Con tàu “sinh mệnh” của thuyền trưởng Khoa
Con tàu luôn cùng người thuyền trưởng xông pha trước đầu sóng ngọn gió, ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Thượng úy Đàm Minh Khoa (thuyền trưởng tàu CSB 2012) là một trong hai thuyền trưởng trẻ của Cảnh sát biển Vùng 2 vừa được Trung ương Đoàn trao tặng huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”. Anh đã có hành động dũng cảm trong khi thực hiện nhiệm vụ ngăn cản Trung Quốc (TQ) hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vi phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam.
Biển là nhà, tàu là sinh mệnh
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Diễn Châu (Nghệ An), năm 2008 tốt nghiệp Học viện Hải quân (Nha Trang), Đàm Minh Khoa về nhận nhiệm vụ tại Vùng 2 Cảnh sát biển (đóng tại cảng Kỳ Hà, Quảng Nam). Những ngày đầu ra “thao trường” với cái nắng, cái gió của biển cả, Khoa mới thực sự hiểu cuộc sống của người lính biển. “Lần đầu đi biển ai cũng say sóng. Nhưng lâu dần rồi cũng quen. Nhiều lúc sóng biển lại trở thành bạn” - Khoa tâm sự.
Gần bốn năm làm thuyền phó trên các tàu, đến đầu năm 2012 Khoa nhận quyết định điều động làm thuyền trưởng tàu CSB 2012. Cũng từ đây, những chuyến đi biển của Khoa cũng xa hơn và dài ngày hơn.
Thuyền trưởng Đàm Minh Khoa trước radar quan sát. Ảnh: TT
Tết Nguyên đán vừa rồi, sau kỳ nghỉ ngắn ngủi với gia đình, tàu CSB 2012 nhận nhiệm vụ lên đường bảo vệ tàu Bình Minh 02 thăm dò dầu khí ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam. Gần hai tháng trực chiến ngoài khơi, thuyền trưởng Khoa và tàu mới về lại bờ.
Chưa kịp nghỉ ngơi, ngày 1/5, khi TQ ngang ngược hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Việt Nam, tàu CSB 2012 và tàu CSB 4033 của thuyền trưởng Lê Trung Thành (cùng Hải đội 201, Vùng 2 Cảnh sát biển) lại khẩn trương ra hiện trường để thực thi nhiệm vụ. Đây cũng là hai tàu CSB đầu tiên ra tiếp cận giàn khoan trái phép của TQ ở vùng biển Hoàng Sa. “Vừa trở về sau chuyến đi biển dài ngày nên anh em trên tàu cũng muốn cắt phép, tranh thủ ghé về thăm nhà. Nhưng bảo vệ chủ quyền là nhiệm vụ tối thượng, vừa nhận lệnh, ai cũng sẵn sàng ra khơi” - Khoa cho biết.
Khoa nhớ lại lúc tàu 2012 còn cách vị trí giàn khoan khoảng 10 hải lý thì các tàu hải giám, hải cảnh của TQ đã vây kín. Anh bình tĩnh, phát lệnh cho tàu cơ động, tiếp cận giàn khoan để phát loa tuyên truyền. Đến ngày thứ ba, khi tàu tiến sâu vào trong, cách giàn khoan 8,5 hải lý thì các tàu hải giám, hải cảnh TQ ra ngăn cản quyết liệt. Các tàu này gây hấn, cố tình đâm húc, gây hư hỏng phần đuôi tàu, phía mạn phải. Khoa động viên anh em khẩn trương khắc phục sự cố, né tránh những cú đâm trực diện của tàu TQ để tiếp tục nhiệm vụ. Trên buồng lái, ánh mắt thuyền trưởng căng ra, quan sát tình hình xung quanh.
“Trước những diễn biến căng thẳng, thuyền trưởng phải trực 24/24 giờ trước dàn điều khiển để kịp thời ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra” - Khoa nói.
Gần một tuần xông pha giữa vòng vây của các tàu TQ, ngày 8/5, tàu CSB 2012 mang trên mình những thương tích trở về cảng Sông Thu sửa chữa. Nhìn con tàu bị đâm húc, móp méo, lòng Khoa như đắng nghẹn. “Với người thuyền trưởng, con tàu được ví như sinh mệnh nên mỗi vết thương là một vết cứa lên da thịt” - Khoa tâm sự. Ngay khi tàu sửa xong, Khoa lại cùng đồng đội trở lại vùng biển Hoàng Sa, tiếp tục nhiệm vụ đẩy đuổi giàn khoan trái phép của TQ kia.
“Đi nhiều, con không nhận ra mặt cha”
Vừa trở về từ điểm nóng Hoàng Sa, Khoa cùng tàu CSB 2012 lại nhận nhiệm vụ ra đảo Lý Sơn trực chiến. Ngày 30-5, tàu CSB 2012 đưa đoàn Cảnh sát biển Vùng 2 ra kiểm tra tàu cá Đna-90152 vừa bị tàu TQ đâm chìm. Khi tàu vừa xuất phát thì Khoa nhận được tin Trung ương Đoàn quyết định trao tặng huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” cho anh và Thượng úy Lê Trung Thành (tàu CSB 4033). “Được trao huy hiệu, mình cũng vui và hạnh phúc lắm. Đây là phần thưởng không chỉ dành riêng cho mình mà của tất cả đồng đội trên tàu CSB 2012”. Khoa chia sẻ do có nhiệm vụ lên đường trong đêm nên không kịp vào bờ nhận huy hiệu, phải nhờ Thành nhận giùm.
Mở điện thoại ngắm ảnh con cho đỡ nhớ, Khoa chia sẻ con trai đầu Đàm Minh Trọng (năm tuổi) đang chuẩn bị vào lớp 1, còn bé gái Đàm Thị Trà Giang vừa mới tròn bảy tháng. Ở quê, vợ anh - chị Nguyễn Thị Thanh (giáo viên cấp III) phải một mình xoay xở lo cho hai con. “Đi biển biền biệt, có khi ở nhà con cái đau ốm vợ phải một mình chăm sóc. Mình biết chuyện nhưng ở xa cũng không làm gì được, chỉ biết thương vợ, thương con”- Khoa kể. Khi nào vào gần bờ, có sóng điện thoại anh mới gọi điện thoại về hỏi thăm tình hình sức khỏe vợ con, cha mẹ. “Mấy lần trực tết ở đơn vị, năm vừa rồi mới được ăn tết với gia đình. Nhưng cũng chỉ được ở nhà vài ngày, con chưa kịp quen mặt cha đã phải trở lại đơn vị, nhận nhiệm vụ mới. Cuộc đời lính biển xa nhà, thiếu thốn tình cảm gia đình, đi nhiều, có khi con không nhận ra mặt cha” - Khoa tâm sự. Theo Khoa may là vợ cũng hiểu, thông cảm và luôn động viên chồng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đó là một trong những điều ấm áp, hạnh phúc của một thuyền trưởng trẻ tuổi và đam mê cống hiến.
Đàm Minh Khoa là một thuyền trưởng đầy nghị lực, mưu trí, dũng cảm. Nhiều năm liền Khoa luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, thực thi pháp luật trên biển, xua đuổi tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam, bảo vệ tàu thăm dò dầu khí… Đại tá TRẦN VĂN DŨNG, chính ủy Vùng 2 Cảnh sát biển |