“Con tố cáo bố, sao dám ngồi chung mâm cơm”

“Con biết bố phạm tội mà đi tố cáo bố thì còn gì là nhìn thấy nhau, làm sao mà ngồi ăn chung một mâm cơm”.

Đó là phát biểu của Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ trong hội nghị tổng kết thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999 do Bộ Tư pháp tổ chức ngày hôm nay (15/3).

Luật vì con người

Sau khi phát biểu một số ý kiến về vấn đề sửa đổi luật Hình sự từ năm 1999, ông Thụ nhấn mạnh về mục đích cuối cùng của luật đó là vì con người.

Cụ thể, khi nói về luật không tố giác tội phạm, ông nói: “Chúng ta xây dựng nhà nước pháp quyền, luật pháp vì con người, vì nhân dân. Ở đây chúng ta nói về tội không tố giác tội phạm… Tôi xin nói là không tố giác tội phạm mà quy định như thế này là trái với đạo lý, trái với cái chúng ta hay nói nhiều là nhân văn, là tình người. Chồng phạm tội, vợ người ta biết. Luật của rất nhiều nước coi người vợ không tố cáo chồng không phải là tội phạm.”

Ông Thụ nhấn mạnh: “Nếu bắt người ta tố cáo, vợ chồng người ta tan vỡ. Chúng ta chọn mục tiêu bảo vệ là cái gì, là xây dựng gia đình, là hạnh phúc. Con biết bố phạm tội mà đi tố cáo bố thì còn gì là nhìn thấy nhau, làm sao mà ngồi ăn chung một mâm cơm được nữa. Người ta phi tội phạm cái đó, người ta dùng xã hội lên án, chứ chúng ta nặng về hình sự. Người ta chọn việc bảo vệ gia đình hơn là cái kia, đành rằng xã hội vẫn có thiệt thòi nhưng chẳng có gì được tất cả”.

“Con tố cáo bố, sao dám ngồi chung mâm cơm” - 1

Hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999 do Bộ Tư pháp tổ chức.

Lo cho công, chưa lo cho dân

Cũng trong hội nghị, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ cho biết dường như cơ quan làm luật đang “thiên về công nhiều hơn.”

Ông nói: “Tôi đọc văn bản thấy còn lo những quy định này, quy định kia thì khó áp dụng, quy định này quy định kia áp dụng không thống nhất, tức là lo cho công, lo cho cơ quan nhà nước chứ chưa thấy quy định như thế nào để dân không bị oan, để dân có công cụ pháp lý bảo vệ quyền của mình. Cái đó còn rất là nhạt, đề nghị xem xét thêm”.

Trong bối cảnh một số vụ án oan xảy ra gần đây như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, người bị kết án giết người phải ngồi tù oan 10 năm, ông Thụ nêu quan điểm, không một lĩnh vực nào đụng đến quyền cơ bản, quyền nhân dân mạnh mẽ như luật hình sự khiến người ta phải tù tội, tử hình, tịch thu tài sản…

Chính vì thế, Phó chủ nhiệm Văn phòng chính phủ đề nghị việc sử Bộ luật Hình sự lần này phải đi theo hướng quy định để nhân dân có cơ sở pháp lý vững chắc bảo vệ quyền của mình.

Trước đó, trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” phát sóng trên VTV ngày 9/3, Bộ trưởng bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, Hiến pháp lần này làm rõ hơn nguyên tắc suy đoán vô tội. Trước đây luật quy định rằng công dân không có tội khi chưa có bản án có hiệu lực của tòa án kết tội người đó. Bây giờ thêm một điều kiện rất quan trọng đó là việc buộc tội phải được chứng minh thì mới có bản án.

Tại hội nghị, đa số đại biểu đề cập tới nhiều hành vi gây nguy hiểm cho xã hội nhưng chưa được đưa vào Bộ luật Hình sự (BLHS) như đối xử tàn tệ để bóc lột sức lao động trẻ em, dùng vũ lực ép người mang thai loại bỏ thai nhi, mua bán cơ thể, nội tạng người hay lợi dụng bán hàng đa cấp để chiếm đoạt tài sản…

Đáng chú ý, đại biểu đại diện cho UBND Tp.HCM kiến nghị nên hình sự hóa (phạt tù) hành vi mua bán dâm giữa những người đồng tính và bổ sung chủ thể của tội hiếp dâm, bao gồm cả nam và nữ.

Đại tá Nguyễn Mai Bộ (Đại diện Bộ quốc Phòng) cho rằng án treo mang lại giá trị và tác dụng tương đối hạn chế. Ông đề nghị thay vì tuyên phạt bị cáo án treo hoàn toàn thì phạt tù trước. Sau khi phạm nhân chấp hành án tù được 2/3 thời gian mới cho án treo. “Lúc ấy án treo mới giúp phạm nhân thấm thía nhiều hơn”, ông Bộ nói.

Cũng bàn về vấn đề án treo, Phó chủ nhiệm UB Tư Pháp Nguyễn Đình Quyết cho rằng thay vì án treo, cải tạo không giam giữ sẽ phạt tiền. Đồng thời ông đề nghị xem xét lại toàn bộ hệ thống hình phạt từ án treo, phạt tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Ông Quyết cũng nhắc tới vụ án Lê Văn Luyện với yêu cầu của xã hội là phải giảm tuổi chịu trách nhiệm hình sự và cần nghiên cứu, bổ sung vấn đề này.

Điều 22, Bộ luật Hình sự: Tội "không tố giác tội phạm"

1. Người nào biết rõ tội phạm đang đựơc chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong những trường hợp quy định tại Điều 313 của Bộ luật này.

2. Người không tố giác là ông, bà , cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 313 của Bộ luật này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Tân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN