làm việc của lực lượng CSGT đều ở ngoài đường nên nhu cầu ăn uống hè phố rất lớn. Quy định không mang theo điện thoại di động cũng không phù hợp bởi nhiều nơi không thể liên hệ được bằng bộ đàm thì điện thoại di động là cần thiết để đón lõng, xử lý các xe vi phạm.

Ngành không chủ trương


Một lãnh đạo Vụ Pháp chế - Bộ Công an cho biết bộ này chỉ ban hành các thông tư, hướng dẫn mang tính nguyên tắc, khái quát; còn hướng dẫn cụ thể, chi tiết như thế nào là quyền của các đơn vị dựa trên quy định chung của ngành. Vị cán bộ này cũng nói không thể đang thực thi công vụ trên đường mà cứ í ới gọi điện thoại nói chuyện riêng, dễ gây phản cảm với người dân.

Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động vào ngày 15/8, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt (C67) - Bộ Công an, cũng cho biết cả bộ và cục không có quy định hay hướng dẫn nào về việc này.

“Đó là việc của địa phương, miễn sao quản quân tốt là được chứ chúng tôi không can thiệp” - ông Tuyên nhấn mạnh và nói rõ là tùy vào thực tế của địa phương mà giám đốc công an các tỉnh, thành có thể ban hành các quy định nhằm bảo đảm thực thi công vụ đạt hiệu quả cao nhất.

Việc muốn biết cán bộ, chiến sĩ CSGT có mang theo đúng số tiền cá nhân trong túi theo quy định khi đi tuần tra, kiểm soát hay không, theo đại tá Nguyễn Đến, cũng không quá khó. Chỉ cần đối chiếu số tiền trong ví và số tiền trong biên lai xử phạt (đối với hình thức xử phạt tại chỗ), nếu vượt quá số tiền trong biên lai thì yêu cầu giải trình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Giang Thu - Hoàng Dũng - Thế Kha (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN