Coi quấy rối tình dục là… "chuyện thường ngày ở huyện"

Kết quả một cuộc khảo sát tại TP.HCM cho thấy nhiều người xem quấy rối tình dục là hành động… bình thường. Và những hành vi ở mức độ nghiêm trọng hơn cũng bị lờ đi bởi nhiều lý do.

Một nữ công chức tên T. làm việc ở quận 1 chia sẻ với TS Phan Thị Lan Hương (ĐH Luật TP.HCM): Khi còn trẻ và sống ở quê, chị đã nhiều lần bị các bạn khác giới trêu ghẹo, quấy rối. Có lần chị bị một đám thanh niên sấn tới sờ mó, đè lên người, đụng chạm vào vùng nhạy cảm. Chị không dám kể điều đó với ai và bạn gái của chị cũng đã bị tương tự. Khi lên thành phố làm việc, chị thấy có những đồng nghiệp nam hay động chạm, trêu ghẹo, nắm tay đồng nghiệp nữ. Hoặc họ kể những câu chuyện đùa liên quan đến tình dục một cách thoải mái trước mặt đồng nghiệp nữ. Thỉnh thoảng họ gửi những tin nhắn trêu đùa mang tính khiêu dâm.

TS Phan Thị Lan Hương nói: “Nhiều người khi tham gia khảo sát của chúng tôi đã không cho rằng những điều này là quấy rối tình dục (QRTD). Họ xem điều đó là bình thường. Nhiều phụ nữ cho biết họ bị QRTD thường xuyên. Nhiều người đàn ông tham gia khảo sát thì cho rằng đó không phải là quấy rối”.

Đó là những chia sẻ của TS Lan Hương tại hội thảo tham vấn kết quả khảo sát cho chương trình “Thành phố an toàn với phụ nữ và trẻ em gái” tại TP.HCM giai đoạn 2017-2021, tổ chức ngày 31-5.

“Chuyện này bình thường mà”

Khi TS Lan Hương đưa bản câu hỏi với những hành vi QRTD được mô tả, như các hành động mút chuột, bình phẩm cơ thể của một đối tượng nữ, nhiều nam thanh niên đã rất ngạc nhiên nói: “Những chuyện này bình thường mà”. Một người đã phản ứng khi được cho biết việc “đeo bám và theo dõi liên tục” là QRTD. Anh nói: “Tôi đi cua bồ thì phải đeo bám mới tán được người ta chứ!”.

Trong một cuộc tiếp xúc trước đó ở phạm vi hẹp, một nữ tạp vụ cho biết một nhân viên nam hay đưa ra những lời bình luận khiếm nhã với chị như: “Hôm nay em mặc áo sao mà căng cứng thế?” hoặc “Ngực đẹp thế sao không cởi bớt cúc cho sexy?”. Chị đã báo cáo việc đó cho cấp trên vì cảm thấy tổn thương, trong khi nhiều đồng nghiệp xem chuyện đó là bình thường, kể cả đồng nghiệp nữ.

Coi quấy rối tình dục là… "chuyện thường ngày ở huyện" - 1

Nhóm nữ thanh niên khuyết tật tham gia buổi phỏng vấn, khảo sát của chương trình “Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái”. Ảnh: H.MINH

Chị Nguyễn Lý Hiền Nga (nhóm công tác xã hội vì quyền lợi phụ nữ) bày tỏ tại hội nghị: “Một người có hành vi quấy rối bị báo chí nêu, chúng ta lên án thì dễ nhưng còn rất nhiều người chưa nhìn vào bản thân mình, chưa nhận thức được thế nào là QRTD, kể cả nhiều người đàn ông đang công tác tại các cơ quan nhà nước”.

Theo báo cáo khảo sát, vẫn còn gần một nửa số người khảo sát cho rằng nam giới bình luận hoặc có cử chỉ gợi dục đối với phụ nữ ở công cộng là bình thường.

Hậu quả khôn cùng nếu không dám lên án

QRTD có thể gây ra những chấn thương tinh thần sâu sắc. Phụ nữ và trẻ em bị QRTD có thể ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Nếu không lên tiếng thì từ quấy rối, nhiều vụ việc bị đẩy lên thành bạo lực tình dục, cưỡng bức tình dục nghiêm trọng cũng bởi nạn nhân không lên tiếng.

Bà LÊ THỊ LAN PHƯƠNG
cán bộ phụ trách Chương trình phòng ngừa bạo lực và trẻ em gái của UN Women

Bị QRTD nghiêm trọng: Chọn im lặng

Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB &XH TP.HCM), chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM: “Trong quá trình khảo sát, tôi ấn tượng nhất với nhóm người khuyết tật. Nhiều người trong số họ bị quấy rối nhưng họ không có khả năng tự vệ hoặc phản ứng mạnh mẽ. Trong số đó có những người khuyết tật đi bán vé số, họ rất dễ bị quấy rối”.

Một phụ nữ bán vé số bị tật ở chân tên là B. tham gia cuộc khảo sát, cho biết đồng nghiệp khuyết tật của cô thường bị ông chủ đại lý vé số quấy rối. Đến giờ phát vé số, ông phát hết cho mọi người nhưng giữ lại vé của cô gái khuyết tật này. Mọi người đi hết rồi ông mới đưa vé số cho cô gái nhưng tranh thủ đụng chạm cơ thể cô. Khi B. đi bán vé số, cô cũng hay bị gạ gẫm, bị sờ soạng, đụng chạm trong khi cô không bỏ chạy được. Một số bạn câm điếc đi bán vé số cũng thường xuyên bị quấy rối mà họ không kêu cứu được. Sau đó, họ chọn cách… lờ đi việc bị quấy rối.

Một nữ công nhân vệ sinh chia sẻ với nhóm khảo sát rằng họ là những mục tiêu dễ dàng của nạn QRTD vì họ làm việc vào buổi tối, phố vắng người. Chị nói: “Nhiều người đàn ông ăn mặc đẹp giả vờ hỏi đường nhưng khi mình quay lại thì họ giở áo lên và phô ra vùng kín”. Một số kẻ xấu hay cố ý động chạm vào người chị rồi bỏ chạy. Cũng vì vậy mà các chị đồng cảm và là nhóm người hỗ trợ thường xuyên cho các cô gái mại dâm đứng đường khi các cô bị người đi đường quấy rối, cưỡng bức. Tuy vậy, các cô đều chọn im lặng thay vì báo công an.

Theo khảo sát, có tới 41% nam giới và 39% nữ giới đã chứng kiến các vụ việc QRTD trong vòng 12 tháng qua.

Bắt kẻ vào 2 trường tiểu học ở quận 12 dâm ô nhiều bé gái

Ngày 31-5, Công an quận 12, TP.HCM ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Văn Tuấn (37 tuổi, ngụ quận 12) về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.

Sáng bốn hôm trước, Tuấn vào một trường tiểu học trên địa bàn khu phố 4 (phường Tân Thới Hiệp, quận 12) thì gặp một bé gái chín tuổi trên lầu. Nam thanh niên liền tiếp cận, hỏi: “Có nhặt được tiền của chú rồi chạy không?”. Bé gái liền trả lời không thì Tuấn đòi kiểm tra và dùng tay sờ soạng khắp người bé. Nam thanh niên tiếp tục đi xuống lầu thì gặp ba bé gái khác và thực hiện hành vi tương tự. Các bé gái sau đó đến báo với cô giáo chủ nhiệm. Sự việc được ban giám hiệu nhà trường báo ngay cho công an.

Tiếp đó, một trường tiểu học trên địa bàn phường Đông Hưng Thuận (quận 12) cũng đến công an trình báo việc Tuấn có hành vi dâm ô một bé gái trong nhà vệ sinh tại trường.

NGUYỄN TÂN

Quấy rối tình dục gây nhức nhối: Một nửa sự thật không phải là sự thật

Showbiz Hàn ngày càng nhiều vụ tố cáo nhưng sự thật vẫn còn nửa trắng nửa đen.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Minh (Pháp Luật TPHCM)
Quấy rối nơi công sở Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN